Doanh thu thuần vài tỉ đồng, nhưng VEF lãi rất khủng?
Kết ngày 4-6, cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) quay đầu giảm sau nhiều phiên tăng tốt, thị giá về mức 224.000 đồng/CP.
Thống kê từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VEF tăng hơn 100%, đi từ vùng giá 111.000 đồng lên 229.900 đồng trước khi điều chỉnh về mức hôm nay.
3 sàn có hàng nghìn cổ phiếu, nhưng số mã thị giá "3 số" hiện trên bảng điện tử chiếm khá thưa thớt. Thị giá nêu trên được tính cuối phiên ngày 4-6.
Thị giá cao, tính đến ngày 4-6, giá trị vốn hóa VEF đạt hơn 37.318 tỉ đồng (1,46 tỉ USD), tăng gấp đôi so với đầu năm.
Tại báo cáo thường niên năm 2023, VEF cho biết có hai dự án đang triển khai ở Đông Anh có tổng diện tích hơn 300ha, cách trung tâm Hà Nội 15km, gồm: dự án trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và dự án khu đô thị mới Đông Anh. Ngoài ra, VEF còn có dự án tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp tại 148 Giảng Võ, Hà Nội...
Về tình hình kinh doanh, VEF có doanh thu thuần từ cung cấp dịch vụ chỉ vài tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế hàng trăm tỉ đồng nhờ doanh thu tài chính cao.
Như tại báo cáo tài chính năm 2023, doanh thu thuần cả năm VEF đạt 8,99 tỉ đồng, gấp hơn 9 lần so với năm trước.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu từ lãi tiền gửi, tiền cho vay) lại đạt 564 tỉ đồng, năm ngoái cũng ghi nhận 512 tỉ đồng.
Nhờ vậy, dù lỗ gộp về cung cấp dịch vụ, nhưng VEF vẫn báo lãi sau thuế hơn 434 tỉ đồng, tăng gần 36%. Sang đến quý 1-2024, doanh thu thuần từ cung cấp dịch vụ của VEF hơn 268 triệu đồng, giảm 88% cùng kỳ, doanh thu tài chính đạt gần 125 tỉ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 91,6 tỉ đồng, giảm hơn 10%.
Với mức vốn hóa nêu trên, VEF nằm trong câu lạc bộ các doanh nghiệp vốn hóa tỉ USD trên sàn UpCOM, sau những "ông lớn" nổi tiếng "bề thế" như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (252.500 tỉ đồng) hay Viettel Global - VGI (278.800 tỉ đồng)…
Cũng cần nói thêm, ACV hay VGI đều có tốc độ tăng giá tốt trên sàn UPCoM từ đầu năm đến nay. Như ACV, thị giá tăng hơn 80%, còn VGI tăng tới hơn 250%.
Những 'ngôi sao' tăng giá tới 100% trong 1 tháng trên UPCoM, HNX
Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, sàn UPCoM diễn biến sôi động về thanh khoản trong tháng 5 vừa qua. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 1.327 tỉ đồng/phiên, tăng 93,43% so với tháng 4 liền trước.
Về biến động giá cổ phiếu, tăng giá mạnh nhất tháng 5 theo xếp hạng của HNX là mã chứng khoán ALV của CTCP xây dựng ALVICO với giá đóng cửa cuối kỳ đạt 10.900 đồng, tăng 122,45% so với cuối tháng trước.
Tiếp theo là VLP của CTCP Công trình công cộng Vĩnh Long với giá đóng cửa đạt 200 đồng, tăng 100%. Trong nhóm tăng giá mạnh nhất còn có cổ phiếu BSD của Công ty CP Bia, rượu Sài Gòn, SAC của Công ty CP Xếp dỡ và dịch vụ Sài Gòn, AAH của CTCP Hợp Nhất.
Còn trên sàn HNX, giá cổ phiếu trong tháng 5 tăng nhưng giảm nhẹ về thanh khoản so với tháng trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt 1.976 tỉ đồng/phiên, giảm 4,6%.
Về giá giao dịch, tăng giá mạnh nhất là mã chứng khoán API của CTCP đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương với giá đóng cửa tháng 5 tăng 168,29% (tương đương 6.900 đồng/CP), đạt 11.000 đồng/CP so với cuối tháng trước.
Đứng thứ 2 là cổ phiếu HMR của Công ty CP đá Hoàng Mai với mức tăng 108,28% (tương ứng 18.300 đồng/CP), đạt 9.300 đồng/CP.
Tiếp sau đó là cổ phiếu IDJ của CTCP đầu tư IDJ Việt Nam có mức tăng 73,91% (tương ứng 3.400 đồng/CP) đạt 8.000 đồng/CP.
Tiếp đến là cổ phiếu APS của CTCP chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng 66,04% (tương ứng 3.500 đồng/CP) đạt 8.800 đồng/CP. Như vậy, cả 3 cổ phiếu "họ" APEC đều trở thành "ngôi sao" tăng giá tháng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận