02/04/2024 08:09 GMT+7

Miền Tây chật vật thiếu nước sinh hoạt

Ở nhiều tỉnh tại ĐBSCL đang xảy ra thiếu nước sinh hoạt giữa mùa nóng và hạn mặn, bà con phải đi lấy từng can nước ngọt.

Người dân huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đến các xe chở nước sạch miễn phí cung cấp cho bà con - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Người dân huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đến các xe chở nước sạch miễn phí cung cấp cho bà con - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Dưới cái nắng hầm hập của tiết trời đầu tháng 4, bà Nguyễn Thu Hằng (ấp 3, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) kiên nhẫn chờ đợi hơn một giờ đồng hồ để hứng đầy hai can nước ngọt loại 30 lít về sử dụng.

"Cũng may bữa nay vòi nước công cộng chịu chảy rồi, gặp mấy hôm trước ngồi chờ dài cổ mới hứng được một can", bà Hằng nói. Chật vật như bà Hằng đang là cảnh chung của nhiều bà con ở miền Tây.

Nỗi khổ thiếu nước ở nơi cuối nguồn

Dự án ngọt hóa Gò Công là cụm từ để chỉ vùng đất phía đông của tỉnh Tiền Giang, cuối nguồn sông Tiền, bao gồm các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và huyện Chợ Gạo.

Với diện tích tự nhiên khoảng 54.000ha, nguồn nước ngọt cung cấp cho vùng ngọt hóa chủ yếu được thông qua hệ thống cống thủy lợi. Tuy nhiên thời gian qua, các cống đều đã đóng để ngăn mặn, nước trên kênh rạch cũng dần cạn kiệt. Đây cũng là nguồn nước sinh hoạt của nhiều hộ dân trong vùng, tại những khu vực nước máy chưa cung cấp đến.

Còn nước sạch sinh hoạt cho bà con ở vùng này chủ yếu được dẫn từ nhà máy nước phía thượng nguồn sông Tiền (thuộc địa phận TP Mỹ Tho và huyện Châu Thành). Các địa phương thuộc dự án ngọt hóa Gò Công nằm ở cuối nguồn của hệ thống nước sinh hoạt.

"Nỗi khổ cuối nguồn thì chỉ người trong cuộc mới biết" - ông Võ Thanh Tùng, chủ một quán nhậu tại huyện Gò Công Đông, vừa thanh toán 220.000 đồng tiền nước cho một xe bồn vừa nói.

Quán nhậu ông Tùng nằm sát lộ lớn, có nước máy nhưng cả tuần qua mở vòi suốt đêm cũng chỉ hứng được vài ca nước đủ để đánh răng, rửa mặt vào mỗi buổi sáng, đành phải mua nước với giá khoảng 100.000 đồng/m3. "2m3 nước đủ xài hơn một ngày, không biết khi nào nước máy giá 8.000 đồng/m3 chảy trở lại", ông Tùng nói thêm.

Dù chính quyền địa phương đã có chủ trương mở 60 vòi nước miễn phí khắp các tuyến đường trong vùng ngọt hóa Gò Công để người dân hứng nước về sử dụng nhưng đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Bởi không phải ai cũng đủ thời gian xếp hàng cả tiếng đồng hồ chỉ để hứng vài chục lít nước về xài.

Khuya 30, rạng sáng 31-3, nhiều người dân tập trung tại một điểm lấy nước công cộng miễn phí ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang để lấy nước ngọt - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Khuya 30, rạng sáng 31-3, nhiều người dân tập trung tại một điểm lấy nước công cộng miễn phí ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang để lấy nước ngọt - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đồn biên phòng mất 1,4 triệu đồng/ngày để mua nước

Tại Kiên Giang, ông Trần Văn Hùm (ngụ phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên) cho biết khoảng 6h30 hằng ngày, ông đều đẩy xe chở 10 can nhựa (loại 30 lít/can) lấy nước ngọt cho ba người trong gia đình dùng. Cảnh này đã diễn ra từ Tết đến nay, 10 can nước này chỉ sử dụng tối đa trong một ngày rưỡi.

"Thiếu nước từ trong Tết đến nay nhưng phường mới hỗ trợ nước công cộng được nửa tháng nay. Không có nước máy, bà con xoay qua nước giếng, nhưng năm nay hạn quá nên nước giếng cũng cạn luôn. Tôi đi làm thợ mộc hằng ngày mà phải đi lấy nước cũng hơi mệt nhưng cũng không biết làm sao nữa", ông Hùm nói.

Ông Châu An, cùng ngụ phường Mỹ Đức, cho hay gia đình ông có bốn người nên lấy 10 can nhựa nước đôi khi không đủ phải lấy thêm, bất tiện đủ thứ.

Tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, trung tá Nguyễn Tấn Dương, phó đồn trưởng, cho biết mỗi ngày đồn mua hai xe bồn chở nước khoảng 12m3 để cán bộ chiến sĩ biên phòng sử dụng, "tổng thiệt hại" là 1,4 triệu đồng/ngày.

"Chúng tôi tính gửi công văn cho điện nước tỉnh Kiên Giang đề nghị giúp đỡ vì đây là cửa khẩu quốc tế, có khách rất nhiều mà không có nước cũng gặp nhiều khó khăn. Việc mua nước không chỉ để cán bộ chiến sĩ sử dụng mà còn phục vụ hoạt động của cửa khẩu", trung tá Dương nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Lâm, chủ tịch UBND phường Mỹ Đức (TP Hà Tiên), thông tin từ ngày 22-3 đến nay, phường Mỹ Đức phối hợp với Xí nghiệp điện nước TP Hà Tiên tổ chức ba bồn chứa nước để cấp nước công cộng cho bà con.

"Tại đây, chúng tôi bố trí hai dân quân tự vệ để giúp bà con hứng nước và thu tiền bằng với giá tiền quy định. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ thu 4.000 đồng/lần lấy nước nếu họ lấy 10 can nhựa, dưới số này đều được miễn phí. Chúng tôi đã cung cấp cho bà con khoảng 16m3 nước/ngày, với khoảng 40 - 50 người/ngày", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, sở dĩ thu tiền nước như vậy để tránh tình trạng người khác trà trộn vào để lấy nước bán lại. Toàn bộ số tiền do lực lượng dân quân tự vệ quản lý đến cuối tháng sẽ tổng hợp lại, nếu không đủ trả thì UBND phường Mỹ Đức sẽ bù đắp trả cho xí nghiệp điện nước.

Lãnh đạo Xí nghiệp điện nước TP Hà Tiên thông tin do khu vực phường Mỹ Đức cao trong khi đường ống nước nhỏ khó chảy lên tới. Hiện nay đơn vị đang đề xuất lắp đặt đường ống nước phi 400 từ tượng Mạc Cửu đến ngã ba mũi tàu, với chiều dài gần 4,4km. Tổng kinh phí dự kiến trên 12 tỉ đồng.

Người dân đến lấy nước ngọt về sử dụng trên đường Sa Kỳ, phường  Mỹ Đức, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Người dân đến lấy nước ngọt về sử dụng trên đường Sa Kỳ, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Thủ tướng: Không để người dân thiếu nước sinh hoạt

Ngày 1-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục có chỉ thị yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành, nhất là các địa phương khu vực Trung Bộ và ĐBSCL, kiểm kê nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước.

Tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và các bộ ngành có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác.

Đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt, các địa phương phải chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho bà con. Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Thủ tướng cũng giao bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ hồ thủy điện chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của các bộ, địa phương có liên quan xây dựng phương án vận hành các hồ chứa thủy điện và huy động điện phù hợp từ các nhà máy thủy điện để bảo đảm nước sinh hoạt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng nước khác, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn nước cho phát điện.

Hôm nay cả nước tiếp tục nắng nóng gay gắt, nhiều nơi trên 40oC

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo hôm nay (2-4) và ngày mai ở khu vực Sơn La, Hòa Bình và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40oC, có nơi trên 40oC.

Khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38oC, có nơi trên 39oC. Ở Nam Bộ và các nơi khác tại Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37oC, có nơi trên 37oC.

Đây là nhiệt độ dự báo, còn nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch 2-4oC, thậm chí có thể cao hơn, phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

"Nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt ở khu vực Sơn La, Hòa Bình và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 5 đến 6-4, sau đó nắng nóng suy giảm dần.

Ở các nơi khác của Bắc Bộ, nắng nóng có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 4-4. Nắng nóng ở khu vực Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới" - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo.

Trên 21.000 hộ dân ở Sóc Trăng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do xâm nhập mặnTrên 21.000 hộ dân ở Sóc Trăng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do xâm nhập mặn

Ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn, hiện Sóc Trăng đang có khoảng 21.318 hộ dân nông thôn trên địa bàn 36 xã/phường có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên