25/05/2024 17:18 GMT+7

Người trẻ lười kết hôn: Truyền thống 'trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng' có thể bị đảo lộn?

Hiện nay có một bộ phận người trẻ lười kết hôn và chọn nuôi thú cưng làm niềm vui. Nhận xét này thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Tuổi Trẻ Online trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến về chuyện này.

Hiện nay có một bộ phận người trẻ không có nhu cầu kết hôn và chọn nuôi thú cưng làm niềm vui - Ảnh: AI minh họa theo nội dung bài viết

Hiện nay có một bộ phận người trẻ không có nhu cầu kết hôn và chọn nuôi thú cưng làm niềm vui - Ảnh: AI minh họa theo nội dung bài viết

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội mới đây, đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM) đã chia sẻ hiện nay có một bộ phận người trẻ lười kết hôn. Thay vào đó, nhiều người chọn nuôi thú cưng làm niềm vui.

Bà Trần Kim Yến phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: Quốc hội

Bà Trần Kim Yến phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: Quốc hội

Bà Yến phát biểu sau khi đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) nêu thực trạng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh, trong khi tỉ suất sinh của Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm.

Tuổi Trẻ Online trao đổi thêm với bà Yến về vấn đề này.

* Bà nói giới trẻ đang có xu hướng lười kết hôn, lười sinh và một bộ phận chọn thú cưng làm niềm vui?

Xu hướng này cần được nghiêm túc nhìn nhận, theo dõi, khảo sát để đưa ra những dự báo cụ thể. Chúng ta cần những khảo sát xã hội học để có thể có những con số cụ thể, so sánh từng giai đoạn, thời kỳ.

Tuy nhiên, qua những trao đổi với chuyên gia, người trẻ cho thấy đang có xu hướng người trẻ lười kết hôn. Và rõ ràng cần những báo động nghiêm túc để phân tích nó.

* Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến xu hướng này?

Có nhiều nguyên nhân. Một phần trong thời đại hiện nay, khi văn hóa, nhận thức, tư duy của người trẻ ngày càng tiếp nhận những trào lưu, lối sống tự do từ bên ngoài.

Một bộ phận người trẻ có thể cảm thấy họ không cần phải dựa dẫm, phụ thuộc vào một người bạn đời để tìm kiếm những giá trị hạnh phúc, niềm vui.

Họ có thể sống thoải mái trong một căn hộ với thú cưng, không nhất thiết phải lập gia đình hay sinh con. Cũng bởi vậy việc không muốn sinh con dần trở thành xu thế, kể cả người trẻ có mức sống khá giả. Sự gắn kết gia đình hiện nay đang có dấu hiệu sụt giảm.

Mặt khác, khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, áp lực cạnh tranh cả trong đời sống sinh hoạt, công việc ngày càng lớn. Những sức ép từ mưu sinh, tìm kiếm vị thế trong công việc cũng dẫn đến những hoang mang, nỗi sợ của người trẻ. Truyền thống "trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng" có thể bị đảo lộn.

* Và cả nỗi sợ thu nhập, chi phí trang trải cho cuộc sống hôn nhân, con cái như bà nói?

Đúng vậy. Thu nhập bình quân của người lao động hiện nay chỉ ở mức 7 tới 10 triệu đồng, trong khi chi phí để nuôi một đứa trẻ lại chiếm tỉ lệ rất cao. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý không muốn sinh con của giới trẻ hiện nay.

Nên vận động người trẻ kết hôn trước 30 tuổi

Cho rằng câu chuyện người trẻ lười kết hôn, nuôi thú cưng làm niềm vui, tuy chỉ là một bộ phận, nhưng đó là thực tế và có tính nhân văn và cần được phân tích thấu đáo, nhiều bạn đọc đề nghị các nhà xã hội học phải đặc biệt quan tâm, tìm giải pháp phù hợp.

Về ý này, bạn đọc Khoa Nguyen CT đề nghị: "Cần thay đổi ngay để phát triển xã hội. Hoàn toàn đồng ý và cảm ơn các đại biểu".

Còn theo bạn đọc Công Tâm thì đây là một bài toán khó và là một thực trạng đau lòng đang diễn ra bởi vì: "Nhà có điều kiện thì không chịu sinh con, còn nhà nghèo khổ, vùng sâu, vùng xa thì sinh đẻ thoải mái. Do đó, nghèo cứ hoàn nghèo".

Về giải pháp, bạn đọc tài khoản Munn Nguyen góp ý: "Giờ người trẻ không muốn sinh hoặc chỉ sinh 1 con. Do đó, Nhà nước nên vận động kết hôn trước 30 tuổi, và khuyến khích các cặp gia đình sinh con thứ 2, thứ 3, thậm chí sinh con thứ 3. Nếu không Việt Nam đang già hóa dân số".

Bạn đọc tài khoản than****@... đồng tình: "Giờ khuyến khích sinh con thứ 3 chưa chắc có nhiều người chịu sinh. Do đó, theo tôi nên bỏ quy định cấm đảng viên sinh con thứ 3 vì không còn phù hợp nữa".

Góp thêm góc nhìn, bạn đọc Trần Văn Hùng phân tích: "Khuyến khích sinh con thứ 3 cũng tốt. Nhưng, sinh thì dễ, để nuôi mới là bài toán".

Bạn đọc Trần Văn Hùng cho rằng: "Nếu mức thu nhập người lao động 8 triệu đến 10 triệu/tháng, liệu gia đình có dám sinh thêm con thứ 3 hay không, đó mới là vấn đề cần bàn. Sinh mà không lo được thì không sinh con thứ 3 còn hơn. Muốn sinh được con thứ 3, kinh tế của họ phải lo được cho cả 3, chưa tính 2 vợ chồng. Nói thì dễ, để được trọn vẹn sinh 3 rất nhiêu khê".

M.TR (tổng hợp)

"Người trẻ lười kết hôn, thay vào đó họ chọn nuôi thú cưng làm niềm vui", theo bạn, đó là xu hướng hay chỉ một vài trường hợp cá biệt? Cần làm gì để thoát khỏi tình trạng Việt Nam đang trong thời điểm già hóa dân số rất nhanh như hiện nay?

Mọi đóng góp hiến kế, xin gởi đến phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email bandoc@tuoitre.com.vn. Trân trọng cảm ơn.

Dân số Việt Dân số Việt 'già trước khi giàu'?

Dân số Việt Nam đang đối diện với thách thức "kép": là nước nằm trong nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh, già hóa kéo theo tuổi thọ trung bình tăng cao nhưng số năm sống khỏe lại giảm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên