27/10/2018 17:21 GMT+7

Một giấc mơ Hong Kong 16 năm trước của Triều Tiên dang dở

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Triều Tiên từng có giấc mơ xây dựng ra một đặc khu hành chính như Hong Kong với những kế hoạch hết sức cởi mở, nhưng giấc mơ đó đã chững lại. Vì sao?

Một giấc mơ Hong Kong 16 năm trước của Triều Tiên dang dở - Ảnh 1.

Cây cầu bắc qua con sông Yalu, nối thành phố Sinuiju với thành phố Đan Đông - Ảnh: AFP

Cách đây 16 năm, Triều Tiên từng lên kế hoạch tạo ra một đặc khu hành chính tương tự Hong Kong ở khu vực biên giới giáp Trung Quốc. Cũng sử dụng công thức "một quốc gia, hai chế độ", đặc khu Sinuiju được dự kiến có sự tự quyết về lập pháp, tư pháp và hành chính đầy đủ.

Lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là Kim Jong Il quyết định cho phép 8/15 thành viên "nội các" của đặc khu hành chính Sinuiju là người ngoại quốc. Và người được ông Kim chọn dẫn đầu dự án đầy tham vọng này là một thương gia người Hà Lan gốc Hoa tên Yang Bin.

Vì một số lý do, Yang Bin đã bị bắt tại Trung Quốc trước khi dự án Sinuiju bị đặt dấu chấm hết. Ông bị giam 16 năm liên tiếp trong một nhà tù ở Trung Quốc, trở thành nạn nhân của mối quan hệ căng thẳng Trung - Triều.

Tuy nhiên, tháng này, Yang bất ngờ được nhìn thấy xuất hiện công khai ở Đài Loan lần đầu tiên trong 16 năm qua. Sự xuất hiện của vị thương nhân bí ẩn làm người ta nhớ lại dự án Sinuiju và kế hoạch ngăn chặn của Bắc Kinh.

Theo báo Nikkei (Nhật), ông Kim Jong Il lúc bấy giờ rất chú trọng nông nghiệp. Trong một lần thăm các cơ sở sản xuất nông nghiệp ở Thượng Hải, ông Kim đã ấn tượng với việc sử dụng công nghệ tiên tiến ở thành phố này.

Khi quay về nước, ông Kim đã mở một chiến dịch "săn lùng" người có khả năng đưa một nền nông nghiệp tiên tiến như vậy về Triều Tiên. Cuộc tìm kiếm cuối cùng đã có kết quả. Đó là thương gia trẻ Yang Bin, một người đang làm nông nghiệp kiểu Hà Lan ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.

Sự thân thiết giữa ông Yang và Kim Jong Il vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng có một sự thật là việc ông Yang đổ 100 triệu USD đầu tư vào Triều Tiên đã giúp ích rất nhiều cho ông Kim. Ông Yang thậm chí còn được gọi "con trai nuôi của Kim Jong Il".

Một giấc mơ Hong Kong 16 năm trước của Triều Tiên dang dở - Ảnh 2.

Yang Bin (trái) và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il - Ảnh: NIKKEI

Mùa thu 2002, Yang đề xuất việc phát triển Sinuiju nên để người nước ngoài dẫn dắt và đặc khu này cần quyền tự trị nhất định. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đáp ứng yêu cầu ngay.

Cuối tháng 9-2002, luật cơ bản để đảm bảo hệ thống "một quốc gia, hai chế độ" cho Sinuiju đã được công bố. Ngay sau đó, ông Yang được bổ nhiệm là quan chức đứng đầu đặc khu. Ông thậm chí đã đích thân sang Nhật Bản để kêu gọi đầu tư.

Tuy nhiên, Trung Quốc lo ngại sự xuất hiện của đặc khu kinh tế Sinuiju có thể tác động xấu tới việc quản lý chính trị và kinh tế ở vùng đông bắc nước này.

Với việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2001, Trung Quốc lo ngại nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy sang khu vực biên giới Triều Tiên, nơi có nguồn nhân công rẻ hơn.

Một nguyên nhân khác khiến Trung Quốc lo sợ là vì Triều Tiên thực hiện dự án Sinuiju trong âm thầm. Bình Nhưỡng thậm chí sử dụng ông Yang - một người gốc Hoa - mà không nói năng gì với Bắc Kinh. Điều đó khiến Trung Quốc lo ngại về các ý định của Triều Tiên.

Do đó, Trung Quốc đã đặt dấu chấm hết cho dự án đặc khu trên bằng việc trừ khử lãnh đạo dự án - ông Yang. Ngay khi ông Yang được ông Kim Jong Il bổ nhiệm làm trưởng đặc khu, Trung Quốc lập tức đã bắt giữ tỉ phú trẻ ngay tại thành phố Thẩm Dương.

Trong số các lý do bắt giữ được đưa ra gồm trốn thuế và ăn hối hộ. Cuối cùng ông Yang bị tuyên án 16 năm tù.

Triều Tiên được cho đã nhiều lần phản đối hành động của Trung Quốc và liên tục kêu gọi thả ông Yang. Tuy nhiên, Trung Quốc bỏ ngoài tai mọi yêu cầu của Bình Nhưỡng.

Người đàn ông hiện 55 tuổi đã gần như đi vào quên lãng cho đến khi ông xuất hiện vào tháng này. Theo truyền thông Đài Loan, chuyến thăm Đài Loan của ông được cho là để tuyển mộ các thành viên tham gia dự án đặc khu kinh tế Sinuiju, mà ông vẫn còn tham gia.

Bị trừng phạt, Triều Tiên vẫn có thủy phi cơ, xe hơi… từ Trung Quốc? Bị trừng phạt, Triều Tiên vẫn có thủy phi cơ, xe hơi… từ Trung Quốc?

TTO - Triều Tiên được nói là đã nhập khẩu số xa xỉ phẩm trị giá 640 triệu USD từ Trung Quốc, dù đang nằm trong vòng vây trừng phạt quốc tế liên quan tới chương trình tên lửa và hạt nhân.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên