14/06/2024 20:31 GMT+7

Lý do chứng khoán Việt rớt mạnh nhất khu vực

Sau đúng 2 ngày trụ ở mốc 1.300 điểm (vùng cao nhất 2 năm của chứng khoán Việt), VN-Index đánh rơi gần 22 điểm trong cuối phiên ngày 14-6.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa giảm điểm mạnh bất ngờ về cuối phiên - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa giảm điểm mạnh bất ngờ về cuối phiên - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thị trường chứng khoán đã giằng co trên ngưỡng 1.300 cả ngày 14-6, trước khi giảm mạnh vào cuối phiên và đóng cửa tại mốc 1.279,91 điểm, giảm gần 22 điểm so với hôm qua.

Yếu tố nào đè nặng thị trường chứng khoán Việt?

Độ rộng thị trường phiên hôm nay nghiêng về phía tiêu cực khi 15/18 ngành giảm điểm, có tổng cộng 591 cổ phiếu chìm sắc đỏ. Về nhóm ngành, hóa chất dẫn đầu đà giảm, theo sau là ngành truyền thông, dầu khí, dịch vụ tài chính...

Các thị trường khác trong khu vực có diễn biến không đồng nhất: chỉ số NIKKEI 225 của Nhật Bản (+0,24%), SHMCP của Trung Quốc (+0,12%), TWSE của Đài Loan (+0,86%), HSI của thị trường Hong Kong (-0,71%), KLSE của Malaysia (-0,25%)…

Riêng Việt Nam, biến động của VN-Index đã vượt khỏi mặt bằng chung khu vực với mức -1,66%. Sau cú điều chỉnh mạnh bất thường về cuối phiên, chỉ số đại diện chứng khoán Việt Nam cũng nhanh chóng mất mốc 1.300 - vùng đỉnh mà phải sau 2 năm mới thiết lập được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hoàng Sơn - giám đốc chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS - cho biết thị trường xuất hiện áp lực bán dồn dập cuối phiên, nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ.

Theo ông Sơn, nhiều yếu tố lớn tác động lên thị trường ngày 14-6. Thứ nhất, VN-Index vừa vượt mốc 1.300 điểm. Đây là ngưỡng cản rất mạnh, cả về tâm lý lẫn kỹ thuật, áp lực bán chốt lời lớn.

Thứ hai, khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên hôm nay. Dù khối lượng không quá lớn nhưng động thái rút ròng quyết liệt khối này vẫn gây áp lực lên thị trường chung.

Ông Sơn quan sát, động thái bán ròng khối ngoại tác động đến nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi nhóm nhà đầu tư trong nước chốt lời mạnh nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sau khi nhóm này tăng "nóng" một thời gian.

Và thứ ba theo ông Sơn, xuất hiện thông tin truyền miệng về động thái hạ bớt tỉ trọng margin "kho ngoài" ở một số công ty chứng khoán.

Về chiến lược đầu tư, ông Sơn khuyến nghị nhà đầu tư nên cân bằng giữa trạng thái tiền và cổ phiếu. Với nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, tỉ trọng tiền và cổ phiếu có thể 50 - 50%.

Với tỉ trọng trên, khi thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội cơ cấu danh mục, tìm điểm mua ở nhóm cổ phiếu có khả năng dẫn sóng tiếp như ngân hàng - chứng khoán - thép. Còn với nhà đầu tư trung hạn, có thể tái cấu trúc danh mục hợp lý với tâm điểm là kết quả kinh doanh quý 2.

VN-Index sẽ tích lũy trở lại nền 1.250 - 1.285

Nhiều chuyên gia khác cùng nhận định phiên giảm hôm nay có phần bất ngờ, bởi thị trường đang trong giai đoạn trống thông tin. Không có nhiều thông tin tiêu cực để gây áp lực lớn lên thị trường.

Về kỹ thuật, chuyên gia Chứng khoán BOS cho rằng VN-Index giảm về chạm đường MA5 (giá trị đóng cửa trung bình 5 phiên gần nhất) với áp lực bán áp đảo về cuối phiên.

Một số tín hiệu tiêu cực trong ngắn hạn về khả năng điều chỉnh còn tiếp diễn, theo chuyên gia BOS. Dòng tiền yếu khiến chỉ số chưa thể vượt qua vùng 1.300 điểm.

Trong các phiên tiếp theo, VN-Index được dự báo sẽ tích lũy trở lại nền 1.250 - 1.285. Các pha hồi kỹ thuật có thể sẽ sớm xuất hiện.

Theo đó, nhà đầu tư nên nắm giữ vị thế ngắn hạn có thể giảm tỉ trọng cổ phiếu trong nhịp hồi. Với nhà đầu tư dài hạn, danh mục cổ phiếu được khuyến nghị tiếp tục duy trì và không sử dụng margin.

Doanh thu vài tỉ đồng nhưng một cổ phiếu tăng giá 100%, top Doanh thu vài tỉ đồng nhưng một cổ phiếu tăng giá 100%, top 'siêu đắt' sàn chứng khoán

Dòng tiền chảy vào thị trường UPCoM tốt hơn thời gian qua, đẩy giá nhiều cổ phiếu tăng tốt. Có cổ phiếu thuộc “top” đắt đỏ trên sàn chứng khoán và đã tăng giá cả 100% kể từ đầu năm đến nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên