Một số bạn đọc còn phản ảnh với Tuổi Trẻ: nhiều trường THPT ở các địa bàn khác nhau đang áp dụng hình thức chấm điểm này chứ không chỉ có Trường THPT Bùi Thị Xuân.
Trong đó, các trường sử dụng hình thức chấm điểm dựa trên lượt like trên Facebook, Zalo đối với các bài thu hoạch của hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa… để lấy điểm thưởng hoặc điểm kiểm tra thường xuyên của học sinh.
Có trường yêu cầu học sinh đăng trực tiếp sản phẩm của mình lên Facebook, Zalo. Bài đăng càng có nhiều lượt like, lượt share thì càng được điểm cao. Có trường yêu cầu học sinh nộp sản phẩm cho giáo viên rồi giáo viên đăng lên hệ thống học tập trực tuyến của ngành giáo dục.
Sau đó học sinh sẽ dẫn link của hệ thống này lên trang cá nhân của mình. Phải là người có tài khoản của hệ thống học tập trực tuyến mới được đánh giá sao đối với sản phẩm của học sinh. Bài nào càng được nhiều sao tương đương với việc học sinh cũng sẽ được điểm cao.
Nhưng dù có làm theo hình thức nào thì việc chấm điểm bài làm của học sinh như trên cũng đã vô tình tước đi thiên chức của người thầy trong quá trình dạy học. Đó chính là nhiệm vụ "cầm cân nảy mực" khi đánh giá, cho điểm học sinh.
Nhiệm vụ chấm điểm nói riêng hay đánh giá học sinh nói chung từ xưa đến nay đều thuộc về người giáo viên đứng lớp. Họ không chỉ là người trực tiếp giảng dạy học sinh, biết được điểm mạnh, điểm yếu của học trò mình.
Hơn thế nữa họ còn được đào tạo để làm thầy. Họ có chuyên môn, nghiệp vụ để đánh giá học sinh một cách đúng đắn nhất.
Tức là việc chấm điểm phải dựa trên những tiêu chí cụ thể chứ không thể để người dùng mạng xã hội like, share theo cảm tính. Ở đây cũng không thể loại trừ trường hợp mua lượt like, share hoặc nhờ hacker để làm tăng lượt like, share trên mạng xã hội.
Khi việc cho điểm, đánh giá học sinh được giao cho những người không phải là giáo viên trực tiếp đứng lớp thì làm sao đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh? Làm sao đảm bảo được tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan… như quy định của Bộ GD-ĐT?
Thế thì việc đánh giá học sinh có còn ý nghĩa gì nữa đâu? Chưa kể kết quả đánh giá không phản ánh đúng thực lực của học sinh rất có thể sẽ làm cho các em không phục, phản ứng hoặc phẫn nộ, bất bình.
Ở thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của mạng xã hội. Nhưng việc chấm điểm bài làm của học sinh dựa lượt like, share trên mạng xã hội cho thấy các nhà trường đang bối rối trong quá trình đổi mới, bối rối trong việc tiếp cận với sự phát triển như vũ bão của công nghệ.
Vậy tại sao cơ quan nhà nước các cấp không có hướng dẫn cụ thể, bằng văn bản để các nhà trường đi đúng hướng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận