15/07/2013 02:34 GMT+7

Luật chưa bảo vệ được dân

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Đọc những dòng chữ trên báo chí tường thuật hội nghị phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (tổ chức tại TP.HCM hôm 12-7) lại càng thêm buồn lòng.

mA9OJwRu.jpgPhóng to
Các loại thực phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng bày bán tràn lan tại chợ Bến Thành, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Các cơ quan của Bộ Công thương đã thống kê được hiện có đến 50 văn bản luật, nghị định, thông tư quy định cụ thể trách nhiệm liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tất cả những văn bản luật này được làm ra để bảo vệ cuộc sống người dân, vậy mà trên thực tế cuộc sống của người dân vẫn bất an đối với miếng ăn hằng ngày của mình!

Và đọc những dòng tin trên càng thấy phải chia sẻ nhiều hơn với nỗi lo chưa bao giờ dứt của các bà nội trợ: lo an toàn miếng ăn cho các thành viên trong gia đình. Hình ảnh bà nội trợ đứng tần ngần trước mớ rau, mớ cá... không phải hiếm gặp ở các chợ, ở những cửa hàng thực phẩm. Với nhiều người, giá cả thực phẩm tăng cao chỉ lo một, còn làm sao lựa chọn được thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe các thành viên trong gia đình lại phải lo đến mười. Dường như các bà nội trợ bất lực khi trên thị trường vẫn còn nhan nhản các loại thực phẩm dơ bẩn, thật - giả lẫn lộn... len lỏi đến tận hang cùng ngõ hẻm.

Phải nói rằng ở kỳ họp nào của HĐND TP.HCM hay diễn đàn Quốc hội, nỗi lo thực phẩm không an toàn, thực phẩm bị ô nhiễm... cũng đều được các đại biểu mang vào nghị trường, và nội dung này lúc nào cũng là một phần nóng bỏng của các kỳ họp. Mới đây thôi, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM (bế mạc hôm 13-7), các đại biểu và Ủy ban MTTQ VN TP tiếp tục báo động nỗi lo thực phẩm mất an toàn vẫn đeo đẳng, luôn gây bất an mỗi ngày trong đời sống thường nhật của người dân.

Không cần phải kể ra để thêm tốn giấy mực bởi thực tế người dân - người tiêu dùng đã nghe không biết bao nhiêu vụ thịt bẩn, thực phẩm sử dụng các loại phụ gia vượt mức cho phép, thậm chí sử dụng hóa chất độc hại... cứ xuất hiện mỗi ngày mặc cho các lời chỉ đạo, yêu cầu “tăng cường”, “tăng cường hơn nữa”, “nghiêm hơn nữa”... Sức khỏe người tiêu dùng và chất lượng giống nòi đang bị bỡn cợt, xem thường, là do lỏng lẻo trong kiểm tra, kiểm soát hay sự kém hiệu lực của hệ thống các quy định pháp luật ở lĩnh vực an toàn thực phẩm?

Ông Phạm Đình Thưởng - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công thương - cho rằng luật đã quy định hết cả rồi, chỉ lo thực thi ra sao cho có hiệu quả thôi. Và như vậy, tính hiệu lực của các biện pháp quản lý nhà nước hay sức khỏe, quyền lợi người dân có được bảo vệ hay không phần lớn nằm ở đội ngũ thực thi. Ngoài năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm thì sự trong sạch, minh bạch ở đội ngũ thực thi này sẽ là một trong những yếu tố có tính quyết định trong việc đưa pháp luật đi vào cuộc sống và có bảo vệ được người dân hay không. Khi mà thịt bẩn bốc mùi hôi thối hay đủ loại thực phẩm dơ bẩn... cứ lọt qua được hết cửa này đến cửa khác và đích đến là bếp ăn của nhiều gia đình, mỗi người dân chắc chắn sẽ đòi hỏi cần làm rõ nguyên nhân từ đâu ở đội ngũ thực thi này.

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên