Người trẻ lười kết hôn hay nhiều cặp vợ chồng trẻ ngại sinh là vấn đề được bàn luận rất nhiều trong thời gian qua.
Là người đã lập gia đình và có con, tôi thấy cần có khảo sát và có những biện pháp căn cơ hơn.
Nuôi con, dạy con áp lực không kém
Hiện tại vẫn chưa có khảo sát thực tế về lý do vì sao người trẻ ngại kết hôn, lười sinh con. Nói cách khác, những người trong cuộc như chúng tôi chưa có dịp nói lên đúng thực tế cuộc sống của mình.
Tôi rất đồng ý với ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến trả lời trên Tuổi Trẻ Online: "Xu hướng này cần được nghiêm túc nhìn nhận, theo dõi, khảo sát để đưa ra những dự báo cụ thể".
Nếu được điền vào một phiếu khảo sát, tôi sẽ điền các lý do rất cụ thể sau:
Thứ nhất, "lười kết hôn, ngại sinh con" không có nghĩa là không muốn kết hôn, không muốn sinh con. Ngược lại, tôi thấy nhiều người trẻ rất muốn lập gia đình, sinh con đẻ cái nhưng vướng phải các áp lực (công việc, tài chính, nhà cửa…).
Chúng ta cần có cách gỡ, đồng hành thay vì kêu gọi suông kiểu: nên kết hôn trước tuổi 30, nên sinh đủ 2 con trước tuổi 35…
Thứ hai, chúng ta đang đề cập quá nhiều đến hai từ khóa "kết hôn", "sinh con" mà quên mất hai từ khóa quan trọng đi liền sau đó là "nuôi con", "dạy con". Rõ ràng, đây là việc quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến những ai lập gia đình.
Bản thân tôi thấy việc kết hôn, sinh con không hẳn là vấn đề quá lớn, mà chuyện nuôi con, dạy con mới là vấn đề cần bàn. Làm sao để hỗ trợ những người trẻ đã hoặc có ý định lập gia đình hiểu rằng: nuôi dạy con là niềm vui chứ không phải áp lực, hoang mang.
Thứ ba, đừng tạo thêm áp lực chuyện kết hôn, sinh con vì càng áp lực thì càng khiến người trong cuộc thêm phần e ngại. Nhiều người ngoài cuộc nêu ra đủ lý do chuyện người trẻ ngại lập gia đình, ngại sinh con khiến người trong cuộc rất áp lực, không dám nghĩ đến chuyện kết hôn, sinh con đẻ cái nữa.
Thưởng tiền và gì nữa?
Những năm qua có nhiều tỉnh thành đã áp dụng cách thưởng tiền hay hiện vật cho các cặp vợ chồng dưới 35 tuổi sinh đủ hai con. Mặc dù số tiền thưởng không là bao so với chi phí nuôi dưỡng trẻ sau sinh nhưng cũng là cách để động viên các gia đình trẻ cảm thấy được quan tâm.
Nhưng điều mà những gia đình trẻ cần chính là tạo điều kiện để họ cảm thấy sẵn sàng kết hôn, sinh con đẻ cái.
Như việc quan tâm hơn đến chế độ thai sản, đặc biệt là vai trò người phụ nữ trước và sau khi sinh, để họ luôn trong trạng thái sẵn sàng, vui vẻ đón nhận niềm vui mang tên con cái.
Phụ nữ trước và sau khi có con phải chịu rất nhiều áp lực. Như ở quê tôi, có doanh nghiệp tìm đủ cách để làm khó khi nhân viên nữ nghỉ sinh 6 tháng, buộc họ phải đi làm sớm hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ lẫn bé.
Tôi còn nhớ thời điểm gia đình tôi đón con đầu lòng ở Sài Gòn, công ty của vợ tôi có một hành động rất thiết thực: ngăn phòng riêng, mua tủ lạnh để những phụ nữ sau sinh có nơi vắt và bảo quản sữa mẹ.
Hay chuyện tiêm chủng cũng rất đáng bàn. Từ giai đoạn sơ sinh cho đến khi trẻ đi học mẫu giáo nếu tiêm chủng đầy đủ thì các gia đình phải chi số tiền khá lớn vì nhiều mũi vắc xin chưa được miễn phí, phải tiêm dịch vụ.
Rồi chuyện miễn giảm học phí (hiện đã có chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi từ ngày 1-9 tới), tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, tăng thời gian nghỉ của người cha để chăm sóc mẹ và bé ở giai đoạn mới sinh. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ về thuê nhà, thuê mua nhà ở xã hội...
Có như vậy người trẻ mới cảm thấy bớt áp lực và chuyện lười kết hôn, ngại sinh con không còn là câu chuyện đau đầu như ở nhiều nước hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận