06/12/2023 20:57 GMT+7

Mỗi tờ báo là một KOL trên mạng xã hội

Với sức ảnh hưởng vô cùng to lớn của mạng xã hội hiện nay, các tòa soạn báo hoàn toàn có thể trở thành KOL dựa vào chính những thế mạnh của mình.

Mỗi cơ quan báo chí nên phát triển mình thành KOL trên mạng xã hội - Ảnh: BÌNH MINH

Mỗi cơ quan báo chí nên phát triển mình thành KOL trên mạng xã hội - Ảnh: BÌNH MINH

Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Hồi, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, tại tọa đàm “Phát triển nền tảng triệu view của cơ quan truyền thông”, do báo Người Lao Động tổ chức ngày 6-12.

Ông Hồi cho biết sở đang xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các báo phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, bên cạnh việc siết chặt quản lý nội dung tiêu cực.

Với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của mạng xã hội, các xu hướng (trend) mới liên tục được tạo ra và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Tuy nhiên các cơ quan báo chí vẫn là kênh thông tin để kiểm chứng. Do đó, cơ quan báo chí cần xây dựng thương hiệu của mình trên mạng xã hội, biến mình thành một KOL (người có sức ảnh hưởng).

Theo ông Hồi, cơ quan báo chí có nội dung mạnh hơn nhiều so với các KOL. Như vậy nếu chủ động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, KOL báo chí hoàn toàn có thể cạnh tranh với KOL cá nhân hiện nay.

Chẳng hạn như các tuyến metro của TP.HCM, chỉ có cơ quan báo chí mới vào đưa tin được, chính vì vậy nếu sản xuất các clip rồi đưa lên mạng xã hội sẽ thu hút được đông đảo người xem.

“Chúng ta đã thay đổi tư duy rồi, nay phải tiếp tục thay đổi tư duy trong sản xuất nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Từ đó hướng đến các nền tảng “tỉ view" chứ không chỉ là "triệu view" như hiện nay và các cơ quan báo chí phải là KOL trên nền tảng mạng xã hội”, ông Nguyễn Ngọc Hồi nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo nhà báo Tô Đình Tuân, tổng biên tập báo Người Lao Động, mạng xã hội hiện nay không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mạng xã hội theo hướng tốt đẹp cho người dùng, cơ quan quản lý và những người làm nội dung có trách nhiệm rất lớn.

Các cơ quan báo chí cần đầu tư mạnh mẽ để phát triển nội dung trên mạng xã hội. Mỗi báo nên có một giải pháp phát triển tùy vào ngân sách và tình hình tài chính của mình…

“Tương lai 5 đến 10 năm nữa chính là mạng xã hội. Các báo cần bước cùng nhịp đó và tạo ra sự chủ động để không phụ thuộc vào người khác. Để làm được điều đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí và lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự kết nối, đồng hành và chia sẻ với nhau”, ông Tuân chia sẻ.

Fanti: Làm KOL có thực sự là hạnh phúc?Fanti: Làm KOL có thực sự là hạnh phúc?

Thay vì mong muốn trở thành bác sĩ hay nhà khoa học, trong thời đại mạng xã hội, giấc mơ của những người trẻ ngày nay giờ mở rộng thêm những từ vựng mới, như YouTuber, như TikToker, như KOL.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên