Hội thảo Điện ảnh Nhật Bản - Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác sản xuất với Việt Nam diễn ra vào sáng 12-5. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) 2023.
Chương trình có sự tham dự của: phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn; bà Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng; ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hội An - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, ông Yakabe Yoshinori - tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng...
Điện ảnh Nhật Bản mạnh nhưng còn xa cách với Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng, ông Yakabe Yoshinori cho biết từ những năm 1990 trở đi, cả thế giới chứng kiến sự phát triển của nền điện ảnh Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là điện ảnh Nhật Bản bị suy giảm về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, mảng phim hoạt hình Nhật Bản vẫn luôn có một vai trò quan trọng trong nền điện ảnh nước nhà và thế giới.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết các tác phẩm điện ảnh Nhật Bản đã giúp khán giả trên toàn thế giới có được những bức tranh đẹp về văn hóa Nhật Bản.
Đặc biệt, các tác phẩm điện ảnh này luôn mang đậm những giá trị tốt đẹp, giúp khán giả cảm nhận được sâu sắc các giá trị nhân văn.
Nhìn về sự tương tác giữa điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam, ông Philip Cheah - nhà phê bình điện ảnh Singapore, nguyên giám đốc Liên hoan phim Singapore - cho rằng chưa thực sự như kỳ vọng. Nguyên nhân đến từ sự hạn chế về kinh phí và sự xa cách về vị trí địa lý. Ông Philip bày tỏ mong muốn hai nước sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với nhau hơn.
Thành lập cộng đồng điện ảnh châu Á
Nhà sản xuất Nhật Bản Hiroyoki Akune (phim The Naked Director) chia sẻ trong suốt 30 năm hoạt động, ông từng nhiều lần tham gia quay phim ở nước ngoài. Chính những lần hợp tác này giúp ông có cơ hội mời gọi các nhà làm phim nước ngoài đến làm phim tại Nhật Bản.
"Vì vậy, tôi luôn mong muốn được thực hiện các dự án hợp tác điện ảnh để giúp khán giả trên toàn thế giới đều có thể thưởng thức được các tác phẩm điện ảnh chung với nhau", ông Hiroyoki nói.
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi về bất đồng văn hóa khi tham gia trong các dự án hợp tác chung giữa các quốc gia. Nhà sản xuất Hiroyoki Akune cho biết ông từng đồng sản xuất một số dự án hợp tác quốc tế nên biết được nhiều vấn đề của văn hóa châu Á, điển hình là sự đa dạng về tôn giáo.
"Cũng vì vậy, tôi mong muốn đề xuất mở rộng cộng đồng chung của các nhà làm phim, để cộng đồng điện ảnh châu Á lớn mạnh hơn nữa.
Từ đó có thêm nhiều đại diện từ các quốc gia cùng tham gia, cùng mở rộng giao thoa văn hóa với nhau", ông Hiroyuki nói.
Theo đó, thông qua một trang web, các nhà làm phim có thể cùng nhau thảo luận về chính tác phẩm của mình, hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác để cùng nhau tạo ra một dự án quốc tế chung.
Ngoài ra, nữ diễn viên Akari Nakatani, từng tham gia phim điện ảnh Em và Trịnh do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sản xuất, chia sẻ:
“Trong quá trình làm việc cùng nhau, những khó khăn đến từ sự bất đồng về văn hóa là điều chắc chắn không thể tránh khỏi, nhưng càng lâu dần chúng ta sẽ lại càng có thể hiểu nhau rõ hơn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận