Không phủ nhận còn nhiều yếu tố khác tác động song những nội dung như thế dễ đánh vào tâm lý phụ nữ khiến nhiều bạn ngày càng e dè hơn.
Yêu thì được, cưới còn suy nghĩ
27 tuổi, đi xuất khẩu lao động Nhật về, chị T.Linh (30 tuổi, ở TP.HCM) làm nhân viên logistic. Chị kể cũng có tìm hiểu vài bạn nam nhưng chẳng đi đến đâu. Mấy người ngỏ lời quen đều nói trước muốn nhanh chóng tiến tới hôn nhân. Nhưng với chị, tình yêu chỉ đẹp khi không bước vào hôn nhân.
Đây là "kinh nghiệm" chị rút ra từ những châm ngôn sống của các "đại tỉ" Trung Quốc mà chị vẫn xem được mỗi ngày trên mạng. Vì vậy, thay vì mất thời gian tìm hiểu để chọn một người tốt làm chồng, chị Linh nói mình chọn công việc, học thêm tiếng Nhật, chứng chỉ bổ trợ cho việc thăng tiến.
Đang yêu nhưng Thẩm Thương (24 tuổi, ở Quảng Ngãi) thừa nhận các bài viết về tình yêu, hôn nhân trên mạng ảnh hưởng sâu sắc đến mình. Cô và bạn trai yêu nhau khá lâu, cũng tin tình yêu đẹp sẽ đi đến hôn nhân hoàn mỹ.
Nhưng mỗi ngày xem các video tiêu cực về hôn nhân khiến cô lăn tăn: "Liệu mình có đủ may mắn để đi đến cuộc hôn nhân viên mãn hay lại như các trường hợp thấy trên mạng nên tốt nhất chắc là không lấy chồng".
Tương tự, Thanh Trúc (28 tuổi, nhân viên bán thuốc tại Bình Dương) kể người yêu rất tốt, chu đáo, tài chính ổn định nhưng chị ngại kết hôn vì chưa đủ niềm tin trong hôn nhân.
"Cứ sống một mình, yêu sẽ kiếm người bầu bạn, còn cưới thì không. Tôi sợ cảm giác phải phục tùng một người đàn ông, rồi hy sinh sự nghiệp, nhan sắc để sinh con mà có khi nhận lại sự coi thường, ghẻ lạnh của chồng" - chị Trúc nói.
Thực trạng đáng lo khi giới trẻ ngại kết hôn
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Thị Duy Duyên, nếu một người bị chi phối bởi quá nhiều hình ảnh tiêu cực về hôn nhân mà họ đọc, xem thấy trên mạng mỗi ngày sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhận thức, suy nghĩ của họ. Trong khi chỉ cần để ý một chút sẽ thấy xung quanh còn nhiều tin tức tích cực, nhưng thường điều tiêu cực dễ gây chú ý và tạo dư luận hơn nên tác động đến tâm lý người tiếp nhận.
Với người trẻ, họ biết về hôn nhân thường qua quan sát, tìm hiểu trên nhiều phương tiện truyền thông hoặc chính cuộc hôn nhân của cha mẹ mình. "Nếu trước mắt đều là thông tin, hình ảnh tiêu cực về hôn nhân, thật khó giúp họ hình dung cuộc sống hôn nhân tích cực, lành mạnh ra sao. Dần dà sẽ hình thành suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân trong mỗi người" - bà Duyên phân tích.
Một chuyên viên tâm lý khác cho biết khi làm việc với nhiều bạn trẻ đã nhận ra những bạn quan tâm đến thông tin tiêu cực, gia nhập các hội nhóm kín chia sẻ góc khuất càng đối mặt với lo âu hoặc có niềm tin sai lệch nhiều hơn.
Mạng xã hội vốn có thuật toán ưu tiên nội dung người dùng tìm kiếm nên thanh lọc nội dung tiếp cận trên nền tảng số cần là một trong những bước đầu tiên phải làm để tái lập cuộc sống cân bằng.
Mạng xã hội hay truyền thông có khả năng ảnh hưởng, thậm chí điều hướng nhận thức người thụ hưởng. Tích cực thì những câu chuyện này cung cấp cho người trẻ cái nhìn thực tế về cuộc sống hôn nhân, rằng kết hôn không phải chuyện đùa giỡn mà cần sự chuẩn bị nghiêm túc.
"Tuy nhiên nhiều người dễ khuếch đại những vấn đề tiêu cực, biến nó thành lời hù dọa dễ khiến các bạn trẻ mất niềm tin vào tình yêu, hôn nhân thì đây lại là điều đáng lo" - vị này nêu ý kiến.
Hưởng thụ cuộc sống tự do, tự lo
Hỏi sao có vẻ nhìn viễn cảnh hôn nhân tệ thế, chị Thanh Trúc nói từng biết nhiều vụ ly hôn xung quanh, xem nhiều phim và cả confession tâm sự của những người đổ vỡ hôn nhân nên không kỳ vọng gì chuyện lấy chồng sinh con. Chưa kể chị còn coi KOL, diễn viên, người có ảnh hưởng sống với phương châm "phụ nữ hiện đại không cần đàn ông" như là hình mẫu lý tưởng.
"Để dành tiền đi du lịch, chăm sóc bố mẹ, hưởng thụ cuộc sống tự do, tự lo. Cũng không cần căn nhà quá lớn hay mục tiêu quá xa vời, chỉ cần cuộc sống yên bình, tận hưởng thành quả của mình làm ra" - chị Trúc tự hoạch định cho mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận