25/07/2018 09:38 GMT+7

Lúc bế tắc nhất, điều kỳ diệu đã xuất hiện

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Nhận được những dòng tâm sự và tự nguyện đóng góp một phần nhỏ cho quỹ học bổng Tiếp sức đến trường (TSĐT) năm nay của 3 bạn nữ từng nhận học bổng, lòng tôi cảm xúc đến lạ.

Lúc bế tắc nhất, điều kỳ diệu đã xuất hiện - Ảnh 1.

CLB “Tiếp sức đến trường” Quảng Nam - Đà Nẵng trao cho báo Tuổi Trẻ 880 triệu đồng ủng hộ đợt 1 học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2018 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Còn nhớ năm 2005, cầm xấp thư xin học bổng TSĐT, tôi đến từng nhà tân sinh viên nghèo của đất cố đô xác minh. Có bạn ở sâu trong hẻm núi, vùng biển nghèo hay ven phá Tam Giang, có bạn ở trong những xóm nghèo bậc nhất của Huế. 

"Em không có bố", "Mẹ đi mãi mãi", "Em chỉ có bà ngoại", "Em ở với ông bà nội 80 tuổi"... Đọc những dòng chữ đã rưng rưng, nhưng khi tìm đến nơi, cảm xúc còn trào dâng hơn khi tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà không thể rách nát hơn. 

Nhiều bạn không có nhà, "ở đậu" nhà người thân, tá túc chùa làng, nhà chạy gạo từng bữa. Học được đã đành, không hiểu vì sao các bạn học giỏi, đậu đại học điểm cao, có bạn thủ khoa. Tôi thấy may mắn được gặp các bạn! Thật sự nể phục.

Tôi nhớ như in 3 gương mặt sáng, 3 hoàn cảnh của 3 cô gái của 13 năm trước. 

Đó là bạn Dương Hồng Phúc đang cùng mẹ chằm nón kiếm bữa qua ngày. 

Còn bạn Nguyễn Thị Tằm, bố mẹ ai đi đường nấy, bạn sống nhờ vào thu nhập rất ít của bà nội 78 tuổi mua bán lặt vặt ngoài chợ. 

Tôi cũng không cầm được lòng mình khi tìm đến "ngôi nhà" nằm trong xóm rất nghèo của bạn Lý Hải Đường ở Cồn Hến giữa sông Hương. "Không có bố", người mẹ gầy nhom, đau ốm làm thuê chạy gạo từng bữa để nuôi mẹ già đau ốm và con gái đến trường.

* Bạn DƯƠNG HỒNG PHÚC - Giảng viên Trường CĐ Du lịch Huế:

Lúc bế tắc nhất, điều kỳ diệu đã xuất hiện

13 năm trước, nhận được kết quả đậu vào Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, tôi nhìn sang mẹ. Mắt mẹ hạnh phúc, tự hào nhưng lo lắng. Tôi hiểu vì tôi là chị cả trong một gia đình chỉ có 4 mẹ con, kể từ khi cha bỏ đi, nếu không nhờ ông bà ngoại phần nào thì có khi tôi đã là một cô bé bán vé số. 

Chính trong lúc bế tắc nhất, điều kỳ diệu đã xuất hiện. 

Một buổi sáng, anh phóng viên báo Tuổi Trẻ đến gõ cửa nhà tôi. Tôi được chọn vào danh sách nhận học bổng TSĐT. 3 triệu đồng lúc ấy với gia đình tôi là cả một gia tài. 

Ra trường, tôi đã được Trung tâm Công nghệ thông tin Thừa Thiên - Huế nhận làm giảng viên tiếng Anh. Được 2 năm, muốn chuyển công tác để thử thách bản thân mình, tôi tiếp tục đậu trong đợt tuyển dụng giảng viên Trường CĐ Du lịch Huế. 

Trong quá trình giảng dạy ở trường, tôi đã xin được học bổng đi du học Anh và có gần một năm theo học chương trình sau ĐH, chuyên ngành quản lý du lịch có trách nhiệm tại Trường ĐH Leeds Beckett University. 

Tôi đang tiếp tục nộp hồ sơ để hoàn thành chương trình học thạc sĩ tại trường ĐH ở xứ sở sương mù này.

Giờ tôi đang tận hưởng một cuộc sống an yên và giản dị vô cùng bên gia đình và tiếp tục cống hiến những kiến thức, kỹ năng và quan trọng là ý chí vượt khó truyền lại cho thế hệ tiếp theo. 

Từ giờ, nếu như có ai đó hỏi tôi có hài lòng với cuộc sống hiện tại không? Tôi có giàu có không? Tôi sẽ nhìn vào mắt họ và trả lời ngay rằng, tôi hãnh diện vô cùng vì tôi rất giàu có, tôi giàu ước mơ, giàu ý chí, giàu bản lĩnh và giàu cả tình thương. 

Tôi đã làm được điều tôi không tin là mình làm được, tôi đã sống được cuộc đời mà tôi không tin mình có quyền được tận hưởng và quan trọng hơn, tôi đã vượt qua được tất cả những rào cản mà cuộc đời đã đặt ra cho tôi ngay từ khi lọt lòng mẹ. Và Tuổi Trẻ đã tạo cho tôi phép mầu đó.

* Bạn NGUYỄN THỊ TẰM - Nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Công nghệ Kochi - Nhật Bản:

Biết ơn cuộc đời

Cách đây 13 năm, TSĐT đã giúp mình vượt qua trở ngại lớn nhất là tài chính và cổ vũ tinh thần mình một cách mạnh mẽ, giúp mình vững tin, vượt qua những khó khăn và theo đuổi đến cùng con đường học vấn.

Mình thật sự biết ơn cuộc đời này, mình biết ơn báo Tuổi Trẻ, biết ơn những nhà hảo tâm đã đóng góp cho quỹ học bổng TSĐT, biết ơn các anh chị của báo đã vất vả ngược xuôi để hoàn thành sứ mệnh của tình thương. 

Và nhân đây, mình xin gửi gắm sự tri ân từ tận đáy lòng với thầy Lê Văn Lai và cô Nguyễn Thị Hoa, người đã giới thiệu mình với báo Tuổi Trẻ. Khi mình viết những dòng này, cô Hoa đã đi xa và mình mong sự tri ân và tưởng nhớ của mình là một điếu văn gửi cô thương yêu ngàn dặm. 

Cũng nhân đây, mình muốn nhắn nhủ các bạn tân sinh viên hai điều: thứ nhất, học vấn không phải là con đường duy nhất, nhưng là con đường tốt nhất để thay đổi cuộc đời; thứ hai, hãy biết ơn cuộc đời và trở thành "nhà hảo tâm" của cuộc đời này nếu có thể.

* Bạn LÝ HẢI ĐƯỜNG - Giáo viên môn sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế:

Tôi kể chuyện của mình với học trò

Lớn lên ở một vùng có lẽ là nghèo nhất thành phố, những bữa cơm không đủ no biến tôi thành một đứa suy dinh dưỡng nghiêm trọng. 

Nhưng may mắn hơn những đứa trẻ khác, dù ăn không đủ, mẹ tôi vẫn cố gắng tìm mọi cách để việc học của tôi được đảm bảo. Tôi ước mình đi theo nghề dạy học từ hồi còn học tiểu học.

Khi biết kết quả thi ĐH, tôi và mẹ lại trằn trọc suốt đêm, một phần vì vui mừng, phần lớn vì lo lắng cho nhiều điều. Lại như mọi năm, mẹ tôi lại chạy đôn chạy đáo tìm người giúp đỡ, mong cứu vãn con đường học hành của tôi. 

May mắn thay, mẹ tôi gặp cơ duyên, được nối kết chương trình học bổng TSĐT của báo Tuổi Trẻ. Hôm nay, đã gần 10 năm đứng trên bục giảng, có nhiều thành công trong công việc cũng như cuộc sống, tôi vẫn nhớ như in ngày đó, cảm giác khi được tiếp sức kịp thời thật hạnh phúc. 

Nó vẫn luôn theo tôi mỗi năm học, khi các em học sinh bước vào ngưỡng cửa ĐH, trong lòng tôi lại dâng lên những kỷ niệm của ngày xưa và khát khao được giúp đỡ các em vượt qua khó khăn để tiếp tục con đường học vấn. 

Thỉnh thoảng tôi kể lại cuộc đời mình cho các em nghe, tạo động lực cho các em học tập. Tôi cũng hướng dẫn các em khó khăn cách thức để nhận được học bổng TSĐT, giúp các em có thể vượt qua được hoàn cảnh của mình, thực hiện ước mơ, để gia đình TSĐT ngày càng lớn hơn, có nhiều thành viên thành công hơn nữa.

Cùng hỗ trợ học sinh quê nhà

Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng đã có buổi họp mặt để vận động kinh phí trao học bổng cho tân sinh viên tại quê nhà.

Tại buổi gặp gỡ này, các thành viên CLB đã ủng hộ đợt 1 với số tiền 880 triệu đồng (tương đương với 88 suất học bổng) để "tiếp sức" các tân sinh viên Quảng Nam, Đà Nẵng. Dự kiến, năm 2018 CLB sẽ vận động kinh phí để trao học bổng cho khoảng 100 đến 140 tân sinh viên.

Dịp này, CLB cũng công bố danh sách trao thưởng cho 10 sinh viên từng nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2017 đạt kết quả khá, giỏi, có tham gia nhiều hoạt động xã hội, đoàn thể... Mỗi phần thưởng là 10 triệu đồng do Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam - thành viên CLB, ủng hộ trong 5 năm với tổng kinh phí 500 triệu đồng.

CLB "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng là tập hợp những người con, những người bạn yêu mến quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng để cùng hỗ trợ những học sinh của quê nhà đủ điểm vào ĐH nhưng vì gia cảnh quá khó khăn nên có thể phải bỏ học.

CLB đã đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ giúp cho 1.440 tân sinh viên không phải dang dở cơ hội nghề nghiệp trong suốt 13 năm qua, với tổng kinh phí hơn 7 tỉ đồng.

TỐ OANH

Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Báo Tuổi Trẻ

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời, qua địa chỉ:

Email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn

Đồng thời, Tuổi Trẻ cũng mong muốn bạn đọc đồng hành,

hỗ trợ kinh phí cho học bổng "Tiếp sức đến trường" cho

tân sinh viên, gửi về:

Phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ.

Chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

* Số tài khoản: 113000006100

* Tại: Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM

* Ghi rõ nội dung: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên

Điện thoại: 0283.997.38.38 và 0918.033.133.

Ngoài đóng góp về kinh phí, bạn đọc có thể hỗ trợ việc làm, chỗ ở, dụng cụ học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trên con đường học và đón lấy những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Dù khó vẫn Dù khó vẫn 'Tiếp sức đến trường'!

TTO - Năm nào cũng thế, sau mùa thi thì điện thoại, email của những người làm báo Tuổi Trẻ lại nhận được những tin nhắn hỏi han: "Năm nay Tuổi Trẻ có trao học bổng Tiếp sức đến trường không?".

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên