Người cai nghiện tại Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) được dạy các nghề may, điện dân dụng - Ảnh: Tiến Long |
Chiều 7-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thống nhất sẽ đưa một số giải pháp theo kiến nghị của Chính phủ về cai nghiện ma túy vào nghị quyết kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hạnh Phúc - chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với kiến nghị của Chính phủ cho phép các tỉnh thành trong cả nước áp dụng tạm thời biện pháp cắt cơn, giải độc, chăm sóc sức khỏe... cho người nghiện ma túy trong lúc chờ quyết định của tòa án để đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Đồng thời cũng yêu cầu Chính phủ sớm hoàn thiện, chỉnh sửa lại nghị định 221/2013/NĐ-CP (quy định các biện pháp hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) để các tỉnh thành trong cả nước có cơ sở thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo ông Phúc, dự kiến ngày 10-11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa vấn đề này ra trước Quốc hội để xin ý kiến các đại biểu.
Không nhất thiết phải chờ đủ 35 ngày như luật
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, một ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết thêm tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho rằng Chính phủ phải sớm hoàn chỉnh nghị định 221.
Thứ nhất, phải quy định rõ tổ chức xã hội tiếp nhận người nghiện là tổ chức nào.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện, các cơ quan chức trách có thể rút gọn thời gian, không nhất thiết phải chờ đủ 35 ngày như luật quy định mà có thể ngắn hơn, càng sớm càng tốt.
“Làm sao để vừa đảm bảo quy định pháp luật và tuân thủ Hiến pháp về việc tôn trọng quyền công dân, quyền con người. Còn trong quá trình thực hiện tiếp theo, nếu còn vướng mắc nữa thì Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa luật” - vị này khẳng định.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Thành Lập - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho biết TP.HCM rất mừng vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với những đề xuất của Chính phủ về vấn đề cai nghiện ma túy.
Ông Lập cho hay những ngày qua đã có hàng trăm cuộc điện thoại, nhắn tin của cử tri TP đến các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để hỏi thông tin về giải pháp cho vấn đề người nghiện ma túy đang gia tăng.
Chỉ mất 10-15 ngày lập hồ sơ
Chiều 7-11, đoàn công tác do bà Phạm Thị Hải Chuyền - bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, phó chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm - đã có buổi làm việc với lãnh đạo và các ban ngành của UBND TP.HCM về đề án thí điểm cai nghiện ma túy.
Ông Trần Trung Dũng, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết hiện nay TP đã báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho phép TP xây dựng đề án nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt.
Theo đề án, thay vì tổ chức xã hội tiếp nhận, lưu giữ người nghiện, TP sẽ sử dụng hai trung tâm có sẵn nằm ngay trong địa bàn TP gồm Bình Triệu (quận Thủ Đức), Nhị Xuân (huyện Hóc Môn), sức chứa từ 1.500-2.000 người nghiện làm trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội.
Với đội ngũ y bác sĩ, phòng cắt cơn giải độc sẵn có, các trung tâm sẽ được bố trí thêm hai phòng xét xử lưu động, phòng làm việc cho các ngành lao động, tư pháp. Khi phát hiện người nghiện, công an lập hồ sơ đưa người nghiện vào trung tâm thực hiện khám chữa bệnh, cắt cơn giải độc, tư vấn.
Sau đó nếu đủ điều kiện tòa sẽ xem xét tại chỗ. Nếu tòa có quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc sẽ trung chuyển người nghiện đến các trung tâm.
Dự kiến khi có quyết định cấp phường đưa lên, các đơn vị sẽ lập hồ sơ và trong thời gian từ 10-15 ngày là hoàn chỉnh. Chi phí ăn ở, cắt cơn cho người nghiện TP sẽ đầu tư. Theo ông Dũng, nếu đề án được duyệt, TP đảm bảo có thể triển khai ngay từ cuối tháng 11 này.
Lo lắng tình trạng nghiện hút shisha
Tại buổi làm việc, TP cũng báo cáo về tình hình tệ nạn ma túy với trên 19.200 người nghiện có hồ sơ quản lý.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của đoàn công tác về tình hình sót lọt, quản lý người nghiện không có nơi cư trú, ông Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết khả năng lọt người nghiện là 50%.
“Con số hơn 5.000 người thuộc diện đang truy tìm cũng không đưa vào được do nhiều tiêu chí rà soát không cần thiết, do đó nếu tính thêm con số này thì đã là 24.000 người” - ông Minh cho biết thêm.
Cũng theo ông, chỉ 40% người nghiện TP có nơi cư trú ổn định nhưng sự ổn định này chỉ là tạm thời, nếu làm quyết liệt họ sẽ tìm cách lẩn trốn, không quản lý được nữa.
Ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP.HCM - lại lo lắng về tình trạng nghiện hút shisha đang lan tràn trong giới trẻ.
Ông cho biết hiện nay ma túy đá được nghiền nát pha trộn vào trong các bình hút nhưng không có quy định để xử lý, chỉ có thể tịch thu bình hút theo diện hàng nhập lậu.
Trong khi đó, nhiều nơi tìm cách trá hình bình hút bằng chai rượu. Đây có thể là nguồn phát sinh người nghiện ma túy đá rất lớn.
Đồng tình với việc thí điểm trung tâm cai nghiện ma túy của TP.HCM và cho biết phần lớn ý kiến của cơ quan chức năng trung ương đều ủng hộ đề án của TP nhưng bà Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị phải có quy chế rất rõ ràng, chặt chẽ về thời gian lưu giữ, về chức năng xác định tình trạng nghiện, cắt cơn.
Đồng thời, phải bố trí như thế nào để tòa án quận, huyện có thể xử lý tại chỗ, tránh tình trạng đề án được phê duyệt nhưng đưa vào thực hiện lại khó khăn hoặc vi phạm quy định khác.
Cho rằng việc đưa người nghiện ma túy lang thang không có nơi thường trú vào cơ sở tập trung để cắt cơn giải độc là nhân văn, ông Hứa Ngọc Thuận cho rằng những người nghiện không có nơi thường trú rõ ràng và có thể họ cũng đang bị chính gia đình của mình từ chối.
Bởi vậy việc tập trung về một nơi để cắt cơn, giải độc là giúp đỡ chính họ và cộng đồng. Bởi bản thân họ không có tiền và cũng không có khả năng để tự cai nghiện.
TP.HCM lập Ban chỉ đạo đề án quản lý người nghiện ma túy Ngày 7-11, chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo đề án quản lý người nghiện ma túy trong khi chờ thực hiện thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, có 36 cá nhân và lãnh đạo tám đơn vị (Mặt trận Tổ quốc, đoàn đại biểu Quốc hội, TAND, Viện KSND, Ban văn hóa xã hội HĐND TP, Ban pháp chế HĐND TP, Đoàn luật sư, Hội Luật gia) của TP tham gia. Ông Hứa Ngọc Thuận được giao làm trưởng ban. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận