09/11/2005 05:01 GMT+7

Merdeka và trận chung kết "lửa"

HOÀNG VŨ
HOÀNG VŨ

TT - Tháng 8-1966, sau 1 giờ 30 phút bay với vô số phen bị “quăng lên, quật xuống” bởi loại máy bay cổ lỗ bốn cánh quạt, đội Tuyển miền Nam có mặt ở Malaysia. Bản doanh của họ không phải khách sạn mà là tầng lầu của một cư xá dành cho học sinh với các phòng chỉ được trang bị quạt máy.

MjAd5VWK.jpgPhóng to
Đội tuyển miền Nam trước giờ lên đường sang Malaysia dự Merdeka 1966

Trước đó họ đã chuẩn bị cho giải thế nào?

Bài tính Merdeka

Nhà vô địch trẻ nhất - trung vệ 19 tuổi Nguyễn Văn Mộng kể: “Hồi đó đội tuyển tập trung gọn lắm. Do cầu thủ phần lớn chỉ chơi loanh quanh cho các đội ở Sài Gòn nên anh em rành rẽ lối đá của nhau lắm. Trước giải, ráp với nhau chừng hai, ba tuần, cao nhất một tháng là đá ngon lành. Chuẩn bị dự Merdeka 1966, 17 cầu thủ được gọi tập trung cho đội tuyển.

Trước khi đi dự Merdeka, Hãng Phi Mã cho đội tuyển 20 bông (giống phiếu khuyến mãi bây giờ - NV) mua xe Vespa với giá rẻ ưu đãi so với thị trường. Thấy vậy, mấy hãng bán quạt máy, đồ điện... cũng theo gương Phi Mã tặng anh em bông mua hàng làm quà cho gia đình”.

Hồi ấy, giải Merdeka (có người còn gọi là Cúp Độc lập hay Cúp Quốc khánh Malaysia) nặng ký hơn nhiều so với SEAP Games (nay là SEA Games) bởi nó giống như một giải châu Á thu nhỏ. Merdeka 1966 có 12 đội tham dự, trong đó có các đội mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Hong Kong (đội tuyển trước đó vài năm đã có một thời lừng lẫy ở châu Á với “túc cầu đại vương” Lý Huệ Đường)...

Thể thức thi đấu của Merdeka 1966 cũng thật lạ lùng. Sau khi bắt thăm phân cặp, các đội sẽ thi đấu với nhau và sau đó các đội được chia thành hai bảng theo nguyên tắc: thắng theo thắng, thua theo thua. Hai đội đầu bảng sẽ vào tranh chung kết.

Với thể thức này, theo tính toán của ban huấn luyện, Tuyển miền Nam đã chủ động thua chủ nhà Malaysia với tỉ số 2-5 ở trận đầu tiên để được xếp vào bảng các đội thua. Tính toán này theo trung vệ Nguyễn Văn Mộng và tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh... là hợp lý bởi “không mất nhiều sức lực trước các đối thủ mạnh và tìm được bốn trận thắng trong năm trận ở vòng bảng (thua một trận duy nhất trước Ấn Độ với tỉ số 0-1). Do hơn Ấn Độ về hiệu số bàn thắng bại nên Tuyển miền Nam lọt vào chung kết với Miến Điện (nay là Myanmar).

Với các tuyển thủ miền Nam thập niên 1960: “Ngán nhất là gặp Miến Điện!”. Tuyển Miến Điện trong mắt họ ngày ấy là đội bóng có kỹ thuật, thể lực và rất giàu ý chí. Theo nhận định khách quan của nhiều người thì “trình độ của Miến Điện ngày ấy 10, chúng tôi giỏi lắm chỉ được 8”. Kém thế hơn, Tuyển miền Nam còn gặp bất lợi khi mất Phạm Văn Lắm - một trung vệ cự phách ở hàng phòng ngự - vì bị thẻ đỏ do ẩu đả trong trận thua Ấn Độ.

Những quân bài chủ lực

“Đội hình ngày ấy có tuổi bình quân 24-25 và chiều cao trung bình của hàng phòng ngự tròm trèm 1,70m. Đây là một yếu tố quan trọng để có thể đối đầu với lối tấn công bão táp của Miến Điện - ông Mộng kể - Chúng tôi có một trụ đồng làm chỗ dựa là trung vệ Tam Lang. Ngày ấy anh nổi danh với tuyệt kỹ phá bóng từ phía sau mang tên “bọ cạp nước” (thời đó người Nhật đã quay phim ngón độc này của anh để tập luyện). Biệt danh này bắt nguồn từ chỗ: những cú ra đòn của con bọ cạp thường rất chính xác và rất... độc. Vì vậy anh em mới dùng hình ảnh con bọ cạp để nói về cú bay người “cạp” bóng từ phía sau của ảnh.

Phải nói đây là tuyệt nghệ bởi bay người phá bóng phía sau rất dễ bị phạt lẫn nhận thẻ. Nhưng với anh Tam Lang, dù chạy sau đối thủ 3-4m ảnh vẫn thực hiện những cú bay người chuồi phá bóng chính xác trong chân đối phương. Không biết bao nhiêu lần ảnh đã cứu thua cho đội bằng miếng “bọ cạp” này. Nhiều tiền đạo trong và ngoài nước thời đó cũng rất ngán miếng “cạp” này của ảnh. Có ảnh trong hàng phòng ngự, chúng tôi rất vững lòng”.

Một quái kiệt khác là tiền vệ Đỗ Thới Vinh (Vinh “đầu sói”). Kỹ thuật điêu luyện, lối chơi thông minh của Vinh “sói” đã làm điên đảo hầu hết những đối thủ từ Á đến Âu mà tuyển miền Nam đã gặp thời ấy như Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật, các đội Djugaden, Helsinborg (Thụy Điển), Lask (Áo)... Vinh “sói” còn có cách lấy lòng khán giả rất điệu nghệ.

Tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh, người cùng Vinh “sói” trấn giữ hàng tiền vệ trong cả hai lần đoạt chức vô địch ở SEAP Games 1959 và Merdeka 1966, nhớ lại: “Trận gặp Malaysia, Vinh bị một cầu thủ Malaysia chơi xấu lộn mấy vòng trên sân. Vừa đứng dậy, Vinh lao ngay tới tay cầu thủ ấy. Nói thiệt lúc đó tụi tui sợ xanh mặt vì nghĩ Vinh sẽ đánh nhau với tay này. Nào đâu, anh lại bắt tay với cầu thủ này. Quá bất ngờ, khán giả Malaysia vỗ tay rần rần... Cũng nhờ điều này mà khán giả Malaysia ủng hộ tụi tui rất nhiều trong trận chung kết”.

Đội hình tham dự Merdeka 1966

Thủ môn: Châu, Chinh.Hậu vệ: Tam Lang, Lắm, Có,Mộng, Ngôn 2, Hiển.Tiền vệ: Vinh “đầu sói”, Thanh, Hội.Tiền đạo: Chánh, Đức, Phụng, Chiêu (trung phong), Xê, Ngôn 1.

Đội hình trận chung kết

Thủ môn: Châu. Hậu vệ: Hiển, Có, Tam Lang, Ngôn 2. Tiền vệ: Thanh, Vinh. Tiền đạo: Chánh, Chiêu, Ngôn 1, Phụng.

Bàn thắng kỳ lạ

Tuyển miền Nam vào trận chung kết với đội hình 1-4-2-4. Thay trung vệ Lắm là lão tướng 36 tuổi Huỳnh Văn Có - cầu thủ lớn tuổi nhất giải.

Ngồi ngoài sân trong vai cầu thủ dự bị, ông Mộng tường thuật lại trận đấu:

Hiệp một, tuy thế trận giằng co nhưng Miến Điện vẫn trên chân tuyển miền Nam. Tuy kém về thế trận nhưng may mắn đã thuộc về chúng tôi khi có đến ba cú sút của Miến Điện tìm đến cột dọc hoặc xà ngang.

Hiệp 2, khoảng phút 61, 62 gì đó, Vinh “đầu sói” chuyền bóng cho trung phong Chiêu. Đảo người qua một cầu thủ Miến Điện, Chiêu bất ngờ tung cú sút từ cự li khoảng 25m. Cả đời tôi chưa thấy cú sút thành bàn nào kỳ lạ đến như thế. Nó giống như một cú đánh bida ba băng vậy. Cột dọc thứ nhất bật quả bóng đi một đường ngang thẳng băng sang cột dọc thứ hai rồi bật luôn vào lưới trong sự ngơ ngác của thủ môn đội Miến Điện.

(Bình luận về bàn thắng này, trung phong Hà Tam (tự Há), người đã cùng tuyển miền Nam đoạt chức vô địch SEAP Games 1959 (SEA Games lần 1) tổ chức ở Thái Lan nói: “Sự kỳ lạ này xuất phát từ việc trụ thành thời đó vuông chứ không tròn như bây giờ. Có lẽ yếu tố này đã tạo nên đường đi quái dị của quả bóng - NV)

Dẫn 1-0. Ban huấn luyện ra lệnh chuyển đội hình thành 1-4-3-2-1 để tăng cường phòng ngự ở khu vực giữa sân. Ngồi ngoài sân, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được một điều: những đồng đội trên sân đang sắp sửa chịu đựng những cơn cuồng phong Miến Điện.

Thật vậy! Nửa sân là tình trạng của chúng tôi trong gần 30 phút cuối. Có lúc chúng tôi tưởng chừng như bị cuốn trôi trước những đợt tấn công liên tục của đội Miến Điện. Trên sân, anh Tam Lang khản giọng vì điều động đồng đội di chuyển bịt các lỗ hổng trong đội hình. Sự lăn xả cùng một ngày may mắn với sự trợ giúp của trụ thành đã giúp những đồng đội của chúng tôi trên sân chặn lại bàn thắng của đối phương.

Bị ép nhưng thi thoảng đội vẫn mở được những đợt phản công nguy hiểm. Nếu tôi nhớ không lầm Ngôn 1 cũng vài lần bắn bóng bật cột dọc của Miến Điện, và phút 82 Ngôn 1 trong một đợt phản công đã đưa bóng vào lưới Miến Điện. Ngồi ngoài sân, chúng tôi sướng điên người nhưng niềm vui chợt tắt ngấm khi trọng tài không công nhận bàn thắng vì cho rằng Ngôn 1 đã việt vị.

Thế là lại tiếp tục cắn răng chống chọi với những đợt vây hãm mới. Tiếp sức cho mấy anh trong sân, ngoài sân, tôi cứ hét vào: còn 3 phút, 2 phút... rồi 1 phút. Tiếng còi hết giờ vang lên, nhiều đồng đội của tôi gần như đứng không vững vì kiệt sức trong lúc những tiếng hô Việt Nam, Việt Nam... của khán giả Malaysia vang dội khắp khán đài.

23 giờ đêm hôm đó, tin đoạt cúp vô địch Merdeka được Đài phát thanh Sài Gòn loan đi trong cảnh Sài Gòn chìm trong giấc ngủ.

-------------------

Tin, bài liên quan

Kỳ 1: Ngày rúng động thể thao thế giớiKỳ 2: Mai Văn Hòa và chữ ký giải nợ Chà vàKỳ 3: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 4: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 5: “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn RạngKỳ 6: Danh thủ Trương Tấn Nghĩa: tài năng và đào hoa!Kỳ 7: Danh thủ Thể Công làm HLV trên đất Đức

Kỳ sau: Ngã rẽ của ông Weigang và số phận chiếc cúp vô địch

HOÀNG VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên