Kỳ 1: Cha, con và “cuộc chiến” lấn biển...Kỳ 2:Bàn tay tóe máu
Phóng to |
Ông Rật vẫn mòn mỏi với những lá đơn xin trả lại bãi đầm - Ảnh: Q.V. |
Bước chân lấn biển đầu tiên
Bãi bồi Giao Thủy, Nam Định xám xịt trong mùa đông rét mướt. Khi chúng tôi tìm nhà ông Trần Văn Rật, người dân hỏi lại: “Cái ông dã tràng đấy à?”. Rồi họ ngậm ngùi: “Ông ấy là người đầu tiên lấn biển Giao Thủy đấy. 80 tuổi rồi vẫn phơi thân trước sóng gió mà bàn tay cũng chỉ có mỗi vốc đất!”.
Thấy chúng tôi đến, ông Rật xúc động ứa nước mắt. Ông muốn kể nỗi niềm chẳng biết nói cùng ai. Ngược trở lại năm 1964, sau chuyến tham quan chương trình lấn bãi bồi, phát triển nông nghiệp ở Hưng Yên, ông lóe lên suy nghĩ: “Bãi sông Hồng lấn được thì chắc bãi bồi biển Giao Thủy cũng lấn được thôi”.
Về lại xã Giao An, huyện Giao Thủy (lúc ấy còn tên Xuân Thủy), ông kêu gọi người dân họp bàn chung sức lấn biển. Ý tưởng quá mới mẻ và “động trời” lúc bấy giờ trong khi cả nước đang dồn sức cho chiến tranh, nồi cơm còn hụt vơi, phải ăn củ khoai, củ chóc độn bữa. Cuối cùng dân vẫn đồng lòng.
Đó là công trình lấn biển quy mô nhất khu vực thuở ấy khi già, trẻ, gái, trai xã Giao An đồng loạt ra quai đê, lấn 110 ha bãi bồi hoang vu trước đầu sóng ngọn gió biển Giao Thủy.
Máy móc chưa có. Tất cả công việc lấn biển ngày ấy đều làm bằng sức người. Cả ngàn lao động như bức tường thành trước sóng gió, xúc từng xẻng đất, chuyền tay nhau đổ xuống biển. Mùa mưa năm 1964 dồn dập bão tố khắc nghiệt. Nhiều lúc ngậm ngùi nhìn đoạn đê mới tạm nổi lại bị sóng quật vỡ tan, ông Rật và người dân Giao An cứ nghĩ mình là con dã tràng trước biển. Tuy nhiên, họ vẫn làm, làm trong thiếu đói nhưng đầy ý chí.
Công trình kéo dài đến đầu đông 1964 thì con đê biển dài 3km mang tên trận chiến Ấp Bắc ở miền Nam đã đứng vững. Ông Rật chưa kịp nhìn những hạt lúa, gốc cói cấy xuống 110 ha lấn biển được đặt tên cánh đồng Điện Biên đầy tự hào nảy nở thì được lệnh gia nhập quân đội.
Trên chiến trường, ông Rật rất vui khi nghe tin công trình lấn biển đầu tiên ở Giao Thủy được báo chí ca ngợi, dựng cả kịch tôn vinh. Nhưng ngậm ngùi là “anh hùng” tiên phong lấn biển lại chỉ có tên vị cán bộ ở lại mà không nhắc đến người đã cầm súng ra chiến trường...
Năm 1985, ông Rật rời áo lính, về lại quê biển. Mặc dù đã 53 tuổi ông vẫn tiếp tục cuộc trường chinh quai đê lấn biển lần thứ hai. Bàn bạc với anh em, ông mạnh dạn nói: “Hồi 1964 chiến tranh, thiếu thốn thế mà mình còn lấn biển thành công, chẳng lẽ thời bình lại bó gối chịu nghèo”.
Thấy ông quyết tâm, có người hào hứng ra mặt nhưng cũng có người thầm ngại. Sau đổi mới, nhiều dân biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Định mạnh dạn tiến ra bãi bồi ven biển. Có người thành công nhưng cũng không ít người thất bại. Mà lúc ấy vốn liếng lại chưa bao nhiêu, nếu thất bại là kiệt quệ hẳn. Lắm người mới mơ thắng biển tháng trước, tháng sau đã trắng tay, nuốt nước mắt vào Nam lánh nợ.
Bàn bạc mãi, cuối cùng quyết tâm lấn biển của ông Rật cũng được ủng hộ. Anh em bầu ông làm trưởng nhóm vì tin kinh nghiệm thắng biển năm 1964 cũng như ý chí người lính của ông. Tiến ra bãi Vọp, biển Giao Thủy, họ đối mặt ngay khó khăn với vùng lõm bị sóng gió biển quật vào. Xòe bàn tay chai sạn, chằng chịt vết sẹo, ông Rật kể: “Anh em chúng tôi phải đào đất bằng chính bàn tay mình. Ròng rã hàng tháng, con đê cứ mới nổi lên mặt nước lại bị sóng nhào lên đánh vỡ. Chúng tôi lại vật vã đắp mới. Sóng biển lại đánh vỡ...”.
Sức người giằng co với sức biển. Đến khi ông Rật phải đi vay mượn tiền, vàng và “tín chấp” cả lương hưu quân đội của mình để thuê máy xúc đất trợ lực thì con đê quai bao gần 13ha đất bãi Vọp mới trụ vững. Đứng nhìn công sức mình thành hình trên biển, ông Rật bật khóc.
Phóng to |
Máu thịt đã hòa với biển
Suốt buổi chiều ngồi tâm sự với ông trước biển, chúng tôi mới hiểu tại sao dân địa phương lại gọi là “ông Rật dã tràng”. Cái số ông khổ suốt từ thuở đi đầu lấn biển, mở mang đất đai lập được cả làng mới cho Giao Thủy mà bị sót công. Rồi đến lúc ông cởi áo lính, lấn biển lần thứ hai vẫn mặn chát mồ hôi, nước mắt.
“Quai đê xong, chúng tôi mở cống cho thủy sản vào để nuôi bắt tự nhiên. Cũng chẳng hiểu tại sao trong khi các đập khác nhiều cá tôm, đập Vọp lại chẳng được bao nhiêu!”- ông Rật kể giấc mộng đổi đời với biển của họ còn quay quắt hơn khi đầm Vọp được địa phương kêu gọi thí điểm nuôi tôm bán công nghiệp. Nhưng do đất, nước không thuận lợi lại chưa kinh nghiệm, các ao tôm của anh em ông cứ thất lên thất xuống. Tôm giống thả xuống con nào chết con đó.
Trong lúc ông Rật kiên trì bám bãi, bạn làm chung đã mệt mỏi “rút chân”. Ông buồn đến mất ngủ, chạy vạy vay mượn hoàn vốn góp cho người bỏ cuộc. Cuối năm 1992, giấc mộng đổi đời chỉ còn mình ông và các con theo đuổi. Quyết tâm “chiến đấu” với biển lần thứ ba, cha con ông vừa làm tay vừa thuê máy xúc cải tạo lại đầm.
Tuy nhiên, một lần nữa nước mắt người cựu chiến binh lại phải chảy xuống biển. Buổi sáng, ông vừa chạy vạy thế chấp, vay mượn được 100 triệu đồng thanh toán xong tiền hoàn vốn góp và thuê máy xúc đất, thì buổi chiều nhận quyết định UBND huyện Giao Thủy thu hồi đất để mở đập Vọp.
Trước lời hứa được cấp đổi đất khác để tiếp tục nuôi trồng thủy sản bán công nghiệp, ông Rật đồng ý giao đất nhanh chóng. Nhưng rồi suốt mười năm qua ông vẫn chưa nhận lại được mảnh đất nào. Và tay trắng ông lại trắng tay!
Đầu đã bạc mà nỗ lực tiến ra biển của ông vẫn dở dang. Buồn lắm, nhưng ông Rật nén lòng khuyên các con đi đến cùng con đường đã chọn. Không còn bãi Giao Thủy, người con trai lớn Trần Văn Luân bơi thuyền qua sông Hồng tìm bãi bồi Tiền Hải, Thái Bình, tiếp tục thực hiện giấc mơ lấn biển. Vợ con để lại nhà, anh Luân hùng hục làm suốt ngày đêm, trang trải nợ chồng chất của gia đình.
Mùa bão năm 1996 ập đến. Người con trai nghèo khó, kiên trì lấn biển của ông Rật xót xa mồ hôi nước mắt, quyết ở giữ đầm. Anh đã thắng nhiều cơn sóng biển, nhưng không vượt qua nổi cuồng phong. Đêm bão lớn, Luân bị nhấn chìm cùng những cây tre, cây vẹt trong lúc đang cố bảo vệ đê khỏi vỡ.
Nhận xác con dính đầy bùn bãi bồi, người cựu chiến binh già không còn nước mắt để khóc. Ý chí lấn biển của ông Rật đã vắt cạn mồ hôi, nước mắt và bây giờ là cả máu thịt của chính ông! Nhưng vừa đắp mộ con, ông và những người con khác lại bước ra biển như ông đã từng nói từ hồi đi đầu lấn biển năm 1964: “Dân biển mà không bám biển thì sống bằng gì?”.
Chỉ có điều giờ họ đã trắng tay, không còn đất, phải đi cuốc thuê vác mướn và mỏi mòn trông đợi quyết định trả đất được địa phương hứa hẹn nhưng chưa thực hiện từ cách đây 10 năm...
________________________
“Mười tám buổi đài loa rêu rao, phải phá tan tành, cấm nuôi ngao. Bị phá thì nên đành chết sớm, sống thì gia cảnh sẽ ra sao?”. Đó là nhật ký bằng thơ của ông già 80 tuổi quyết liệt bảo vệ đầm bãi của mình.
Kỳ tới: Giữ bãi đến cùng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận