Dù từng bị ám ảnh khi xem những phim Hollywood đầy bạo lực nhưng khi sang đến đây tôi thấy mọi chuyện không đến mức như mình nghĩ. Người dân hiền lành và tôn trọng nhau.
Những người Mỹ mới quen đều hỏi thăm tôi về gốc gác châu Á của tôi và chúng tôi vẫn thường chia sẻ với nhau về những đặc thù văn hóa, về ẩm thực vùng miền.
Buổi sáng 12-6, tôi vui vẻ đến nhà thờ như mọi ngày chủ nhật khác. Nhưng có gì đó thật khác thường, thật trầm lặng trước khi bắt đầu buổi lễ.
Cha Michael hôm nay đột nhiên nói về cái chết, nói về sự bạo lực, sự hận thù trong cuộc sống. Đâu đó dưới những hàng ghế có những tiếng sụt sịt, có những dòng nước mắt.
Lặng lẽ hỏi thăm một người kề bên, tôi mới biết sự kiện khủng khiếp ở Orlando. Từ nơi tôi ở đến Orlando cách 2.000 cây số nhưng nỗi đau là nỗi đau. Không biên giới, không khoảng cách. Người Mỹ đã gặp nhiều sự cố bắn giết, nhưng lần này là lần thảm khốc nhất.
Người Mỹ khóc vì sự bình an, vì sự hạnh phúc đang bị lòng thù hận, bị súng đạn bóp nát. Họ hiểu rõ rằng dù ôm nhau, dù động viên nhau đứng vững nhưng vết thương hẳn sẽ lâu lắm mới liền sẹo.
Sáng 12-6, tôi ngồi đàn mà không đủ tĩnh tâm để nhớ nốt nhạc. Lần đầu một cô gái trẻ như tôi chứng kiến những giọt nước mắt của rất nhiều người Mỹ.
Nhưng sáng 12-6 hôm ấy, dường như những con người tôi rất quen thuộc đã hát hay hơn bình thường. Họ hát để chứng tỏ rằng họ không sợ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận