Xác minh địa điểm kinh doanh trong 5 ngàyTập trung thanh tra giá sữa
Phóng to |
Ông Nguyễn Đình Tấn - Ảnh: T.Đạm |
Trao đổi với Tuổi Trẻ ông Nguyễn Đình Tấn, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, nói:
- Qua việc quyết toán thuế TNCN, Cục Thuế TP.HCM nhận thấy nhiều trường hợp làm việc tại hai nơi trở lên như: giảng viên, bác sĩ, người giữ nhiều chức vụ như tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị ở nhiều công ty, các văn nghệ sĩ và nhiều cá nhân khác chưa thực hiện kê khai quyết toán vào cuối năm. Nhiều trường hợp cơ quan chi trả đã tạm thu thuế TNCN trước khi chi trả thu nhập, họ tưởng rằng như vậy đã hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước mà không biết rằng theo quy định, nếu có thu nhập từ hai nơi trở lên cuối năm phải tổng hợp các khoản thu nhập để quyết toán với cơ quan thuế. Vừa qua Cục Thuế TP.HCM đã đăng thông báo trên các báo đề nghị người nộp thuế là cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên, được tổ chức chi trả tạm khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần tính trên thu nhập tháng hoặc khấu trừ 10% trên toàn bộ thu nhập, nếu sau khi tổng hợp toàn bộ thu nhập của cả năm từ các nơi, xác định lại số thuế phải nộp lớn hơn số thuế đã khấu trừ thì phải nộp số thuế còn thiếu.
* Hầu hết người đi quyết toán thuế đều có số thuế nộp thừa, quyết toán để hoàn thuế chứ ít có trường hợp tự giác nộp thêm. Vậy biện pháp đăng báo để mời họ đến nộp thêm thuế liệu có hiệu quả?
- Ngoài việc đăng báo để vận động các cá nhân có thu nhập từ nhiều nơi đến kê khai quyết toán thuế, Cục Thuế TP.HCM còn có văn bản gửi trường học, bệnh viện yêu cầu các đơn vị này có thông báo để người lao động liên hệ với cơ quan thuế để được hướng dẫn quyết toán thuế TNCN. Nơi liên hệ là cơ quan thuế quản lý đơn vị trả thu nhập mà người lao động tính giảm trừ cho bản thân, nếu chưa tính giảm trừ cho bản thân ở bất cứ đơn vị chi trả thu nhập nào thì liên hệ chi cục thuế nơi cá nhân cư trú (được hiểu là nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).
Ngoài ra Cục Thuế cũng có văn bản gửi các phòng kiểm tra và các chi cục thuế quận huyện đề nghị các phòng, các chi cục gửi công văn nhắc các đơn vị là trường học, bệnh viện thuộc đối tượng quản lý để thông báo cho giảng viên, bác sĩ thực hiện việc kê khai quyết toán thuế TNCN đúng quy định. Dự kiến tới đây trong tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế, Cục Thuế sẽ phổ biến lại vấn đề này để động viên tinh thần tự giác của người nộp thuế.
* Dự kiến số thuế thu được từ đối tượng có thu nhập cao, từ nhiều nơi khoảng bao nhiêu?
- Thống kê cho thấy nguồn này đã gần bằng với nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương đứng chân trên địa bàn và doanh nghiệp nhà nước TP, vào khoảng 20.000 tỉ đồng/năm. Trong số này, nguồn thu lớn nhất từ các cá nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kế đến các cá nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong nước. Những trường hợp báo chí nêu lương “khủng” vừa qua đều đã kê khai nộp thuế TNCN đầy đủ.
Vừa qua Cục Thuế TP.HCM cũng đã thu nguồn này từ các “đại gia”, qua làm việc với một số người diện này đã thu được hàng chục tỉ đồng. Tới đây Cục Thuế sẽ tiếp tục làm việc, rà soát với nhóm giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ, tổng giám đốc, cũng như mời những người có thu nhập từ nhiều nơi đến kê khai thuế. Dự kiến thu được sẽ lên đến hàng trăm tỉ đồng thuế TNCN từ các đối tượng này từ nay đến cuối năm.
* Trường hợp người nộp thuế không tự giác, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp nào nhằm chấn chỉnh, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế?
- Từ những dữ liệu được nhập vào hệ thống thời gian qua, hiện nay cơ quan thuế đã bước đầu phân loại trên hệ thống cũng như rà soát được thu nhập của một số đối tượng có thu nhập từ nhiều nơi để gửi giấy mời các đối tượng này lên làm việc với cơ quan thuế. Tuy nhiên, do dữ liệu mà cơ quan thuế có được chưa thật sự toàn diện nên việc đăng thông báo là để kêu gọi sự tự giác của người nộp thuế. Trường hợp các đối tượng này không tự giác, cơ quan thuế sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn.
Nên công khai thông tin người né thuế Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng Cục Thuế nên thành lập nhóm chuyên về khai thác thuế của nhóm cá nhân có thu nhập cao như ca sĩ, nghệ sĩ, người giữ chức vụ cao ở nhiều doanh nghiệp, giảng viên, bác sĩ... Nên chọn một số đối tượng trọng điểm để rà soát, đồng thời tìm ra nguyên nhân vì sao họ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Có thể do họ không biết hay do tuyên truyền chưa tốt, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm. Sau khi thực hiện cơ quan thuế nên mạnh dạn công bố kết quả nhằm đánh động dư luận cũng như ý thức tự giác của người nộp thuế, tạo sự công bằng giữa những người nộp thuế. Chắc chắn sau những lần như vậy, bản thân những người dù chưa bị cơ quan thuế “sờ gáy” cũng sẽ tự giác kê khai hoặc yêu cầu nhân viên kê khai thay. |
Truy thu 10,8 tỉ đồng của 11 “đại gia” Ngoài đối tượng văn nghệ sĩ, vừa qua Cục Thuế TP.HCM cũng đã truy thu thuế TNCN của 11 đại gia với số thuế 10,8 tỉ đồng và đang tiếp tục rà soát để truy thu thuế hàng loạt đại gia khác. Trong danh sách truy thu này, một cá nhân làm trong lĩnh vực thương mại đảm nhận nhiều chức vụ lớn ở nhiều công ty, từ chủ tịch đến thành viên HĐQT bị truy thu số thuế lên đến 2,2 tỉ đồng. Một cá nhân khác kinh doanh lĩnh vực thương mại bị truy thu 1,85 tỉ đồng. Hai đại gia khác, một trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản bị truy thu 1,387 tỉ đồng và một cá nhân trong lĩnh vực thương mại bị truy thu 1,27 tỉ đồng. Sáu cá nhân khác kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, thương mại, may mặc, xây dựng cũng bị truy thu số thuế lên đến hàng trăm triệu đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận