"Mắc bệnh" trên VssID
Tuổi Trẻ đã thông tin về không ít người bệnh tỏ ra bức xúc vì kết quả chẩn đoán bệnh của họ hoàn toàn khác với thông tin được cập nhật trên app VssID.
Nhiều người không để ý đến khi đi mua bảo hiểm nhân thọ, phỏng vấn xin việc mới tá hỏa phát hiện thông tin trên app sai lệch ảnh hưởng đến quyền lợi.
Theo anh H.H. (37 tuổi, Hà Nội), tháng 11-2022 anh đến một trung tâm y tế ở Hà Nội để thăm khám, có chẩn đoán viêm đường hô hấp phải chuyển tuyến lên một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Tại đây anh H. được xác định mắc viêm phế quản, không phải lao phổi.
Tuy nhiên đến tháng 4-2024, anh H. kiểm tra thông tin trên VssID mới tá hỏa phát hiện thông tin không trùng khớp với kết quả chẩn đoán bệnh.
Cả hai nơi anh đến khám cập nhật trên app đều là bệnh lao. Anh H. đã đến hai cơ sở y tế trên để sửa thông tin nhưng đều không được. Cả hai cơ sở khám, chữa bệnh đều nói không sửa được vì hệ thống đã đóng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay việc chỉnh sửa thông tin, dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được nêu trong quy định tại thông thư 48 của Bộ Y tế.
"Việc sai thông tin trên VssID là do cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp sai thông tin dẫn đến thông tin hiển thị sai", ông Hòa khẳng định.
Cơ sở khám, chữa bệnh cần có trách nhiệm
Theo quy định tại thông tư 48 về trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của Bộ Y tế bao gồm dữ liệu đầu vào và dữ liệu đầu ra.
Trong đó dữ liệu đầu vào và dữ liệu đầu ra được xây dựng trên cơ sở và phải thực hiện đúng quy định.
Trong trình tự gửi dữ liệu điện tử và phản hồi việc tiếp nhận dữ liệu điện tử đề nghị giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc khám, chữa bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện gửi dữ liệu.
Cơ sở khám, chữa bệnh kiểm tra, đối chiếu để hiệu chỉnh dữ liệu điện tử trong trường hợp dữ liệu có sai lệch so với thực tế và bổ sung các thông tin còn thiếu hoặc loại bỏ thông tin chưa phù hợp, trước khi gửi dữ liệu điện tử đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận được dữ liệu điện tử đề nghị giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Cổng thông tin giám định bảo hiểm y tế phải thông báo chi tiết kết quả giám định.
Tại thông tư này cũng nêu cơ sở khám, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu khám, chữa bệnh và bảo mật thông tin, dữ liệu khám chữa bệnh của người bệnh theo các quy định của pháp luật.
Đồng thời cơ sở y tế cũng được phép hiệu chỉnh dữ liệu điện tử đã gửi đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp phát hiện có sự sai lệch, nhưng phải nêu rõ lý do và thống nhất với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Như vậy khi người dân phát hiện có sai sót thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên VssID cần liên hệ với cơ sở khám, chữa bệnh để yêu cầu điều chỉnh theo đúng hồ sơ bệnh án.
Trong trường hợp cơ sở y tế không chỉnh sửa, người dân có thể báo cáo với cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương để được giải quyết.
Theo ông Hòa, ứng dụng VssID cũng góp phần giúp người dân cùng cơ quan bảo hiểm xã hội giám sát, tránh trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng mong rằng qua VssID, người dân có thể tra cứu thông tin ngay sau khi khám, chữa bệnh, cùng đơn vị phát hiện những sai sót, dấu hiệu nghi ngờ làm giả hồ sơ bệnh án, trục lợi quỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận