10/02/2018 10:56 GMT+7

Mẹ ơi thế giới mênh mông nhưng con phải quay về

PHAN LAM
PHAN LAM

TTO - "Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình. Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ…", vừa nghe hết lời bài hát trong một quán cà phê, tôi gọi điện từ chối một cuộc hẹn và trở về phòng.


Mẹ ơi thế giới mênh mông nhưng con phải quay về  - Ảnh 1.

Gia tài tôi mang lên thành phố hơn mấy năm nay chỉ là một chiếc rương cũ từ thời còn học phổ thông. Tôi giữ những bức hình của cả gia đình, hình của Mẹ thời còn trẻ (lúc chưa sinh ra tôi), bức thư Cha gửi động viên tôi trước một kỳ thi học sinh giỏi, cái áo len màu xanh lá Mẹ mang từ Bắc vào dành cho tôi…Mỗi món đồ là một kỷ niệm, chiếm giữ một phần ký ức, một thế giới diệu kỳ.

Năm lớp 10, tôi học trường huyện cách nhà hơn 40 cây số. Cha và Mẹ cẩn thận chuẩn bị mọi đồ đạc, xếp gọn cả vào chiếc rương nhỏ. Cha bảo cái rương đó quý lắm, là quà cưới của ông bà nội dành cho, giờ giao lại cho tôi. Cha chằng gọn chiếc rương vào sau xe rồi chở tôi đi nhận lớp và tìm phòng trọ trên chiếc xe cub cà tàng. Mẹ đứng phía sau dõi theo, rưng rưng nước mắt.

Nhận giấy báo trúng tuyển đại học, một lần nữa cả Cha và Mẹ lại gói ghém những yêu thương vào chiếc rương nhỏ, cùng tôi lên thành phố nhập học. Tôi bỏ thêm vào đó những tấm hình gia đình, thư của Cha, áo của mẹ, vài món quà…như lời nhắc nhở phải cố gắng không ngừng. 

Năm nhất đại học, tôi đi làm thêm để dành dụm chi tiêu, được bao nhiêu tiền tôi cất cả vào rương để cuối tháng đóng tiền trọ. Về phòng, thấy cửa mở, chiếc rương nằm chỏng trơ, toàn bộ số tiền bị lấy hết. Tôi ngẩn người hồi lâu. May thay những thứ tôi quý nhất - kỷ vật gia đình - vẫn còn nguyên đó. Thế giới của tôi vẫn còn nguyên đó…

Trở về phòng, mấy câu hát trong bài Mẹ tôi cứ lởn vởn trong đầu. Tôi nghĩ về Mẹ, về Cha, về cả gia đình, về những kỷ niệm. Sau khi có việc làm tại thành phố tôi lại bẵng quên. Tôi cuồng quay với mớ công việc bộn bề, với những cuộc gặp, dự án cá nhân. Chiếc rương nằm lặng im bên góc phòng, bị đè ngợp bởi giấy tờ, đồ đạc phía trên. Tôi vô tâm quá, hay cách sống thị thành đã khiến tôi thay đổi.

Nhấc máy gọi điện về nhà, Mẹ thều thào nói qua điện thoại. Mấy nay trời trở lạnh, nên Mẹ bị ốm. Cha thì đang đi đón đứa cháu nội học lớp 1 về. Một mình Mẹ ở nhà, nghe giọng yếu lắm. Mẹ bảo ăn cháo rồi uống thuốc sẽ khỏi thôi, nhưng tôi biết Mẹ nói vậy để tôi khỏi lo. Tôi suýt khóc qua điện thoại, chỉ kịp dặn Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe rồi cúp máy.

Cũng bằng giờ này năm trước tôi đang hào hứng cho kế hoạch chuyến du lịch dài ngày cùng đám bạn. Tôi chọn cách đi để tự thưởng cho mình sau một năm làm việc vất vả. Tôi gọi điện về nhà xin Cha Mẹ Tết này không về. 

Cha ngăn cản kêu tôi về, Mẹ thì gọi điện thoại lên khóc rức. Nhưng tôi vẫn đi như kế hoạch. Tôi chỉ nghĩ đơn giản Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi, lấy lại cảm hứng làm việc. Hơn nữa các anh chị tôi cũng về đông đủ. Tôi còn trẻ, chưa lập gia đình nên nếu đi được thì cứ đi.

Mỗi ngày, Mẹ đều gọi điện hỏi thăm tôi đang ở đâu làm gì, tôi miễn cưỡng trả lời. Có lúc đang vui, tôi cũng chẳng thèm bắt máy. Tôi trở về nhà sau chuyến đi, cũng là lúc vừa hết Tết, người mệt nhừ. Mẹ lo lắng chăm sóc, Cha thì ngồi yên trên ghế dõi vào. 

Mấy hôm sau, tôi lên lại thành phố và trở lại với guồng quay công việc của mình, chẳng kịp hưởng chút không khí Tết còn sót lại.

Năm nay, do hoàn thành tốt công việc và việc học nên tôi được nghỉ Tết sớm. Đám bạn lại rủ rê đi du lịch trải nghiệm mấy ngày Tết. Tôi chưa nhận lời, vì muốn tìm cảm giác mới lạ hơn. 

Sáng nay, đang ngồi cà phê thì tình cờ nghe được bài hát đó. Lời ca chậm rãi, da diết kéo tôi vào những hồi tưởng quá khứ. Như những thước phim quay chậm, tôi bàng hoàng nhận ra mình đã bỏ qua quá nhiều điều. Có Cha, có Mẹ và Tết đoàn viên năm nào.

Tôi nhớ như in cái cảm giác mong chờ Mẹ đi chợ Tết mang về tấm áo mới cho mấy anh em. Là những đêm 30 chúng tôi ngồi xúm bên đống lửa canh nồi bánh chưng, nghe Cha kể về thuở yêu Mẹ. Là những ngày đầu năm xúng xính đi chúc Tết họ hàng. Là nồi thịt kho đông của Mẹ, là "chiếc bánh cóc" Cha gói riêng, là kẹo mứt đủ đầy…Tết bình yên. Tết của những bé bỏng tuổi thơ êm đềm, nghe như mới đây thôi, gần lắm.

Vậy mà bây giờ tôi thành kẻ ích kỷ với những ham thích bản thân. Tôi bỏ quên Tết – cả vùng trời kỷ niệm. Tôi lặng lẽ mở chiếc rương - cả một thế giới riêng đầy ắp tình thương của gia đình còn nguyên đó. Chẳng gì so sánh được khi còn Mẹ, còn Cha, còn cái Tết sum họp cả gia đình. Thế giới bên ngoài có mênh mông, rộng lớn đến đâu cũng không bằng nhà mình như câu hát còn văng vẳng trong đầu.

Tết này con về nhà, Cha Mẹ ơi…

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn.Thông tin bạn đọc, số tài khoản.. xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!


PHAN LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên