Thứ 7, ngày 28 tháng 5 năm 2022
'Mong du khách đến Hà Giang không cho tiền trẻ nhỏ'
TTO - Dẫn hình ảnh các em nhỏ bỏ học đứng ở các điểm du lịch để xin tiền, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề nghị khách du lịch đến Hà Giang không cho tiền vì đây là hình ảnh rất phản cảm.

Ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho rằng ủng hộ Hà Giang cần phải bài bản chứ không phải đưa tiền cho các em học sinh - Ảnh: HÀ THANH
Chiều 25-4, tại làng văn hóa dân tộc Mông ở xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức tọa đàm "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên".
Dự và chủ trì buổi tọa đàm có anh Nguyễn Anh Tuấn, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Tham dự tọa đàm còn có các nhà khoa học, văn hóa, chuyên gia về văn hóa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý khẳng định cần phải giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc đã gắn bó bao đời nay, nhưng cũng kiên quyết bài trừ, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.
Ông dẫn lại câu chuyện bắt vợ gây xôn xao mạng xã hội vừa qua, và khẳng định đây không phải là hủ tục lạc hậu mà là tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân tộc ở Hà Giang. Tuy nhiên, đừng biến nó trở thành điều mà cộng đồng không thể chấp nhận.
Ông cũng thẳng thắn chỉ ra hiện nay có không ít học sinh bỏ học đến các điểm du lịch xin tiền du khách. Để xóa bỏ tình trạng này, có trách nhiệm của chính quyền địa phương, trách nhiệm của Đoàn trong giáo dục thế hệ trẻ, truyền thông điệp đến bậc phụ huynh.
"Hôm nay chúng ta phải nhắc lại một lần nữa, chúng ta có trách nhiệm, vai trò của Đoàn hết sức quan trọng, phải có trách nhiệm giáo dục cho các em học sinh, giáo dục cho phụ huynh. Ngược lại chúng ta cũng phải gửi thông điệp: Tất cả các du khách đến Hà Giang dứt khoát không được cho tiền" - ông nói và cho rằng ủng hộ Hà Giang phải có bài bản chứ không phải là đưa tiền cho các em học sinh.

Tọa đàm "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên" - Ảnh: HÀ THANH
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu vấn đề về thực hiện sứ mệnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số hóa các di sản văn hóa. Ông cho rằng chúng ta đã quen với số hóa ngành công nghệ y dược, khoa học, quân sự, nhưng đối với lĩnh vực văn hóa rất ít làm được điều này.
"Trên đường từ Hà Giang đến Mèo Vạc, thấy ở trên đường cháu nào cũng cầm điện thoại mở TikTok, YouTube, Facebook. Rất nhiều thông tin nhưng tôi thử đặt vấn đề muốn giới thiệu ẩm thực của Hà Giang, liệu có một bài TikTok nào không?" - ông Hùng đặt câu hỏi.
Ông cho rằng không thể chối từ "tính chất không biên giới của truyền thông đa phương tiện". Do đó, cần làm tốt công tác truyền thông đến giới trẻ, cần tận dụng công nghệ để quảng bá rộng rãi văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Trong khi đó, PGS.TS Lâm Bá Nam, chủ tịch Hội Dân tộc học và nhân học Việt Nam, nhấn mạnh đến vấn đề ý thức văn hóa tộc người.
Ông nêu góp ý, cần xây dựng, khuyến khích lòng tự hào về nền văn hóa của dân tộc mình, bắt đầu từ những thành tố văn hóa nhỏ nhất cho đến hệ thống kiến thức địa phương, hệ thống quản lý cộng đồng truyền thống, hệ thống và các quan hệ kinh tế ở miền núi. Xây dựng quan điểm về việc tăng cường huy động nội lực xã hội và tinh thần của các dân tộc tự lực, tự sáng tạo.

Đưa khèn Mông vào trường học để giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống độc đáo ở Hà Giang - Ảnh: HÀ THANH
Anh Nguyễn Anh Tuấn, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nhấn mạnh văn hóa không chỉ là cội nguồn, động lực cho sự phát triển mà còn là "bức tường thành vững chắc nhất, kiên cố nhất, có ý nghĩa nhất để bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc".
Anh cho biết thời gian tới, Trung ương Đoàn sẽ triển khai các công việc liên quan đến phát triển văn hóa. Trước hết bắt đầu từ thiếu niên nhi đồng, nghiên cứu kỹ mô hình "Đưa văn hóa truyền thống vào trường học".
Cùng với đó, cần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bằng cách chuyển đổi số trong hoạt động văn hóa. Phải bắt đầu từ việc số hóa các tài nguyên văn hóa, sau đó kết nối truyền thông xã hội, trí tuệ nhân tạo để tài nguyên văn hóa được lan tỏa. Để làm được điều này, anh cho rằng phải nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi.
"Các bạn thanh niên có thể trở thành YouTuber, TikToker, khi mình có năng lực số, có tình yêu đối với dân tộc thì chắc chắn sẽ tạo ra được công cụ, cách thức lưu giữ, lưu trữ giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc" - anh Tuấn nói.
-
TTO - Cơn mưa kèm gió mạnh chiều 28-5 đã khiến cây xanh cao khoảng 10m bị bật gốc, ngã ra đường và đè trúng một xe hơi đang đậu bên đường.
-
TTO - Trận giao hữu với đội tuyển U23 UAE được xem là bài test chất lượng với đội tuyển U23 Việt Nam. Do đó, tân HLV Gong Oh Kyun đã dành phần lớn thời lượng buổi tập cho các nội dung rèn về cách di chuyển, phối hợp trong tấn công và phòng ngự.
-
TTO - Bản tin COVID-19 chiều 28-5 của Bộ Y tế cho biết tại 44 tỉnh thành ghi nhận 1.114 ca mắc mới, giảm 125 ca so với ngày trước đó, không thêm ca tử vong, như vậy số tỉnh thành không có thêm ca mắc trong ngày đã tăng lên con số 19 địa phương.
-
TTO - Theo thông tin ban đầu, bé K. là con của chị V. (37 tuổi). Sáng 27-5, chị V. giao con cho Tr. giữ như thường ngày. Sau đó, Tr. gọi điện cho chị V. nói rằng bé K. bị ho, ọc sữa, có dấu hiệu tím tái.
-
TTO - Kế sách của Tôn Tẫn cách đây hơn 2.300 năm đang được hậu thế của ông áp dụng lại, trong bối cảnh Trung Quốc hiện đại đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp cả trong lẫn ngoài nước.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận