15/04/2018 16:28 GMT+7

Matthew Keenan và những ngày trở lại chiến trường xưa

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Gần 50 năm sau ngày rời chiến trường Việt Nam, cựu binh Mỹ Matthew Keenan (68 tuổi) quyết định trở lại Đà Nẵng để gắn bó với những đứa trẻ là nạn nhân chất độc da cam.

Matthew Keenan và những ngày trở lại chiến trường xưa - Ảnh 1.

Ông Matthew Keenan ngày ở chiến trường Đà Nẵng - Ảnh: NVCC

Bản thân ông cũng bị phơi nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh và đang phải gồng mình chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.

50 năm sau khi chiến tranh kết thúc, những đứa trẻ ở thế hệ thứ ba, thứ tư vẫn phải hứng chịu hậu quả chiến tranh tàn khốc. Hơn ai hết, chính tôi là nạn nhân của dioxin, tôi hiểu hỗ trợ kinh tế chỉ là một phần nhỏ, chính tình yêu thương, những nụ hôn, những cái ôm mới giúp xoa dịu nỗi đau này. Vì lý do đó, tôi đã trở lại

MATTHEW KEENAN

Còn lại nụ cười

Một buổi sớm tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng ở quận Thanh Khê, người đàn ông Mỹ cao lớn đỗ chiếc xe máy cà tàng trước cổng.

Bọn trẻ đứa thì ngọng nghịu, đứa đi đứng khập khiễng chới với ra đón. Chúng í ới gọi: "Ông Matt" rồi cười hì hì ra vẻ thích chí.

Ông Matt ôm lấy đứa nhỏ nhất, hôn lên má. Mấy đứa khác xúm lại đập đôi bàn tay vào tay ông. Lần lượt người đàn ông đập tay chào từng đứa trẻ và cùng chúng bắt đầu một ngày mới bằng việc tập thể dục.

Cứ như thế, những sinh hoạt của bọn trẻ không còn đơn độc. Cùng ăn, cùng ở, cùng chơi với trẻ, dần bọn nhỏ xem ông Matt như bạn bè.

Hơn ba năm nay, dù không cùng chung ngôn ngữ nhưng những đứa trẻ da cam gần như hiểu hết các cử chỉ ra hiệu của ông.

Từ ngày có ông Matt, đám trẻ vui hơn, sinh hoạt nề nếp và cười nhiều hơn qua những trò chơi mới được ông bày vẽ. Với bọn trẻ, ông Matt không chỉ là bạn mà còn là "người mang đến nhiều bạn mới" như cách chúng nói.

Hành trình đều đặn mỗi buổi sáng của ông Matt là đến Trung tâm cơ sở 1 ở quận Thanh Khê và chiều lại chạy xe hơn chục cây số đến cơ sở 3 tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, nơi cũng có hơn 50 em nhỏ là nạn nhân chất độc hóa học.

Thỉnh thoảng ông lại đưa những "người bạn mới" là các mạnh thường quân, đoàn cựu binh Mỹ, các nhóm tình nguyện trong và ngoài nước đến thăm và vui chơi với chúng nên đám trẻ thích lắm.

Mỗi năm dành mấy tháng về Mỹ điều trị ung thư và thăm gia đình, còn lại ông sống cùng những đứa trẻ Việt Nam. Ông thuần thục mấy bài nhảy, điệu múa của chúng, ít hôm lại bày thêm cho lũ trẻ nhiều cái hay, trêu chúng cười lặc lè.

Ông Matt không hay nhắc đến bệnh của mình, bảo rằng sự đau đớn được nén chặt vào trong. Ở bên những đứa trẻ, mọi thứ đều biến mất, duy chỉ nụ cười luôn thường trực trên môi người đàn ông ấy.

Không chỉ dành tình yêu và sự sẻ chia hằng ngày với lũ trẻ, thông qua những hiểu biết thực tế của mình, bằng hình ảnh chân thực về cuộc sống của những đứa trẻ da cam, Matt tìm cách liên hệ với nhiều cá nhân, tổ chức từ khắp nơi trên thế giới như Úc, Nhật, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada và cả mạnh thường quân ở Việt Nam để kêu gọi sự hỗ trợ nạn nhân da cam ở Đà Nẵng.

Matthew Keenan và những ngày trở lại chiến trường xưa - Ảnh 3.

Ông Matt tạo niềm vui thông qua việc cùng nhảy múa với trẻ da cam - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Lời hẹn quay lại

Nói về việc mình dùng từ "trở lại" thay vì "đến đây", ông Matt đưa tấm ảnh chụp từ 50 năm trước. Nét mặt trầm ngâm, ông chỉ vào chàng trai mặc áo lính Mỹ trong ảnh: "Đó là tôi".

Năm 1970, Matt tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Với những người trẻ như Matt bấy giờ, việc lựa chọn giữa đi chiến đấu và trốn tránh nhập ngũ thật không mấy dễ dàng. Lúc bấy giờ, tổng thống Nixon bắt đầu rút dần quân đội tại Việt Nam với chiến lược "Việt Nam hóa".

Matt đã ở Chu Lai vào tháng 10-1971. Đến tháng 11, ông được cử đến Đà Nẵng. Công việc của Matt ở Chu Lai và Đà Nẵng chủ yếu là hành chính.

Ông là nhân viên tổ chức chuyển các hoạt động quân sự từ quân đội Mỹ sang quân đội miền Nam Việt Nam, đồng thời hỗ trợ về sức khỏe cho lính Mỹ bị nghiện ma túy và thống kê số liệu thương vong quân lính Mỹ trong cuộc chiến.

Không trực tiếp tham chiến, nhưng Matt thường có nhiệm vụ bảo vệ trên những ngọn đồi phía tây Đà Nẵng. 

"Đó là những đêm không ngủ và không vui với tôi" - Matt nói và đan những ngón tay vào nhau, mặt cúi xuống nền đất.

Trong ký ức người cựu binh Mỹ, hình ảnh máy bay trực thăng liên tục gầm rú trên dãy núi Phước Tường nhìn về căn cứ không quân vẫn hằn lên rõ nét.

"Lính Mỹ đã đặt cho dãy núi phía mặt trời lặn ấy cái tên "Freedom hill" - đồi Tự Do, với mong muốn đây là điểm kết thúc chiến tranh, bắt đầu những ngày tháng tự do, hòa bình cho cả những lính Mỹ và người dân Việt Nam vô tội" - Matt nói.

Thời điểm cuối năm 1972, trong khi đang ở căn cứ không quân (bây giờ là sân bay Đà Nẵng) chờ máy bay vận tải đến đón về nước, bất chợt Matt nhìn thấy hàng trăm phụ nữ Việt Nam, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bước ra đường băng.

Họ chỉ có quần áo trên lưng, tất cả đều sợ hãi, đói và mệt mỏi. Dòng người được di tản khỏi các khu vực chiến đấu ác liệt ở chiến trường Bình - Trị - Thiên và đưa đến đây. Đó là một ngày Matt không bao giờ quên.

Trên máy bay "Freedom Bird" đưa lính Mỹ về nước, nhìn về phía mặt trời lặn từ sân bay, Matt chỉ thấy điểm cuối cùng là dãy đồi Tự Do. Đó là hình ảnh khiến ông day dứt.

Trở về từ cuộc chiến, sống trong nền hòa bình ở quê hương New York, nhưng Matt luôn bị hình ảnh những người phụ nữ và trẻ nhỏ trên đường băng lúc rời khỏi Việt Nam day dứt.

Rồi Matt quyết định một chuyến quay lại để tìm hiểu và hỗ trợ chăm sóc trẻ da cam. Vào ngày cuối cùng của chuyến thăm đầu tiên năm 2015 khi trở về Mỹ, Matt đã ở trên máy bay với cùng một đường băng như ngày ông rời Việt Nam năm 1972.

Trong đầu Matt lúc này là hình ảnh những đứa trẻ da cam cười ngây dại và ân tình người Việt đối đãi với ông trong những ngày ông trở lại đất nước này.

"Tôi biết mình có thể làm nhiều hơn, tôi biết mình có thể tạo sự khác biệt. Khi máy bay cất cánh, tôi vẫn nhìn về phía tây, hình ảnh "đồi Tự Do" lại hiện ra day dứt như mấy mươi năm trước. Với đôi mắt nhòe nước, tôi đã thầm hứa: mình sẽ trở lại" - ông Matt hồi nhớ.

"Cam kết mê hoặc"

Người cựu binh Mỹ đã thực hiện lời hứa. Ông về Mỹ, rồi bỏ qua căn bệnh hiểm nghèo của mình để quay lại dành những nỗ lực cuối cùng giúp đỡ nạn nhân da cam ở Việt Nam.

Nắm chặt tay những đứa trẻ với đầy tràn yêu thương, ông nói: "Bây giờ tôi có nhiều bạn ở Đà Nẵng hơn cả ở đất nước mình. Tôi thật sự yêu và xem họ như người thân của mình".

Matt nói rằng giữa ông với những đứa trẻ da cam đã có một "cam kết mê hoặc" mà chỉ những người đồng cảnh mới thấu hiểu thực sự.

Ông quyết định trở lại để tìm hiểu và giúp đỡ những đứa trẻ da cam, nhưng thực tế chính những đứa trẻ đã giúp ông quên đi bệnh tật.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Vang, phó giám đốc cơ sở 3 Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng, cho biết: "Bản thân ông Matt bị bệnh nặng nhưng luôn yêu đời, hết mình trong mọi hoạt động thiện nguyện ở trung tâm.

Ngoài việc tặng các cơ sở vật chất hỗ trợ điều trị và phục hồi cho trẻ da cam, ông còn giúp các em tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài thông qua các hoạt động tìm hiểu, vui chơi...

Đặc biệt, ông Matt là người giúp nói lên tiếng nói của trẻ da cam ở nhiều chương trình, hoạt động cộng đồng, đòi quyền lợi cho những người bất hạnh".

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên