Tài chính quan trọng vì sau kết hôn là con cái
"Theo tôi thì cần phải vững tài chính rồi mới kết hôn. Chuyện kết hôn không đơn thuần là việc hai người dọn về ở chung một nhà, mà còn là xây dựng tổ ấm, tính toán đến chuyện có con và nhiều thứ khác.
Với giá cả ngày càng tăng như hiện nay, nhất là ở thành phố, muôn vàn thứ phải lo và tính toán. Nếu không có tài chính vững chắc, cuộc hôn nhân đó có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên khía cạnh tiền bạc, từ đó phát sinh mâu thuẫn, sứt mẻ tình cảm", anh Nguyễn Thanh Toàn (29 tuổi) chia sẻ.
Cùng quan điểm, chị Trần Bảo Ngọc (26 tuổi) cho rằng nếu như việc ổn định tài chính là điều ai cũng cần phải tạo dựng thì tại sao không cố gắng có một nền tảng tài chính tốt để đỡ áp lực khi bước vào hôn nhân, mà phải đợi kết hôn rồi cả hai mới cố gắng kiếm tiền?
"Tôi thuộc kiểu người có lối sống an toàn, muốn cuộc hôn nhân của mình sẽ không phải trục trặc, nặng nề vì tiền bạc.
Kết hôn rồi sinh con, tài chính là vô cùng quan trọng. Ai cũng muốn con cái mình có cuộc sống tốt, chứ không phải chạy đôn đáo vay mượn để mua sữa, tã, đóng tiền học… mạo hiểm tương lai của con. Tôi và người yêu đều đồng ý quan điểm khi nào tài chính vững thì mới kết hôn.
Trong thời gian yêu nhau, chúng tôi sẽ cố gắng làm việc và tích lũy vì mục tiêu chung là để sau khi kết hôn sẽ hạnh phúc, chứ không phải cãi nhau vì tháng này ai đóng tiền nhà trọ, ăn gì cho rẻ, hay muốn đi đâu đó cũng chẳng dám", Ngọc chia sẻ.
Có bao nhiêu tiền được coi là vững?
Đồng quan điểm về việc tài chính cần vững thì mới kết hôn nhưng các bạn trẻ cho rằng mỗi người có thước đo khác nhau và tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi người.
Hạ Tú (28 tuổi, ngụ Tân Bình) vừa mới kết hôn cho biết vợ chồng cô quyết định cưới khi bản thân đã có một khoản tiền ít nhất đủ để lo chi phí đám cưới, từ váy áo, chụp ảnh cưới, nhẫn cưới, sửa sang phòng, mua sắm đồ đạc…
Hai vợ chồng cô ở với gia đình chồng, không phải lo chỗ ở nên "tài chính vững" với Tú là hiện tại cả hai đều có công việc với thu nhập ổn định, có một khoản dành dụm nho nhỏ từ khoản mừng cưới của gia đình hai bên.
Với câu hỏi bao nhiêu được cho là đủ vững, Bảo Ngọc cũng cho rằng điều này tùy thuộc vào nhu cầu và tính toán của mỗi người hoặc của cặp đôi yêu nhau, chứ không có công thức chung nào.
"Tôi có hai người bạn thân, cả hai đã có người yêu, thậm chí có người đã yêu 9 năm, nhưng vẫn chưa vội kết hôn. Họ vẫn đang nỗ lực làm việc chăm chỉ mỗi ngày để tiến tới mục tiêu có một nơi an cư, có thể là căn hộ nhỏ trả góp, một cuốn sổ tiết kiệm đủ để chi tiêu trong vòng nửa năm nếu có thất nghiệp, đau ốm", Ngọc cho biết.
Nhìn chung, hầu hết bạn trẻ ngày nay đều mong muốn có thể chia sẻ nhiều hơn với bạn đời sau khi bước vào một cuộc hôn nhân.
"Cuộc sống ngày nay không chỉ dừng lại ở đủ ăn, đủ mặc. Tôi mong muốn cuộc sống vợ chồng vẫn có sự thoải mái, có thể du lịch cùng nhau, ăn uống hẹn hò... để gắn kết hôn nhân. Tài chính vững vàng là một trong những điều kiện để đạt được điều đó, và mỗi người sẽ có tính toán riêng. Khi tài chính vững, cuộc hôn nhân sẽ có ít áp lực hơn", Thanh Toàn cho biết.
Với Thu Quyên (27 tuổi), tài chính ổn định không có nghĩa là phải có tiền trăm, tiền tỉ, mà là phải có công việc với thu nhập hằng tháng ổn định và một khoản tiền tiết kiệm, và đặc biệt là kỹ năng, khả năng quản lý tài chính trước khi bước vào hôn nhân. Cô cho rằng ít nhất cả hai phải tự lo những chi phí tổ chức hôn lễ, không để ba mẹ bận lòng.
Đồng thời theo Quyên, có tiền thì mới mang lại cho gia đình sự thăng hoa, gắn kết trong tình cảm khi có điều kiện để cùng nhau du lịch, tập gym, yoga rèn luyện sức khỏe hoặc là học tập để tiếp tục nâng cao năng lực, chuyên môn, thăng hoa hơn trong sự nghiệp...
"Các bạn trẻ cần nhìn vào thực tế là khi đã là một gia đình thì sẽ có nhiều khoản cần chi tiêu: phụng dưỡng gia đình hai bên, tiền chợ búa, tiền nhà (nếu phải thuê nhà hay vay tiền mua nhà), hóa đơn điện, nước, WiFi hằng tháng, tiền sinh con, chăm sóc con, tiền học của con...
Sự thiếu hụt về kinh tế sẽ khiến cả hai mệt mỏi, lo toan hay thậm chí khiến con cái mình ít đi sự lựa chọn về môi trường học tập, vật dụng, quần áo... Tiền có thể không là tất cả nhưng nó cho ta nhiều sự lựa chọn hơn, trải nghiệm nhiều thứ hơn", Quyên chia sẻ.
Bạn chuẩn bị những gì trước khi quyết định kết hôn? Theo bạn, có nên kết hôn dù không có tích lũy? Mời bạn chia sẻ quan điểm về hòm thư tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận