15/02/2012 10:20 GMT+7

Mở đất từ bãi bồi lấn biển

QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH
QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH

TT - Là những người đi đầu phong trào quai đê, lấn biển từ ngày đầu đổi mới năm 1988, nay tóc đã ngả bạc ở tuổi 60, ông Lương Văn Trong vẫn nhớ mãi hôm cùng ông Rễ, bố mình, ra biển.

Đã 200 năm từ lúc Nguyễn Công Trứ chiêu mộ dân nghèo đắp đê, bắt đầu cuộc lấn biển, những người nông dân phía cuối nguồn châu thổ ở Bắc bộ vẫn mang trọn khát vọng mở đất. Họ kiên cường ra quai đê, lấn biển, không chấp nhận bữa đói bữa no trong mảnh đất đồng bằng ngày càng chật hẹp.

Và khát vọng chinh phục bãi bồi ấy bao giờ cũng đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả những phần máu thịt...

- Kỳ 1: Cha, con và “cuộc chiến” lấn biển...

Đứng trước bãi hoang trắng nước, ông Rễ bảo con rằng: “Khoán 10, tư nhân được làm kinh tế rồi. Giờ nhà ta phải ra biển thoát nghèo thôi”. Và đó là cuộc trường chinh quai đê, lấn biển đẫm mồ hôi, nước mắt truyền từ đời cha đến đời con cháu ông Rễ.

FPDKo0sJ.jpgPhóng to

Lấn biển

Tại sao cứ ì ạch đắp mãi rồi đê lại vỡ? ông Trong quyết định vượt sông sang Thái Bình xem người dân làm gì để giữ đê. Thấy cây bần, cây vẹt có tác dụng chắn sóng, ông nhổ mót cây nhỏ đem về trồng.

Một chuyến, ông bị người dân sở tại bắt vào đồn công an. Chỉ khi bố ông đến giải thích, ông mới được thả. Cảm phục ý chí của ông, dân Thái Thụy còn tặng ông cả thuyền quả bần về ươm giống.

Đó là kỷ niệm không phai trong hành trình lấn biển của cha con ông Trong.

Ông Trong bồi hồi kể nhà mình ở xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng có tám nhân khẩu, ruộng một mẫu, nhưng đất nhiễm chua mặn năng suất thấp, làm không đủ ăn. Còn biển thì cá tôm quá nhiều. Ông Rễ bảo các con trai: “Phải đắp đê, quây bãi lại để giữ tôm cá, đánh bắt lâu dài. Muốn có của ăn, cái mặc thì phải làm chủ, chứ trông vào con nước triều sẽ nghèo mãi”.

Ngay hôm sau bố con ông Trong lên xã Nam Hưng xin nhận đầm. Trước ý tưởng táo bạo của họ và bãi bồi hoang vu còn mênh mông, chính quyền giao hẳn cho bố con ông 100 ha.

Không thể làm một mình được, ông Rễ kêu gọi người em ruột Lương Văn Hùng góp vốn cùng tham gia. Họp gia đình, ông Rễ nói quyết tâm: “Đã làm thì phải làm cho ra tấm ra món, đừng mang tiếng lũ gàn dở đem vàng ròng, thóc thịt ném ra biển”.

“Lúc đó người làm cho gia đình tôi đông hàng trăm người. Họ chia thành tổ, thành nhóm đào đất, quai đê. Chẳng có máy móc gì. Cứ hùng hục sức người đấu với biển. Từng hòn đất được đào lên, chuyền tay nhau ném xuống. Nhưng ác nỗi lúc đắp thủy triều cạn, sau một đêm triều vào thì sáng sau con đê mất đến bảy phần. Để đắp được một mét đê dưới bãi biển, đổ mồ hôi sôi nước mắt gấp ba, bốn lần trên đồng vẫn chưa xong”- ông Trong xúc động nhớ.

Ròng rã suốt từ năm 1988 sang năm 1989 con đê mới thành hình. Ngày nó nhô lên mặt nước thì tiền bạc, kho thóc trong nhà bố con ông Trong cạn kiệt đến nỗi phải vay mượn khắp nơi. Con đê cao gần 2m, mặt đê cỡ 1,5-2m và không biết bao nhiêu công sức, tiền của đã được đắp vào.

Đắp xong đê, đứng nhìn cá tôm nhảy rào rào trong đầm, nhà ông Rễ mừng đến rơi nước mắt: “Chuyến này chả mấy chốc trả hết nợ”. Nhưng trời, biển đâu dễ thua sức người. Vụ đầu chưa kịp thu hoạch thì cơn bão số 6 năm 1989 đã xóa sạch tất tật. Cá tôm lại trở về với biển. Con đê đất cũng hòa tan vào sóng khi cơn bão qua.

“Đã cưỡi lên lưng hổ rồi, đâm lao thì phải theo lao, nếu không làm tiếp thì lấy đâu mấy tấn thóc, mấy chục chỉ vàng mà trả nợ, rồi lại mang tiếng là gàn dở, điên khùng nữa” - ông Trong nhớ lời bố Rễ khích lệ sau thất bại đầu tiên. Bão qua, cả nhà lại tiếp tục lao ra biển, thuê cả trăm người làm đê mới. Nhưng việc đắp đê biển sau trận bão càng khó hơn. Nền bãi yếu khiến con đê mong manh nhiều lần sụt lở, vỡ bục. Một số anh em đã nản lòng, bỏ cuộc!

Hùng hục đắp đê, trồng rừng mãi đến những năm 1992-1993, UBND huyện quyết định giao 50ha đất bãi ven biển cho họ. Để làm hiệu quả, ông Rễ chia đều 50ha đầm cho người em 20ha và năm con cháu của mình để từng người có trách nhiệm và nếu có bão thì có thể mất đầm này còn đầm khác.

xjcRUl86.jpgPhóng to

Ông Toảnh trên cánh đồng tôm được tạo nên bằng công sức mở đất biển từ đời cha mình - Ảnh: Quốc Việt

“Cuộc chiến” trước biển

Công cuộc quai đê, trồng rừng, khai hoang, lấn biển là cuộc đấu quyết liệt với “thần” biển, và hầu như bất cứ người dân nào thời đầu vươn ra biển đều phải hứng chịu những thất bại đau thương. Và người em út Lương Văn Toảnh của ông Trong là người “dính đòn” đau nhất. Toảnh khi đó vừa tròn 20 tuổi cũng được ông Rễ chia phần 6 ha đầm bãi.

Nhận đầm rồi nhưng làm thế nào để khuất phục biển? Đó là câu hỏi ngày đêm Toảnh trăn trở. Anh bỏ cả tháng trời để ăn bên biển, nằm bên đê, lắng nghe từng cơn sóng thủy triều, mải miết tìm bài giải. Không có kinh nghiệm nào để học theo, nhưng những ngày đêm mày mò nhặt con ốc, bắt con cua biển suốt từ khi 15 tuổi đã nuôi ý chí khát khao chinh phục biển trong Toảnh.

Khi đã thuộc từng con nước, Toảnh quyết: “Phải tiếp tục đắp đê kiên cố mới chắc ăn”. Anh kể suy nghĩ của mình: “Đê đắp ổn rồi, mình lại phải tính sử dụng hiệu quả. Nếu chỉ đóng - mở cống để tôm cá tự nhiên vào rồi giữ lại thì chẳng ăn thua”. Năm 1994-1995, Toảnh khăn gói rời làng vào Khánh Hòa học hỏi việc nuôi trồng thủy sản...

Về làng, Toảnh tiếp tục nuôi quảng canh nhưng “cải tiến” bằng cách thả thêm giống, tăng thức ăn cho tôm, cá. Cứ tích lũy dần đến năm 2003, anh quyết định đầu tư lớn để nuôi tôm công nghiệp, ươm tôm giống. Đầu tiên, anh bỏ gần 5 tỉ đồng để dựng cột, kéo đường điện ba pha từ làng ra bãi. Rồi nạo vét cải tạo 1 ha đầm theo tiêu chuẩn nuôi công nghiệp, xây thêm nhà xưởng, ô chuồng ươm giống tôm.

Vừa làm, vừa tích lũy, đầu tư và đến năm 2005 toàn bộ diện tích 6ha đầm của anh đã thành vùng tôm công nghiệp. Lúc này số vốn cộng với khoản nợ đầu tư 6ha đầm tôm công nghiệp đã lên tới gần 20 tỉ đồng. Nhưng trận siêu bão số 6 năm 2005 khắc nghiệt đã biến 6ha đầm tôm công nghiệp quy mô nhất nhì huyện lúc bấy giờ thành bình địa. Toảnh cắn răng đến bật máu, nước mắt hòa cùng nước biển!

“Nếu không làm lại thì không thể sống được, chỉ có chết mới hết nợ”. Ngay sau bão, Toảnh lại phải thế chấp nhà cửa, vay mượn để làm lại, bắt đầu vẫn từ con đê. Và nỗi đau trong cuộc tái thiết này lại ập đến khi hai người làm của anh là Nguyễn Văn Nhất và Nguyễn Văn Báu đã bỏ mạng vì bảo vệ con đê trước biển.

Cuối năm 2006, cuộc tái thiết 6 ha đầm tôm công nghiệp hoàn thành. Rồi câu chuyện những ngày đầu năm khi Thủ tướng kết luận về vụ việc ở Tiên Lãng đã giúp anh em ông Trong, ông Toảnh - những người nông dân mấy mươi năm đi lấn biển mở đất có thêm niềm tin, để thề trước bàn thờ ông Rễ bố mình rằng: “Chúng con sẽ lại tiếp tục đổ mồ hôi trên bãi bồi lấn biển”...

__________

“Ngày xưa, tay tôi móc từng cục đất đắp đê lấn biển chỉ mong có cái bén lửa nồi cơm. Giờ tôi vẫn ra biển vì còn bao người trông cậy mình”. Trên bãi bồi Tiền Hải, Thái Bình có một người quai đê, lấn biển thành công đã được vinh danh...

Kỳ tới: Bàn tay tóe máu

QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên