14/12/2017 09:56 GMT+7

Miễn học phí cho sinh viên sư phạm, nên hay không?

LẠI THỊ NGỌC HẠNH
LẠI THỊ NGỌC HẠNH

TTO - Là một giáo viên, bạn đọc Lại Thị Ngọc Hạnh (Đại học Tây Nguyên) cho rằng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó và đã đến lúc cần kết thúc.

Miễn học phí cho sinh viên sư phạm, nên hay không? - Ảnh 1.

Ngân sách cho sinh viên sư phạm - Đồ họa: Tư liệu Tuổi Trẻ

Nhằm góp thêm góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu 3 lý do không nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm của bạn đọc Lại Thị Ngọc Hạnh.

Để sinh viên không còn Để sinh viên không còn 'ngó lơ' với ngành sư phạm

TTO - Câu chuyện điểm chuẩn vào khối trường sư phạm thấp tiếp tục khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đào tạo đội ngũ những người đi “gieo trồng” hạt giống tri thức. Bạn đọc Ngọc Hùng đã đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề.

"Có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm nữa không?" là câu hỏi đã từng được dư luận đặt ra trong "cơn bão" mang tên "sinh viên sư phạm 3 điểm" trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017.

Và, nay thêm 1 lần nữa được nêu lên tại Hội thảo khoa học chuyên đề "Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên" do Văn phòng chương trình khoa học giáo dục - Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức tại sáng 13-12.

Có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm? Có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm?

TTO - Có ý kiến đề nghị bỏ ngay chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vì thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1998 cho đến nay đã được 19 năm.

Trước đây, chính sách này là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp nhưng hiện nay, theo tôi chúng ta không nên tiếp tục thực hiện vì những lý do sau:

Thứ nhất, hiện nay rất nhiều địa phương đang thừa giáo viên.

Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tháng 1-2017, cả nước hiện thừa 26.700 giáo viên. Tại hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo giáo viên (tháng 5-2016), Bộ dự tính đến năm 2020, Việt Nam thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm.

"Nếu chính sách cũ không còn phù hợp nữa thì nhà quản lý cần mạnh dạn thay đổi hoặc xóa bỏ. Theo tôi, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó và đã đến lúc cần kết thúc".

Lại Thị Ngọc Hạnh

Vì vậy, trong tương lai gần, những sinh viên sư phạm mới ra trường khó có thể xin được công việc dạy học. Chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xiết chặt và giảm dần.

Không miễn học phí cho sinh viên sư phạm sẽ hạn chế số lượng học sinh đăng ký xét tuyển. Điều này cũng chính là giúp cho các em tránh được nguy cơ học xong thất nghiệp.

Nếu chúng ta đã biết trước rằng học sư phạm ra trường sẽ thất nghiệp mà vẫn cố thu hút các em học bằng chính sách miễn học phí thì chính là chúng ta đang nhẫn tâm đẩy các em vào nguy cơ lãng phí thời gian và tiền bạc cho 4 năm học thay vì tìm một ngành học nào đó mà hiện xã hội đang cần.

Thứ hai, nếu không miễn học phí thì liệu học sinh giỏi có chọn học sư phạm không?

Câu trả lời là sẽ vẫn chọn nếu như chế độ lương, phụ cấp của giáo viên xứng đáng với công sức mà giáo viên bỏ ra. Nếu lương của giáo viên đủ sống thì cho dù có tốn học phí học sinh vẫn sẽ chọn học sư phạm.

Các ngành khác như y dược, nông lâm, chăn nuôi thú y dù không được miễn học phí nhưng vẫn có rất nhiều học sinh chọn.

Hiện nay, tôi đang dạy tại một trường đa ngành, trong đó điểm đầu vào của ngành y luôn là cao nhất (khoảng 26 điểm trở lên) dù học phí khoa Y cũng cao nhất và không phải sinh viên y nào gia đình cũng dư dả.

Vì vậy, học phí chưa phải đã là tiêu chí đầu tiên để học sinh lựa chọn ngành học mà cái quan trọng nhất là cơ hội việc làm và thu nhập sau khi ra trường.

Nhiều học sinh (nghèo và cả không nghèo) chọn trường quân đội, công an không phải vì được miễn học phí mà vì ra trường có việc làm ngay.

Tôi nhớ, năm 2013, thủ khoa của Đại học Y Hà Nội với số điểm 29,5 là em Nguyễn Hữu Tiến. Cha của em đã phải ở ống cống, làm đủ mọi nghề để nuôi các con ăn học. Nhà nghèo nhưng em đã không chọn trường sư phạm.

Em trai sinh đôi của em là Nguyễn Hữu Tiến cũng không học sư phạm mà học Đại học Bách khoa. Như vậy, chứng tỏ rằng, cho dù có miễn học phí thì vẫn có những sinh viên nghèo học giỏi không chọn ngành sư phạm.

Thứ ba, nếu không miễn học phí cho sinh viên sư phạm thì học sinh nghèo học giỏi sẽ bị thiệt thòi?

Theo tôi, điều này có thể giải quyết được bằng các chính sách hỗ trợ tài chính như cho sinh viên vay vốn mà chúng ta đang thực hiện trong hơn 10 năm vừa qua.

Sinh viên sư phạm sẽ phải vay vốn để đi học như sinh viên các ngành khác và sẽ phải có trách nhiệm với món nợ phải trả đó. Vì vậy, mỗi sinh viên sư phạm sẽ phải ý thức hơn, nghiêm túc hơn đối với việc học của chính mình.

Chính sách ra đời xuất phát từ thực tiễn nên khi thực tiễn đã thay đổi thì việc có tiếp tục thực hiện chính sách cũ nữa hay không cần phải được xem xét. Nếu chính sách cũ không còn phù hợp nữa thì nhà quản lý cần mạnh dạn thay đổi hoặc xóa bỏ.

Theo tôi, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó và đã đến lúc cần kết thúc.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Phần mình, bạn ủng hộ hay phản đối việc giảm học phí cho sinh viên sư phạm? Ngay từ bây giờ mời bạn chia sẻ ý kiến qua phần BÌNH LUẬN hoặc qua bảng THĂM DÒ dưới đây.

Thăm dò ý kiến

Với việc điểm đầu vào ngành sư phạm tương đối thấp, có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

LẠI THỊ NGỌC HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên