30/05/2023 15:03 GMT+7

'Một dự án làm 4 nhiệm kỳ mà chỉ liên quan đến chuyển đổi đất rừng'

Việc triển khai thực hiện dự án liên quan đến chuyển đổi sử dụng đất rừng phải được đánh giá kỹ lưỡng với cơ chế thực hiện phù hợp để tránh kéo dài.

Một dự án làm 4 nhiệm kỳ mà chỉ liên quan đến chuyển đổi đất rừng - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị làm rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để triển khai dự án hiệu quả - Ảnh: Quochoi.vn

Đó là vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra khi thảo luận tại hội trường sáng 30-5 về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng, Ninh Thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Cần thiết điều chỉnh dự án hồ chứa nước Ka Pét

Đối với dự án đường giao thông từ Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng, Ninh Thuận, quy mô chỉ là dự án nhóm A nhưng do phải chuyển đổi hơn 50ha đất rừng nên thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. 

Trong khi đó, dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 12-2019 nhưng việc thực hiện bị đình trệ. 

Thống nhất về sự cần thiết điều chỉnh dự án hồ chứa nước Ka Pét, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng với cơ chế đặc thù của dự án, việc giao UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư cần tăng cường kiểm tra giám sát, tránh chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi, khó triển khai.

Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cũng nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh chủ trương dự án, khi đời sống người dân Bình Thuận gặp khó khăn do thiếu nước. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ kéo dài làm thay đổi tổng mức đầu tư do yếu tố trượt giá, với mức vốn sau điều chỉnh là 874.000 tỉ đồng.

Do đó, đại biểu Chung đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 của dự án đối với số vốn là 47 tỉ đồng cho đến hết ngày 31-12-2023 để Bình Thuận có thêm nguồn lực thực hiện.

Đồng tình với các đề xuất điều chỉnh dự án đường giao thông kết nối giữa Khánh Hòa - Lâm Đồng và Ninh Thuận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại dự án này. Đặc biệt, cần làm rõ vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế sẽ như thế nào.

“Cơ sở dữ liệu, số liệu cho rằng phần này không tác động trực tiếp đến sinh thái, an toàn, môi trường vì rừng phần lớn là nghèo kiệt, có thể chuyển được. Tuy nhiên, Chính phủ phải bảo đảm về giá trị, tính chính xác của thông số này để Quốc hội hoàn toàn yên tâm” - ông An nói.

Bởi không chỉ dự án trên, theo đại biểu An, nhiều dự án khác hiện nay cũng đang vướng liên quan đến thủ tục này. Cần rà soát, báo cáo cụ thể vì “chỉ cần vướng một chút liên quan đến rừng” đều phải đánh giá thật kỹ nên cần phải có những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp.

Băn khoăn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng

Đại biểu An dẫn chứng dự án đường Trường Sa Đông rất quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội đi vào lõi Tây Nguyên, triển khai 3 nhiệm kỳ, gần 20 năm nhưng đến nay vẫn dở dang liên quan đến chuyển đổi một phần diện tích rừng.

“Thời điểm này nếu không xử lý được thì sẽ dẫn đến tình trạng một dự án làm 4 nhiệm kỳ, không biết có xong được không mà chỉ một chút liên quan đến phần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Do đó, tôi xin đề xuất Chính phủ, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, các tỉnh sớm hoàn thiện để có cơ chế phù hợp triển khai công trình này” - ông An nói.

Giải trình các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tiếp thu các ý kiến đại biểu về việc cần thiết phải điều chỉnh dự án hồ chứa nước Ka Pét để phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân. 

Với dự án giao thông của Khánh Hòa kết nối Lâm Đồng và Bình Thuận, ông Dũng cho rằng việc chuyển mục đích sử dụng rừng, địa phương tính toán làm ảnh hưởng 75,58ha rừng, hoàn toàn tránh được phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khu bảo tồn. Do đó sẽ lưu ý các vấn đề đại biểu nêu, thực hiện trồng rừng thay thế đầy đủ, đúng quy định.

Gần 22.000 tỉ đồng làm đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài hơn 117kmGần 22.000 tỉ đồng làm đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài hơn 117km

TTO - Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5km, tổng mức đầu tư 21.935 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên