Chuyện Giáo dục thể chất lớp 1: Mặc kệ

HUY THỌ 24/10/2020 20:10 GMT+7

TTCT - Chả ai quan tâm đến môn Giáo dục thể chất nữa, mà giờ mỗi gia đình phải “tự cứu” con em mình!

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lương Thế Vinh học chơi bóng rổ trong tiết thể dục. Ảnh tư liệu 2015: Xuân Bình
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lương Thế Vinh học chơi bóng rổ trong tiết thể dục. Ảnh tư liệu 2015: Xuân Bình

 

Sau bài viết mổ xẻ cuốn sách giáo khoa Giáo dục thể chất lớp 1 của bộ Cánh diều, tôi nhận được rất nhiều phản hồi, của phụ huynh có, các giáo viên thể dục có, và cả những người làm công tác quản lý ngành thể thao…

Qua những câu chuyện mà mọi người chia sẻ, lại càng thêm buồn cho thực trạng môn giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông.

Thực trạng đó là gì? Chả ai quan tâm đến môn này nữa, mà giờ mỗi gia đình phải “tự cứu” con em mình!

10-15 năm về trước, sự quan tâm của phụ huynh về vấn đề rèn luyện sức khỏe cho con em còn khá mờ nhạt. Mọi người chủ yếu chỉ lo cho con ăn học, còn chuyện sức khỏe thì phó mặc cho nhà trường. Rồi khi làn sóng du học ập đến, qua nhiều kênh thông tin khác nhau, phụ huynh bắt đầu biết rằng con em không chơi thể thao, không chuyên cần rèn luyện thì khó mà thành công khi ra nước ngoài học tập. Người ta bắt đầu chú ý đến việc sắp xếp thời gian cho trẻ em tập bơi, học đá bóng, bóng rổ, bóng bàn… Chính nhờ vậy, các lò đào tạo bóng đá, bóng bàn… mọc lên ngày càng nhiều và hút được lượng học sinh khá lớn.

Có nghĩa là, phụ huynh chả thèm quan tâm đến việc dạy và học thể dục trong nhà trường nữa. Vì vậy, có sách hay không có sách, mặc kệ. Nội dung sách phù hợp hay không, mặc kệ. Thầy cô dạy thể dục kiểu gì, mặc kệ (miễn là đừng đánh giá con mình không đạt). Trường có sân bãi, cơ sở vật chất hay không, cũng mặc kệ. Mặc kệ tất. Bởi, tất cả đều không mong gì vào chuyện thể dục trong nhà trường, do chuyện này đã nói đi nói lại mãi hàng bao năm nay mà vẫn không hề thay đổi.

Từ chỗ “mặc kệ”, người ta cũng sẵn sàng bỏ ra vài chục ngàn đồng để mua cuốn sách giáo khoa cho đúng yêu cầu của nhà trường, của chương trình, cho khỏi phiền phức, chứ chẳng ai tin nó sẽ đem lại lợi ích gì cho con em mình. Nhưng thử nghĩ vài chục ngàn đồng ấy mà nhân lên con số vài triệu học sinh thì sao? Một con số khổng lồ bị lãng phí. Chỉ có người làm sách, bán sách là không mặc kệ!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận