Người trẻ đứng trước làn sóng "ly hôn xanh" (ly hôn trong vòng 5 năm), nhiều tâm sự và tranh luận làm sao để kết thành đôi, sống hạnh phúc bền lâu?
Hôn nhân thời nay có còn cần "môn đăng hộ đối"? Môn đăng hộ đối về gia cảnh, tiền bạc hay về văn hóa, kiến thức?
Môn đăng hộ đối ngày nay khác xưa?
Tưởng chừng chỉ có ở thời "ông bà anh, ông bà em", nhưng gen Z đa phần bày tỏ thái độ đồng thuận với câu chuyện môn đăng hộ đối là yếu tố quan trọng trong hôn nhân. Họ gọi bằng cái tên mỹ miều hơn là "gió tầng nào gặp mây tầng đó" hay "xứng đôi vừa lứa".
Trong cuộc sống, ta dễ dàng bắt gặp cặp đôi yêu đương nồng nhiệt tưởng chừng như kiếp này ta không thể sống thiếu nhau, ấy vậy mà mới kết hôn đã tính đến chuyện ly tan. Người trẻ đứng trước làn sóng "ly hôn xanh", nhóm chiếm tỉ lệ cao nhất ở độ tuổi từ 18 - 30 tuổi.
Khi kết hôn, hai người cùng bước vào một cam kết "vận hành" gia đình hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Chính nhiều người trong cuộc cũng đã nhận ra rằng chỉ tình yêu thôi vẫn chưa đủ, để hôn nhân gắn kết bền vững cũng cần xét đến yếu tố hợp nhau nhiều mặt hay còn gọi "môn đăng hộ đối".
Giới trẻ ngày nay không còn dùng giá trị vật chất làm thước đo, định kiến phân biệt giàu nghèo hay địa vị như thời xưa.
Hôn nhân thời nay lấy xứng đôi vừa lứa làm thước đo, là sự xứng tầm về về sự hiểu biết, nhận thức trong tư duy và tam quan sống (quan điểm sống, nhận thức và cách hành xử của cá nhân đó đối với thế giới xung quanh).
Người trẻ không giới hạn môn đăng hộ đối ở chuyện tiền bạc hay gia cảnh, đó còn là sự hòa hợp trong tâm tưởng, là sự đồng điệu trong tâm hồn, chung nền tảng tri thức, chung tầm nhìn để hướng đến mục tiêu chung. Có như thế, vợ chồng mới dễ dàng thổ lộ, giãi bày với nhau mà không bị "lệch sóng".
Trái lại, nếu không môn đăng hộ đối trong tâm hồn thì sẽ dễ bề tạo ra khoảng cách. Mà đã có khoảng cách chắc hẳn sẽ tạo ra sự xa cách, sinh ra tâm lý chán nản, một trong hai người sẽ không muốn giãi bày với nhau những điều xảy ra trong cuộc sống thường nhật.
Thời 4.0 "môn đăng hộ đối văn hóa"
Nhóm gen Z phản đối kịch liệt thước đo môn đăng hộ đối là đánh giá gia đình giàu, nghèo. Theo cái nhìn của người trẻ, đó là quan niệm cổ hủ, xa xưa. Nó phủ nhận tính thích nghi với cái mới, triệt tiêu sự phấn đấu vươn lên của mỗi người. Bởi tình yêu có thể làm thay đổi tất cả, làm nên những điều kỳ diệu.
Dù không hoàn toàn ủng hộ nhưng những người có tuổi vẫn có cái nhìn thận trọng, cân nhắc về chuyện"môn đăng hộ đối". Với họ, bao đời nay chuyện giàu nghèo giữa hai gia đình là nguyên cớ của bao phiền muộn, đau khổ cho những người trong cuộc, khiến nhiều người không thể ăn đời ở kiếp với nhau vì thái độ coi thường khinh miệt.
Nếu ngày xưa hôn nhân theo kiểu"cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" cốt sao cho "môn đăng hộ đối" thì nay người trẻ đã phần nào thay đổi quan điểm này. Họ độc lập sớm hơn nên có thể tự quyết định hôn nhân của cuộc đời mình mà không cần xét đến yếu tố gia cảnh.
Thực tế cho thấy những cặp đôi sống với nhau đến lúc răng long đầu bạc thường có sự tương đồng về tri thức, kinh tế và tình yêu. Vì cuộc đời không chỉ với gió mát, trăng thanh cùng những lời lẽ lãng mạn, ngôn tình mà có cả cơm áo gạo tiền lẫn với tiếng chì, tiếng bấc.
Ngày nay "môn đăng hộ đối" cần được hiểu theo nghĩa là sự cân bằng về trình độ văn hóa cũng như hoàn cảnh sống của hai con người. Hoàn cảnh sống không giống nhau sẽ có thế giới quan khác biệt.
Chẳng hạn người vợ muốn đi xem phim "bom tấn" ở rạp với màn hình rộng và âm thanh sống động, còn anh chồng chỉ thích giải trí bằng việc xem điện thoại, ngồi nhà với những clip hài trên mạng là đủ. Hoặc ngày nghỉ chồng ao ước đi nghe âm nhạc thính phòng, còn vợ thì thích rủ bạn bè tới nhà bật karaoke lên hò hát cho vui, thì thử hỏi đồng điệu kiểu gì?
"Môn đăng hộ đối" còn được hiểu là sự tương đồng về mức sống, nề nếp, văn hóa ứng xử của hai gia đình. Điều đó sẽ giúp hai con người xa lạ đến với nhau tránh được những hụt hẫng do khác biệt từ lối sống. Vì hiện thực của việc không có địa vị tương xứng, phải cam chịu gò mình vào nếp sống xa lạ cũng là nguyên nhân gây nên những đổ vỡ.
Đừng chỉ gói gọn "môn đăng hộ đối" theo nghĩa tiền bạc, của cải mà còn rộng hơn về cách kiếm tiền, tiêu tiền và suy nghĩ về đồng tiền cũng phải giống nhau. Hơn thế nữa còn là tri thức, vốn sống, nền giáo dục cũng phải tương xứng.
Những cuộc hôn nhân bền vững không chỉ dựa vào tình yêu của hai người, mà còn dựa nhiều vào gia đình của hai bên. Đó không chỉ là đo lường về năng lực kinh tế, cũng như tri thức, mà là tìm hiểu liệu gia đình đối phương có cho họ khả năng "biết yêu thương" để cùng bạn đi đến cuối con đường hay không.
"Môn đăng hộ đối" nên được nhìn nhận một cách khách quan. Nó không chỉ được định nghĩa bởi những tiêu chí cứng nhắc như vật chất, địa vị mà còn là sự hòa hợp về tinh thần, giá trị sống. Tình yêu thương, thấu hiểu và tôn trọng mới là mấu chốt cho sự hạnh phúc trong hôn nhân. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế cũng có những hôn nhân dù không "môn đăng hộ đối" vẫn tồn tại và lâu dài.
Xứng đôi vừa lứa dễ bền lâu
Bàn chuyện "môn đăng hộ đối" hay đúng hơn là sự xứng đôi vừa lứa, "nồi nào úp vung đó" thời nào cũng đúng. Ai cũng mong chọn được cho mình một người tâm đầu ý hợp, không chỉ là vợ/là chồng mà còn là người bạn tâm giao nắm tay nhau đi suốt một đời.
Tuy nhiên cũng cần phải cân nhắc rằng "môn đăng hộ đối" chỉ là một trong những yếu tố để lựa chọn bạn đời.
Tình yêu là nền tảng của hôn nhân, để hôn nhân hạnh phúc và gắn kết bền vững còn là sự nỗ lực của đôi bên, là sự thấu hiểu, bao dung, tử tế với đối phương để cùng hướng đến hạnh phúc vẹn tròn.
Thay vì đặt nặng quan niệm "môn đăng hộ đối", mỗi người cần tập trung phát triển giá trị bản thân để trở thành người xứng đáng được yêu thương và trân trọng. Hãy để tình yêu chân thành dẫn lối đến hôn nhân, chứ không phải là những định kiến xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận