Trong suốt thời gian xét xử kéo dài dự kiến 3 tháng, tòa sẽ xét hỏi, thẩm vấn đối với từng nhóm tội danh.
2 đời cục trưởng nhận hối lộ
Theo hồ sơ, trong thời gian giữ chức vụ cục trưởng Cục Đăng kiểm, ông Trần Kỳ Hình và ông Đặng Việt Hà là những người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của Cục Đăng kiểm.
Tuy nhiên ông Hình, ông Hà cùng với phó cục trưởng Nguyễn Vũ Hải đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương làm trái quy định của pháp luật để nhận hối lộ và đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn.
Riêng ông Hình nhận tiền hối lộ hơn 7 tỉ đồng để bỏ qua các sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm, các trung tâm, chi cục đăng kiểm.
Ông này còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật.
Sau khi ông Hình nghỉ hưu, ông Hà được bổ nhiệm làm cục trưởng vào tháng 8-2021. Cũng lại đi theo "con đường cũ" của người tiền nhiệm, ông Hà tiếp tục chỉ đạo cấp dưới phải nâng mức hưởng lợi cho mình đối với số tiền tiêu cực, hối lộ phải là cao nhất. Tổng số tiền ông này nhận hối lộ là 40,3 tỉ đồng, trong đó hưởng lợi 8,5 tỉ đồng.
"Luật ngầm" ở Cục Đăng kiểm
Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam có chức năng tham mưu giúp cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước.
VAR có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.
Thế nhưng trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo, các lãnh đạo, đăng kiểm viên VAR đã bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ.
Từ tháng 3-2019, ông Trần Anh Quân được bổ nhiệm quyền trưởng phòng VAR và thống nhất sẽ được chia tiền 700.000 đồng/hồ sơ. Phần này ngoài việc hưởng cá nhân, ông Quân chi cho ngoại giao tiếp khách và chia cho ông Trần Kỳ Hình và ông Đặng Việt Hà (lúc này đang là phó cục trưởng).
Ông này còn chia cho các phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; cho nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ. Khi nhận được tiền từ các đăng kiểm viên, ông Quân tiếp tục chia cho ông Hình 60 triệu đồng/tháng và Hà 20 triệu đồng/tháng.
Kể từ khi lên nắm vị trí cục trưởng, ông Hà đã có "điều chỉnh cuộc chơi" khi yêu cầu VAR hằng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, phải bảo đảm lợi ích của ông Hà là cao nhất.
Sau cuộc họp trên, cả nhóm đã thống nhất lại cách thức chia tiền theo tỉ lệ như sau: ông Hà 400.000 đồng/hồ sơ, ông Quân 300.000 đồng/hồ sơ, các phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ...
Đến tháng 10-2022, do cơ quan công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm nên các đối tượng trên không nhận tiền hối lộ nữa.
Các trung tâm đăng kiểm chưa quá tải
Việc nhiều đăng kiểm viên bị đưa ra xét xử khiến nhiều người dân bày tỏ lo lắng ùn ứ đăng kiểm trong những ngày tới.
Ghi nhận ngày 18-7 ở nhiều trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM cho thấy chưa có dấu hiệu ùn ứ quá tải; các trung tâm khá thông thoáng, lượng xe đến đăng kiểm cũng vừa phải.
Ông Đoàn Ngọc Hoa (ngụ quận Gò Vấp), một người đưa xe đi đăng kiểm, cho biết khá bất ngờ vì cảnh vắng vẻ ở Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-05V (quận Tân Bình). Toàn bộ khâu kiểm định của ông chỉ mất chừng 20 phút, không mất thời gian xếp hàng quá lâu như mọi khi.
6 bị cáo xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe
Theo báo cáo của thư ký phiên tòa, có 6 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe gồm: ông Trần Văn Thương, ông Nguyễn Phương Nam, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, ông Lê Bá Dũng, ông Nguyễn Hoàng Vũ, ông Bùi Quang Minh. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng 6 bị cáo trên có xác nhận của bệnh viện nên việc vắng mặt có lý do chính đáng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận