07/09/2013 09:45 GMT+7

Mời GS Ngô Bảo Châu tham gia đơn giản hóa giấy tờ

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết như trên tại cuộc họp ban chỉ đạo thực hiện “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020”, diễn ra ngày 6-9.

Nội lực nằm trong sức dânVideo clip: GS Ngô Bảo Châu giao lưu trong “Trí/Thức”Đến nghe buổi nói chuyện của GS. Ngô Bảo Châu

iFNLqhfJ.jpgPhóng to
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND Q.Tân Phú, TP.HCM chiều 6-9 - Ảnh: Minh Đức

Tại cuộc họp, ông Hà Hùng Cường cho biết: “Đề án chúng ta thực hiện liên quan rất nhiều đến việc ứng dụng toán học. Vừa qua, tôi đã xin ý kiến Phó thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng đã đồng ý. Sơ bộ thì Viện Nghiên cứu cao cấp về toán ủng hộ ý tưởng, có khả năng họ sẽ tham gia cùng chúng ta. Giáo sư Ngô Bảo Châu thì chúng tôi đã liên hệ, và nếu được Phó thủ tướng cho phép thì sẽ có tiếp cận cụ thể, sao cho ứng dụng được toán học cao cấp vào việc thực hiện đề án này thì rất tốt”.

Lo kinh phí đội lên gấp đôi

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, liên quan đến việc triển khai đề án này, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra một số vấn đề cần làm rõ hơn. Thứ nhất, một trong những nội dung quan trọng của đề án và được dư luận hết sức quan tâm là việc cấp số định danh cá nhân cho hơn 80 triệu công dân, vậy thì việc cấp mã số đó sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ cho công dân? Nếu theo lộ trình từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ cấp cho mỗi người dân một số định danh cá nhân, liệu sau này có thay thế được chứng minh nhân dân, hộ chiếu không? Thứ hai, đề án đề cập việc tập trung xây dựng, trình Quốc hội thông qua dự án Luật hộ tịch (hộ tịch được hiểu là những sự kiện cơ bản của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết, ví dụ như khai sinh, kết hôn, giám hộ, thay đổi quốc tịch..., xác định tình trạng nhân thân của người đó), như vậy Luật hộ tịch ra đời giúp Nhà nước quản lý hộ tịch, hộ khẩu như thế nào? Có thể nghiên cứu hộ khẩu và hộ tịch vào cùng với nhau được không? Thứ ba, tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân?

“Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội đặt vấn đề dự án khả thi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong khuôn khổ đề án dự kiến đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng, trong khi ngân sách đang khó khăn. Bây giờ giới thiệu mục đích, ý nghĩa của đề án hay như vậy, nhưng đến khi kết thúc đề án thì kinh phí có nhân lên gấp đôi là 7.000 tỉ đồng không? Rất lo việc này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo lại với Chính phủ sớm triển khai đề án này và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng làm thí điểm. Đến lúc có kết quả đầu ra mới tự tin thông qua dự án Luật hộ tịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thấy cần đẩy nhanh dự án Luật cư trú (sửa đổi), dự án Luật căn cước công dân để làm đồng thời với dự án Luật hộ tịch sao cho ba dự án luật này được xem xét cùng lúc tạo ra cái nhìn tổng thể”- ông Hà Hùng Cường nói.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho rằng khi có số định danh cá nhân thì phải lấy số này làm cơ sở, nếu vẫn tồn tại song song nhiều số như chứng minh nhân dân cũng có số, thuế có số, bảo hiểm có số... dư luận sẽ chất vấn mấy nghìn tỉ để làm gì?

Ông Hà Hùng Cường nói vừa qua có thông tin lấy dãy 12 số trên chứng minh nhân dân thí điểm làm số định danh cá nhân, như vậy có chủ quan không, làm sao để ổn định và tránh thay đổi kiểu như số điện thoại thỉnh thoảng lại thêm đầu 3, đầu 4, hay biển đăng ký xe máy, ôtô mỗi lúc thêm một vài số “chẳng giống ai, vì các nước họ làm rất khoa học”. Thiếu tướng Trần Văn Vệ - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an - khẳng định việc lấy số chứng minh nhân dân thí điểm làm số định danh cá nhân không phải Bộ Công an tự nghĩ ra mà đã tham khảo 19 nước, số chứng minh nhân dân thí điểm này đảm bảo mỗi người chỉ có một dãy số và trong vòng 500 năm không trùng nhau.

“Không thể thất bại”

Về vấn đề sau khi cấp số định danh cá nhân sẽ giảm được bao nhiều giấy tờ công dân, ông Hà Hùng Cường cho biết đây chính là công việc của đề án, tuy nhiên theo lộ trình thì từ nay đến cuối năm mới tổ chức việc rà soát, sau đó sẽ trình Chính phủ để hình dung bước đầu cắt giảm được bao nhiêu giấy tờ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không phải làm mới hoàn toàn, sẽ tận dụng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành đã có. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 mỗi công dân đều có số định danh cá nhân không có nghĩa là đến lúc đó mới làm, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị hoàn thiện các khâu liên quan để “về đích” thành công, sao cho đến năm 2020 hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân chứ không phải năm 2020 mới bắt đầu thực hiện lần đầu tiên.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng với sự phối hợp tốt của các bộ ngành thì việc thực hiện đề án không thể thất bại, những vấn đề liên quan đến việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng toán học cấp cao... đều cần thiết, với tinh thần cao nhất là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Quan tâm đến 4 triệu kiều bào

Ông Nguyễn Hữu Tráng, cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, cho biết hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó rất nhiều kiều bào có hai quốc tịch, nhiều người chỉ có quốc tịch Việt Nam, nhiều người hiện chưa có giấy tờ cư trú hợp lệ ở nước ngoài.

Vì vậy, việc đăng ký công dân, quản lý dữ liệu công dân của Việt Nam ở nước ngoài là vấn đề mà Bộ Ngoại giao hết sức chú ý. “Chúng tôi mong muốn trong nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý công dân thì dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài được ban chỉ đạo đề án quan tâm thêm. Chúng ta không chỉ có hơn 80 triệu công dân trong nước mà còn có hơn 4 triệu kiều bào” - ông Tráng nói.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên