12/11/2014 11:47 GMT+7

​Mong được cai nghiện tập trung

VŨ THỦY - Đ.THANH ghi - GIA MINH
VŨ THỦY - Đ.THANH ghi - GIA MINH

TT - Quốc hội vừa chấp thuận việc tập trung người nghiện không có nơi cư trú đi chữa bệnh bắt buộc. Người nghiện và người thân của người nghiện nói gì về vấn đề này?

Lớp học văn hóa Trường Giáo dục và đào tạo việc làm số 1 (trực thuộc  Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM) ở xã Đắk R’tit, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông - Ảnh: Hà Linh
Lớp học văn hóa Trường Giáo dục và đào tạo việc làm số 1 (trực thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM) ở xã Đắk R’tit, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông - Ảnh: Hà Linh

* Chị N.T.M. (30 tuổi, quê Cần Thơ, người nghiện lang thang tại công viên 23-9, Q.1, TP.HCM):

Muốn cai nghiện nhưng không có tiền

Tôi nghiện ma túy đã hơn 10 năm, mới lên Sài Gòn gần bốn tháng, ăn ngủ ở công viên, làm cái gì ra tiền để chích là làm, lúc thì đi mua thuốc giùm cho mấy người mới chơi, lúc giật dọc, trộm cắp.

Cũng mấy lần tôi bị người ta bắt được đánh đập, mới đây Công an P.Phạm Ngũ Lão cũng gom về phường hai lần rồi thả.

Ngày nào tôi cũng chích ba cữ, mỗi cữ 200.000 đồng, không đủ tiền thì hùn với người khác mua về chơi chung nên sáng mở mắt ra đã lo kiếm tiền chích, lang thang ở công viên chứ chẳng làm được gì.

Trước đây tôi từng cai nghiện tại trung tâm ở Lâm Đồng, cũng giữ được mấy năm, mới chơi lại gần năm nay. Mấy ngày nay tôi có nghe người ta bảo công an sắp gom vào hai trung tâm để cắt cơn.

Tôi biết mình thuộc diện dễ tái nghiện, đã từng đi cai trước đó rồi nên chắc chắn là sau khi đưa vào trung tâm cắt cơn 15 ngày xong đưa vào mấy trường tập trung thêm hai năm.

Hồi còn ở với gia đình, tôi từng nhờ người mua thuốc cai sống ở nhà, nhưng rồi chỉ vài ngày là nghiện lại, nên nghĩ việc vào trung tâm hai năm để cho mình quên đi cơn thèm cũng tốt. Hồi tôi mới nghiện, mẹ còn lo đưa đi cai.

Bây giờ, nhiều lần vả thuốc xong cũng nghĩ mình không thể sống lang thang như thế này, cũng muốn cai nhưng giờ chẳng dám mở miệng xin tiền gia đình đi cai dịch vụ, cũng chẳng có tiền mua thuốc tự cai nữa. Nghĩ đến chuyện bị công an bắt ai chẳng sợ, nhưng muốn bỏ heroin thì chẳng còn cách nào khác.

* Ông L.T.L. (Q.Thủ Đức, TP.HCM - thân nhân người nghiện):

Công an không đưa đi, gia đình không biết phải làm sao!

Con trai tôi (sinh năm 1983) nghiện từ năm 2011, đưa đi cai ở trường về gần năm nay nhưng chỉ được 3-4 tháng sau nó nghiện lại. Hồi trước nó nghiện heroin nhưng cũng không dữ dằn, hỗn láo như bây giờ.

Mấy tháng nay, cứ lên cơn quậy là nó xưng mày tao với cha mẹ, hay kêu la đau đầu rồi nói nhảm. Tôi nghe cán bộ ở phường nói lại là con tôi không chơi heroin nữa mà dùng ma túy đá.

Giận con nhưng cha mẹ nào chẳng thương con, chúng tôi muốn gửi con đi cai dịch vụ nhưng không có tiền. Nhà nghèo, vợ chồng tôi ở nhà mướn từ năm 1992 tới giờ, chỉ làm mướn lặt vặt để kiếm sống nên lấy đâu ra tiền.

Cả tuần nay con tôi đã bỏ đi đâu đó theo bè theo đám không về nhà, không biết nó có ăn cướp, ăn trộm gì ngoài đường không. Giờ chúng tôi chỉ hi vọng công an gặp nó, bắt nó đi cai, làm sao cho nó bỏ nghiện, chứ vợ chồng tôi cũng không còn phải biết làm sao.

* Trung tá Võ Quốc Bảo (đội trưởng đội tham mưu tổng hợp, Công an H.Hóc Môn, TP.HCM):

Đảm bảo an ninh cho trung tâm cai nghiện

Giữa Công an H.Hóc Môn và Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn) có ký kết quy chế phối hợp trong việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho trung tâm này.

Quy chế này nêu rõ khi trung tâm xảy ra vụ việc liên quan về tình hình an ninh trật tự, phía trung tâm sẽ thông báo cho Công an xã Xuân Thới Sơn cử lực lượng công an xã đến giải quyết, nếu tình hình vượt quá tầm xử lý, công an xã sẽ báo Công an H.Hóc Môn xuống làm việc.

Đa số những người đến trung tâm này cai nghiện là những người cần được chữa trị nên về tình hình an ninh trật tự tại trung tâm này chưa từng xảy ra vụ việc nào.

Về lực lượng đảm bảo an ninh cho trung tâm này, ngoài Công an xã Xuân Thới Sơn và Công an H.Hóc Môn hằng ngày đi tuần tra trước trung tâm, ngay sát bên trung tâm còn có một đơn vị của trung đoàn cảnh sát cơ động Công an TP đóng quân tại đây.

Chưa kể phía sau trung tâm là một con sông hằng ngày đều có lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy Công an TP chạy canô đi tuần tra. Vì vậy tình hình an ninh xung quanh Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân rất đảm bảo.

________________

TP.HCM sẽ triển khai hiệu quả đề án

Chiều 11-11, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp khẩn với lãnh đạo cơ quan chức năng, các quận, huyện trên địa bàn TP để đẩy nhanh kế hoạch chuẩn bị thực hiện đề án quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào trung tâm.

Theo đó, trong thời gian sớm nhất, TP sẽ chuẩn bị đầy đủ điều kiện về thủ tục pháp lý, cơ sở vật chất để khi Chính phủ có văn bản chỉ đạo là áp dụng, thực hiện ngay việc đưa người nghiện lang thang vào trung tâm.

Ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP, đã yêu cầu cụ thể từng cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo chuyên môn của mình, trong tuần tới phải hoàn tất.

Các đơn vị như Sở Lao động - thương binh và xã hội, thanh niên xung phong kiểm tra cơ sở vật chất, khẩn cấp cho sửa chữa, nâng cấp các trung tâm tiếp nhận, đào tạo người nghiện nếu chưa đủ điều kiện đáp ứng việc tiếp nhận người nghiện.

Ông Thuận nhấn mạnh: “Các đơn vị cần mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cá nhân phục vụ người nghiện chữa trị, chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận sau khi tòa án có quyết định đưa người nghiện vào trung tâm, đối xử với họ đúng tư cách người được đưa vào để điều trị, đào tạo chứ không phải tội phạm”.

Tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP, lưu ý các đơn vị cần tập huấn cho toàn bộ đội ngũ tham gia quá trình xử lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định từ khi tiếp xúc ban đầu, tập trung tại trung tâm và quản lý khi đào tạo.

“Cần lưu ý và chuẩn bị các tình huống chi tiết nhất, kể cả trường hợp người nghiện tự ý gây thương tích cho bản thân họ cũng phải dự trù, lên phương án trước”, ông Quân nói.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan tới kinh phí hoạt động, thủ tục pháp lý, biểu mẫu, thậm chí cả việc chuẩn bị lực lượng để dạy học viên cai nghiện võ thuật, các môn thể thao, các chương trình biểu diễn nghệ thuật để đảm bảo về đời sống tinh thần của học viên cũng được lãnh đạo UBND TP yêu cầu các đơn vị có liên quan lên kế hoạch cụ thể.

Lãnh đạo UBND TP chỉ đạo ngay trong tuần tới, công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia công tác xử lý cũng phải hoàn thành, mọi việc phải hoàn tất trước, khi Chính phủ cho phép sẽ triển khai ngay.

Tại cuộc họp cũng có ý kiến phản ảnh còn nhiều vướng mắc khi thực hiện đề án. Thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP - nêu băn khoăn: Cho tới nay Bộ Y tế chưa thống nhất về tiêu chí nhận biết căn cứ đánh giá thế nào là người nghiện.

Nếu không hoàn chỉnh sớm sẽ rất khó khăn khi thực hiện đề án. Lãnh đạo TP cho rằng những vấn đề tồn tại, khó khăn thuộc thẩm quyền của TP phải được xử lý ngay, nếu thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành trung ương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể, không để chậm trễ.

“Tôi xin hứa từ nay tới trước Tết Nguyên đán năm 2015, TP sẽ triển khai hiệu quả đề án này, đảm bảo an toàn cho người dân TP cũng như người dân cả nước tới TP.HCM được an toàn”, ông Hứa Ngọc Thuận nói tại cuộc họp.

VŨ THỦY - Đ.THANH ghi - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên