Có lẽ đây là "cuộc hồi hương" lớn nhất từ nơi này tỏa về khắp nơi trong cả nước. Dịch bệnh hoành hành, công nhân, lao động tự do mất việc làm, không còn thu nhập, phải ở trọ, tình cảnh cực kỳ khốn khó.
"Hồi hương", một quyết định khó khăn nhưng về quê tạm thời bớt khó khăn hơn.
Cuộc "di dân ngược" của lao động ngoại tỉnh về quê, dù là tự phát hay được chính quyền chủ động tổ chức đón tiếp, cũng cần được xem xét trên nhiều bình diện khác nhau. Trước là lo an toàn vệ sinh dịch tễ, quản lý dân cư, sau là giải pháp kinh tế, bố trí lại việc làm, cân đối thị trường lao động.
Đặc biệt... phối hợp giải quyết liên ngành, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt nhưng phải tính đến phương kế lâu dài. Nếu không, hết dịch, người dân lại rồng rắn ra đi.
Ra đi, có người thành công nhưng đại đa số vẫn sống bấp bênh nơi đô thị. Vì vậy, một lần về quê trốn dịch cũng là dịp để mọi người, đặc biệt là các cấp chính quyền, nghĩ đến cần xây dựng một "miền quê đáng sống" để người dân không còn phải tha hương, được làm việc, kiếm sống ngay tại quê nhà.
Việc này không thể làm trong một vài năm mà là nhiều năm nhưng không làm lúc này thì còn chờ đến bao giờ?
Thực tế cho thấy trên cả nước đã có không ít địa phương xây dựng được một "miền quê tạm sống được" khi tỉnh nhà thay đổi cơ cấu kinh tế, nhà máy, thương mại và dịch vụ nhiều hơn. Cuộc chạy đua cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chính là nền tảng để tiến tới một "miền quê đáng sống".
Cũng có dữ liệu cho thấy ở những tỉnh chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vắng bóng doanh nghiệp cũng là nơi người dân phải tha hương kiếm sống nhiều nhất. Không có gì lạ khi phần lớn nông dân, nhất là người trẻ bỏ ruộng đồng lên thành phố mưu sinh.
Trong 10 năm qua, riêng ĐBSCL đã có 1,3 triệu người ra đi, phần lớn đến TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Vì sao? Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ có 8%. Vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia ĐBSCL chỉ chiếm 7,4% số doanh nghiệp cả nước.
Trong khi số doanh nghiệp cả nước tăng bình quân 17% giai đoạn 2001-2019, thì vùng ĐBSCL chỉ tăng 9,8%. Cơ cấu doanh nghiệp của vùng trong tổng số doanh nghiệp cả nước lại giảm nhanh từ 23,3% năm 2000 xuống còn 7,4% vào năm 2018.
Vắng doanh nghiệp, chẳng cách nào tạo đủ việc làm cho người sống ở nông thôn nhưng không thể làm nông dân vì chẳng có đất, chưa kể sinh lợi từ nông nghiệp chẳng đủ nuôi sống gia đình họ.
Lúc này, chúng ta tập trung chống dịch, lo cho bà con về quê sớm ổn định cuộc sống. Khi dịch lắng xuống hãy bắt tay thật nhanh, tìm ra những giải pháp đột phá, hiệu quả để tạo nền tảng xây dựng một vùng quê trước mắt là tạm sống, sau là đáng sống.
Hãy từ bỏ cách làm lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp, hỗ trợ ít vốn, vài dự án chăm lo an sinh vì điều đó không thể xây dựng một "miền quê đáng sống". Cần những ưu tiên cho tam nông, ly nông bất ly hương, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thực chất...
Hy vọng rằng rồi đây sẽ có những cuộc hồi hương nhưng không phải là hồi hương bất đắc dĩ "về quê trốn dịch" mà là về quê vì nơi đó đáng sống, sống tốt hơn cuộc sống bấp bênh nơi đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận