04/04/2023 13:33 GMT+7

Lý do ông Tô Anh Dũng chỉ đạo đưa doanh nghiệp thân quen vào chuyến bay combo để 'giải cứu'

Ông Tô Anh Dũng đã nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng, chỉ đạo đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách chuyến bay combo để được cấp phép "giải cứu".

Lý do ông Tô Anh Dũng chỉ đạo đưa doanh nghiệp thân quen vào chuyến bay combo để giải cứu - Ảnh 1.

Hành khách lên máy bay tại sân bay quốc tế Larnaca (đảo Cyprus) để về Việt Nam vào tháng 8-2020 - Ảnh: V.A.

Vậy chuyến bay combo có những gì đặc biệt?

Ngày 4-4, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu". 

Theo kết luận, ông Tô Anh Dũng là thứ trưởng Bộ Ngoại giao, có nhiệm vụ phê duyệt tổ chức kế hoạch chuyến bay trên cơ sở đề xuất của Cục Lãnh sự để gửi thành viên trong tổ công tác năm bộ xin ý kiến. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách chuyến bay combo tham gia chiến dịch "chuyến bay giải cứu". 

Cơ quan điều tra kết luận ông Dũng đã nhận hối lộ 21,5 tỉ của đại diện các doanh nghiệp khi hỗ trợ, tạo điều kiện được cấp phép thực hiện chuyến bay combo.

Vậy chuyến bay combo có gì khác so với chuyến bay thường lệ hoặc thuê bao nguyên chuyến? 

Cụm từ "chuyến bay combo" xuất hiện trong giai đoạn dịch bệnh khi người Việt có nhu cầu về nước trên các "chuyến bay giải cứu" theo hình thức công dân tự chi trả toàn bộ chi phí cách ly. 

Các chuyến bay combo là chuyến không thường lệ (charter) nên có thể linh hoạt hơn trong khai thác.

Trong hàng không còn có chuyến bay thuê bao nguyên chuyến (charter). Charter thường sử dụng trong gói combo du lịch được các doanh nghiệp lữ hành thuê bao nguyên chuyến bay để chủ động trong việc phục vụ khách. 

Năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia, nhiều công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về quê hương, nhiều doanh nghiệp muốn đưa lao động về nước để cách ly và tránh dịch. 

Chi phí trả cho những chuyến bay này rất đắt. Ngoài vé máy bay đắt gấp 3-5 lần so với bình thường, khách hàng còn trả thêm các chi phí cách ly 15 ngày, xe đưa đón từ sân bay tới khách sạn cách ly, tiền ăn uống 3 bữa/ngày, chi phí xét nghiệm… 

Tùy thời gian và địa điểm đón công dân, chi phí chuyến bay combo này dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/khách. 

Tất cả chi phí này thường mua qua đơn vị trung gian có liên kết bán vé chuyến bay combo. Dù chi phí đội lên rất cao nhưng không phải có tiền là mua được vé. 

Thời điểm cuối năm 2020 đầu 2021, giá vé máy bay đưa khách từ Canada và Mỹ về Việt Nam dao động 52 - 58 triệu đồng/vé, cao gấp đôi so với mức giá trước đây, khoảng 25 - 30 triệu đồng/vé. Hay giá vé máy bay Matxcơva - Hà Nội dao động cho hai chiều 600 - 1.200 USD tùy thời điểm, nhưng khách phải mua vé máy bay với giá lên tới 1.300 USD/chiều...

Tính tới thời điểm hiện tại, 54 bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và các tỉnh, thành đã bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố.

Không thống nhất giá khách sạn cách ly, hành khách từ Hàn Quốc về bức xúcKhông thống nhất giá khách sạn cách ly, hành khách từ Hàn Quốc về bức xúc

TTO - Do không thống nhất mức giá cách ly ở khách sạn, hàng trăm hành khách từ Hàn Quốc khi về đến Việt Nam bức xúc nhận được thông báo thay đổi chi phí cách ly ở khách sạn từ 1,3 triệu đồng/ngày đến 5 triệu đồng/ngày.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên