Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua, cơ quan này nhận nhiều phản ánh trang tin, trang mạng xã hội, số điện thoại tư vấn chế độ chính sách bảo hiểm xã hội có tính phí cao.
Cụ thể, chị K.T.T., trú TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, thông báo bị trừ 250.000 đồng cước điện thoại khi gọi đến tổng đài 1900.25.25.10 để được tư vấn lấy lại mật khẩu VssID (ứng dụng bảo hiểm xã hội số).
Chị T. cho hay do quên mật khẩu, chị vào đường link www.hoidapluatbaohiemxahoi.com và gọi tư vấn theo số tổng đài trên.
Sau nhiều phút trao đổi, không những không lấy được mật khẩu VssID, chị còn bị trừ 250.000 đồng. Thấy vừa mất tiền vừa không giải quyết được vấn đề, chị ra cơ quan bảo hiểm xã hội phản ánh. Lúc này, chị T. mới biết lấy mật khẩu VssID không mất tiền, thao tác đơn giản.
Từ sự việc này, Bảo hiểm xã hội khuyến cáo người dân chỉ tìm hiểu, tư vấn, nhận hỗ trợ từ các kênh chính thống như Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn/ hoặc trang Facebook có tên Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam gắn tích xanh chính chủ.
Bên cạnh đó, người dân có thể gọi tổng đài 1900.9068 để nhận hỗ trợ của trợ lý ảo thông minh (cước phí nhà cung cấp dịch vụ 1.000 đồng/phút).
Đầu tiên, người lao động gọi đến tổng đài trên bằng số điện thoại đã đăng ký tài khoản VssID và nhấn phím 8. Sau đó, trợ lý ảo sẽ yêu cầu đọc mã số bảo hiểm xã hội. Sau khi đọc đúng mã số bảo hiểm xã hội, hệ thống sẽ đọc mật khẩu VssID mới, mật khẩu nhắc lại 1 lần.
Trường hợp đọc không đúng mã số, trợ lý ảo sẽ thông báo "số điện thoại và mã số bảo hiểm không khớp hoặc chưa đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội".
Qua thử nghiệm tối 9-11, Tuổi Trẻ Online ghi nhận trợ lý có thể nghe tốt yêu cầu lấy lại mật khẩu VssID của người dùng và phản hồi sau vài giây. Giọng đọc của trợ lý dễ nghe, phát âm chuẩn, chậm, đủ để ghi nhớ và thực hiện hướng dẫn.
Bảo hiểm xã hội cũng hướng dẫn người dân sử dụng chức năng quên mật khẩu trên VssID hoặc trang https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn. Người dùng phải có địa chỉ email chính xác, đăng ký khi lập tài khoản VssID mới có thể sử dụng.
Trường hợp muốn bổ sung email thì phải lập tờ khai TK1-TS. Việc này nhằm liên thông dữ liệu điện tử và bảo đảm thông tin chính xác. Nếu người dân muốn thay đổi, bổ sung thông tin thì viết theo hướng dẫn của mẫu 02/SĐ-GD. Các mẫu này đều có thể được hướng dẫn, nộp trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội trên toàn quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận