17/06/2022 05:43 GMT+7

Mạnh tay với lạm phát, Mỹ khó 'hạ cánh mềm'

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Một tháng sau khi làm thị trường choáng váng với mức tăng lãi suất 0,5 điểm %, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,75% để đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt bão lạm phát.

Mạnh tay với lạm phát, Mỹ khó hạ cánh mềm - Ảnh 1.

Một người mua sắm trong siêu thị ở New York, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Mức nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 này nâng lãi suất vay tại Mỹ lên mức từ 1,5 đến 1,75%. Tại cuộc họp của FED ngày 15-6, các quan chức cũng dự đoán lãi suất sẽ tăng lên ít nhất 3,4% vào cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa FED sẽ có thêm vài đợt điều chỉnh lãi suất khác trong các tháng tới.

Ngày càng gian nan

"Chúng tôi không muốn gây ra suy thoái", chủ tịch FED Jerome Powell nói, nhấn mạnh FED vẫn đạt được mục tiêu giảm lạm phát xuống mức 2% mà không làm thị trường lao động yếu đi, điều mà giới kinh tế gọi là "hạ cánh mềm". Kể từ đợt nâng lãi suất trước, FED đã "đi dây" giữa việc giảm lạm phát và tránh nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, ông Powell cũng thừa nhận kế hoạch "hạ cánh mềm" ngày càng khó khăn vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà Mỹ không thể kiểm soát như chiến sự Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động giá cả hàng hóa... 

"Con đường để đạt được điều đó không dễ dàng hơn mà ngày càng thách thức", ông Powell nói, thừa nhận đợt nâng lãi suất vào tháng 5 và trước đó là tháng 3 đã không giúp giảm lạm phát mà còn khiến nó tăng thêm.

Sau khi FED trấn an các cú sốc lãi suất sẽ không thường xuyên, thị trường Mỹ đã phục hồi với chỉ số Dow Jones tăng 1%, S&P 500 tăng 1,46% và Nasdaw tăng 2,5%, theo Reuters. Tuy nhiên khi FED nâng lãi suất vào tháng 5-2022, thị trường cũng phản ứng tích cực và rồi sau đó giảm liên tục trong những phiên tiếp theo.

Trong khi đó, thị trường châu Âu mở cửa ngày 16-6 với các chỉ số giảm do tin tức từ bên kia Đại Tây Dương. Châu Âu có thêm một lý do để lo lắng là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ nâng lãi suất như Mỹ để đối phó cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro vào tháng sau.

Ngày 15-6, giới đầu tư tạm thở phào khi ECB trấn an sẽ "linh hoạt" trong việc đối phó với các rủi ro, tránh xảy ra khủng hoảng bằng việc hỗ trợ các thành viên có mức nợ cao và tạo ra công cụ quản lý mới.

Trả giá kinh tế

Theo các chuyên gia, các ngân hàng trung ương của Mỹ và một số nước châu Âu như Anh đang đuổi theo lạm phát với hy vọng nền kinh tế có thể chịu được lãi suất tăng cao. 

"Khống chế lạm phát vẫn là mục tiêu chính. Nâng lãi suất là một công cụ tương đối cùn và có độ trễ không thể tránh khỏi về thời gian, vì vậy các ngân hàng trung ương đều hy vọng tăng trưởng (kinh tế) có thể chịu được áp lực tăng thêm", Hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia Richard Hunter thuộc Tổ chức Interactive Investor nhận định.

Cùng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, FED cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống còn 1,7% trong năm nay, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7% vào cuối năm và tăng lên 4,1% vào năm 2024. Dù FED không đưa ra dự báo về suy thoái, các dự đoán đều cho thấy tăng trưởng kinh tế hướng về 0 trong năm 2023.

Vòng xoáy lạm phát và nâng lãi suất của Mỹ thậm chí có thể gây ra suy thoái trên toàn cầu, làm giảm nhu cầu nhập khẩu và tàn phá các thị trường tài chính. 

Chuyên gia về đầu tư Stephane Monier thuộc Tổ chức Banque Lombard Odier nhận định việc ECB quyết định họp bất thường ngay trước quyết định của FED cho thấy lo ngại của châu Âu khi động thái của Mỹ có thể khiến đồng USD tăng giá.

"Nền kinh tế Mỹ ít nhạy cảm hơn với việc thắt chặt các điều kiện tài chính... so với các nền kinh tế nặng về thương mại như Thụy Sĩ, Nhật Bản, thậm chí cả khu vực đồng euro và có rất nhiều thị trường mới nổi. Hàng hóa toàn cầu được định giá bằng USD vì vậy đồng USD mạnh hơn không tốt cho họ chút nào", Đài CNBC dẫn lời chiến lược gia Geoffrey Yu của Tổ chức BNY Mellon nhận định.

Ngoài nguy cơ suy thoái kinh tế, chuyên gia Guy Stear của Ngân hàng Societe Generale còn cảnh báo các nhà đầu tư còn có thể đối mặt với "suy thoái lợi nhuận" do kết hợp giữa lãi suất cao với các vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí gia tăng do chiến sự ở Ukraine...

Dầu và lạm phát

Trước sức ép từ giá cả và giá nhiên liệu leo thang, ngày 15-6, Tổng thống Joe Biden đã thúc ép các công ty Mỹ tăng công suất lọc dầu. Ông Biden cũng sẽ đến Trung Đông để bàn về an ninh năng lượng trong tháng 7.

Dù kêu gọi tinh thần "yêu nước" của các hãng dầu, Nhà Trắng cho biết ông Biden có thể viện dẫn Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA) để buộc họ tăng công suất. Dù vậy theo giới phân tích, rất ít khả năng các công ty này xây thêm nhà máy lọc dầu mới.

"Liều thuốc đắng" tăng lãi suất

56dffd16d55f16014f4e 3(Read-Only)

Giá xăng dầu tăng, hàng hóa đội giá theo gây ảnh hưởng đời sống người dân. Trong ảnh: tiểu thương chợ Bến Thành (TP.HCM) chờ khách, chiều 15-6 - Ảnh: TỰ TRUNG

Trước thông tin FED đẩy lãi suất tham chiếu lên thêm 0,75% vào hôm 15-6, TS Lê Quang Minh cho rằng việc này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, mà còn thẩm thấu tới nhiều thị trường khác.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn khi nằm mức 200% (được đo bằng kim ngạch xuất nhập khẩu chia cho quy mô GDP), hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nên trong thời gian tới nếu mức lạm phát cao hơn, nhiều khả năng Việt Nam cũng tăng lãi suất để kiểm soát tình hình.

"Việc tăng lãi suất vốn là liều thuốc đắng để chữa bệnh lạm phát", TS Minh cho hay. Trong trường hợp lãi suất cơ bản tăng thì lãi suất thương mại cũng sẽ tăng lên gấp 2-3 lần. Điều này sẽ tác động lên doanh nghiệp, giới đầu tư và người dân thông thường.

Cụ thể, doanh nghiệp phải chịu áp lực lãi vay lớn khi chi phí tài chính tăng từ 2-3 lần. Chưa kể các loại chi phí liên quan đến vận chuyển, nguyên liệu đầu vào… đều tăng do lạm phát, theo đó biên lợi nhuận của doanh nghiệp cũng bị kéo xuống, tăng trưởng chậm.

Bên cạnh đó, hiện nay việc siết chặt thị trường trái phiếu cũng đang diễn ra, nên nhiều doanh nghiệp sẽ không huy động được tiền từ kênh này, dẫn đến việc dè dặt hơn trong chi tiêu, không bơm tiền mạnh mẽ để đầu tư như trước mà trữ tiền để phòng thủ, xử lý nợ.

Đối với giới đầu tư, khi cơn bão lạm phát ập đến, lãi suất tăng, tiền bớt lưu thông trên thị trường và không còn rẻ như xưa thì kênh gửi tiết kiệm và vàng thường được ưa chuộng.

Ở kênh chứng khoán, dòng tiền thay vì được nhà đầu tư bất chấp đổ vào ào ạt như trước, giờ đây sẽ có chọn lọc hơn, tập trung mua những cổ phiếu giá trị mang tính "phòng thủ" thuộc các ngành như năng lượng, điện, thực phẩm… để được hưởng lợi nhuận.

Việc tăng lãi suất mang đến điểm thuận lợi cho ngành bất động sản khi dòng tiền có xu hướng rút khỏi chứng khoán. Tuy nhiên, điểm bất lợi là phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều sử dụng đòn bẩy tài chính, do đó khi lãi vay tăng, giá nguyên vật liệu cao, biên lợi nhuận sẽ bị bào mòn. Khi đó buộc doanh nghiệp bất động sản phải tăng giá bán sản phẩm, khiến sức mua giảm, thị trường khó sôi động.

Đứng trước cơn bão giá, giá xăng tăng, giá dịch vụ vận tải tăng, chi phí logistics tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào như phân bón, cám… tăng khiến hàng hóa tới tay người tiêu cũng bị đội giá, ảnh hưởng đến sức mua.

"Việt Nam muốn tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì phải cân nhắc kỹ, cần thời gian để chọn mức tăng phù hợp, không thể tăng mạnh bất thường. Vì bản chất giá hàng hóa tăng mạnh đợt này là do cầu nhiều hơn cung, ảnh hưởng của căng thẳng Nga - Ukraine, chứ không phải do thừa tiền. Khi gốc rễ của việc cung - cầu được giải quyết, lạm phát cũng hạ nhiệt theo", TS Minh khuyến nghị.

BÔNG MAI

Giá xăng và lạm phát Giá xăng và lạm phát 'đuổi nhau' ở Mỹ

TTO - Các nhà kinh tế Mỹ từng cho rằng mức lạm phát 8,5% trong tháng 3 đã là đỉnh trong 40 năm qua. Nhưng ngày 10-6, mức lạm phát trong tháng 5 được công bố đã tăng lên 8,6% - mức cao nhất kể từ tháng 12-1981.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên