25/09/2019 15:30 GMT+7

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 9: Lò đất Đầu Doi mai này...

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Làng nghề lò đất ở ấp Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, Kiên Giang có tuổi đời trên trăm năm đang dần mai một. Những con người gắn bó như máu thịt với lò đất ngậm ngùi trải qua những năm tháng khó khăn của làng nghề.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 9: Lò đất Đầu Doi mai này... - Ảnh 1.

Lò đất có cả chục loại với nhiều kích thước khác nhau như lò đốt củi, lò trấu, mạt cưa, lò than... - Ảnh: K.NAM

Con đường bêtông nhỏ ven kênh Rạch Giá - Hà Tiên dẫn vào ấp Đầu Doi lác đác xuất hiện những đống lò đất to nhỏ được đậy nilông cẩn thận. Đó là những sản phẩm dân dã và thân thuộc từng một thời gắn bó không thể thiếu với từng chái bếp gia đình.

Đỏ lửa bếp xưa

Ông Lương Văn Tiếp (58 tuổi), chủ cơ sở làm lò đất ở ấp Đầu Doi, gợi nhắc ký ức tổ tiên truyền đời rằng lịch sử làng nghề này đã có trên 100 năm.

Dân ấp Đầu Doi phần lớn là người Khmer và dân di cư từ miền ngoài vô theo thời cuộc ly loạn. Thời Pháp thuộc, dân di cư tập trung về nhà máy ximăng ở vùng Ba Hòn (huyện Kiên Lương), rồi sống rải rác dọc bờ kênh Rạch Giá - Hà Tiên.

Hai bên bờ kênh dạo ấy có hai nghề nổi tiếng khắp miền đất châu thổ phương Nam là làm vôi bột và làm lò đất.

Ông Tiếp hồi tưởng ký ức thời hưng thịnh, cả ấp Đầu Doi có trên 200 cơ sở làm lò đất bận rộn suốt ngày sáng đêm vẫn không kịp giao cho thương lái chở đi tiêu thụ khắp miền Tây, thậm chí lên tới miệt Sài Gòn, Đồng Nai. 

Người làm nghề đông đúc, khách buôn cũng tụ về đậu đầy bến sông. Cảnh trên bến dưới thuyền vui như ngày hội.

Sản phẩm được những bàn tay khéo léo tạo tác từ đất thì rất nhiều chủng loại, từ những khuôn bánh khọt, lò đất đến nồi đất, chậu đất... Chỉ riêng lò đất đã có cả chục loại với nhiều kích thước khác nhau như lò đốt củi, lò trấu, lò đốt mạt cưa (dăm gỗ mịn), lò than.

Lò nhỏ đường kính dưới 20cm thì được làm hoàn toàn bằng đất. Lò lớn hơn bên ngoài có khuôn kẽm để gia tăng độ bền chắc...

Ông Tiết Văn Mích (62 tuổi), có trên 50 năm gắn bó với nghề làm lò đất, hồi tưởng lúc mình mới vào nghề khoảng gần nửa thế kỷ trước, đất đai vùng Hòn Đất phần lớn hoang vu. Dân làng nghề chỉ việc xin phép chính quyền, rồi lấy ghe đi đào đất sét về đắp lò.

Đất sét miệt Hòn Đất nức tiếng dẻo đẹp, sau khi lấy về được đập mịn bằng chày gỗ (nay thì dùng máy nghiền), rồi đem đi ủ trong nhà tránh ánh nắng. Thời gian ủ 5-7 ngày tùy theo độ ẩm ướt của đất. Chuyện nhỏ này mà thật sự là "bí quyết" của từng người thợ dày dạn kinh nghiệm.

Lò được làm bằng khuôn, đúc xong đem ra phơi nắng rồi mới đốt (nung) bằng tro trấu. Sau khi nung, từng sản phẩm phải được kiểm tra, trét hết các vết nứt nẻ rồi mới chuyển xuống ghe chở đi tiêu thụ phương xa.

"Một cơ sở mỗi tháng làm hết công suất 24/24 sẽ cho ra khoảng 2.000 cái lò. Do sản phẩm bình dân nên giá bán cũng bình dân, phần lời sau khi trừ chi phí, công cán nhiều lắm chỉ được 3.000 - 5.000 đồng mỗi cái lò" - ông Mích nói.

Nhiều người gắn bó với nghề làm lò ở Đầu Doi đều cho rằng lời lãi trên mỗi sản phẩm không cao, nhưng thời hưng thịnh làm không kịp bán nên đời sống cư dân làng nghề khá sung túc.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 9: Lò đất Đầu Doi mai này... - Ảnh 2.

Đầu Doi hiện còn khoảng 10 cơ sở cầm cự với nghề trăm năm - Ảnh: K.NAM

Không còn nguyên liệu

Theo ông Tiết Văn Mích, hiện nay do nghề trồng lúa phát triển mạnh và đất đai đều có chủ canh tác dẫn đến thiếu đất nguyên liệu làm lò. Làng nghề từ đó cũng đứng trước nguy cơ bị mai một.

Từ hơn 200 hộ làm nghề, hiện chỉ còn khoảng 10 hộ nhưng sản xuất cầm chừng, không còn vàng son như nhiều năm trước. Các hộ dân còn duy trì làm nghề lò do họ không có đất, hoặc ít đất sản xuất nông nghiệp và không có nghề nào khác hơn.

Ngoài việc thiếu đất sét nguyên liệu, nghề lò đất bây giờ cũng không lãi nhiều. Chi phí mua đất sét, cát, trấu để nung, thuê nhân công hiện khá cao nhưng giá sản phẩm thấp, nên nhiều người dân ở đây không còn tha thiết với nghề xưa.

Hơn nữa, nhu cầu sử dụng lò đất của người dân ngày càng ít đi do sự phát triển của các loại bếp gas, bếp điện, nồi cơm điện kiểu dáng đẹp, làm cho sản phẩm lò đất nung ở làng nghề Hòn Đất lâm vào cảnh "chợ chiều".

Không còn có thể gắn bó với nghề truyền thống, nhiều gia đình chuyển từ làm lò đất sang trồng lúa, nuôi cá, trồng hoa màu. Nhà nào ít hoặc không có đất sản xuất thì giải pháp duy nhất là tha phương làm thuê trong các khu công nghiệp ở các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, dù làng nghề đang mai một nhưng cũng có người muốn gắn bó lâu dài để giữ nghề truyền thống của cha ông. Anh Đàm Văn Tứ (32 tuổi) cho biết gia đình mình có 3 thế hệ làm lò đất tại ấp Đầu Doi. Từ đời ông bà đến đời anh Tứ, chẳng ai rời xa được cái nghề tay lấm chân bùn này.

Anh Tứ tâm sự tuy khó khăn nhưng nhu cầu thị trường vẫn còn để nuôi nghề, chẳng hạn rất khó có vật dụng nào có thể thay thế được chiếc khuôn làm bánh khọt hay cái nồi đất để kho khô quẹt...

Chưa kể ở nhiều vùng quê, người dân vẫn dùng lò đất nấu ăn hằng ngày nhằm tận dụng nguồn củi tạp quanh vườn nhà, tiết kiệm được tiền bạc.

"Anh không tin thì thử lấy cái nồi đất ở đây với cái nồi nhôm hoặc nồi tráng men bán ngoài chợ đi kho cá coi cái nào ngon hơn. Tui dám chắc kho bằng nồi đất thơm ngon hơn nhiều" - anh Tứ tâm sự.

Theo người đàn ông ba đời gắn bó với nghề này, cái khó hiện nay là không còn quỹ đất để lấy đất sét vì mảnh đất nào cũng đều đã có chủ và được sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Cư dân làng nghề nhiều lần kiến nghị địa phương hỗ trợ cho khu đất để lấy đất sét, nhưng không được xem xét vì thực tế không còn đất trống.

Theo đại diện lãnh đạo huyện Hòn Đất, việc quy hoạch đầu tư phát triển làng nghề lò đất Đầu Doi hiện đang gặp nhiều khó khăn. Địa phương không còn quỹ đất để khai thác nguyên liệu đất sét làm lò. Sản phẩm làng nghề cũng tiêu thụ chậm, giá trị kinh tế thấp trước tốc độ phát triển của xã hội.

Huyện muốn bảo tồn, gìn giữ làng nghề hơn 100 năm tuổi này để góp phần phát triển sản phẩm du lịch ở địa phương, nhưng chưa có hướng giải quyết nhiều bài toán khó giải.

Còn những người như ông Tiếp, ông Mích, anh Tứ gắn bó với nghề trăm năm vẫn đang tỉ mỉ trét từng chiếc lò đất để theo thương thuyền đi phương xa. Họ chẳng ước muốn gì hơn mai này con cháu được tiếp truyền cái nghề, cái nghiệp tay lấm chân bùn nhưng đã bao đời gắn bó với chái bếp ấm cúng của tổ tiên...

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 9: Lò đất Đầu Doi mai này... - Ảnh 3.

Dù mai một nhưng lò đất Đầu Doi vẫn có nhiều sản phẩm sắc sảo - Ảnh: KHOA NAM

"Hổng nói chuyện đâu xa lắc xa lơ, mới cách đây 30-40 năm, tui biết rành rẽ làng nghề đắp lò Hòn Đất vẫn vàng son dữ lắm. Cha con tui mạn Bến Lức, Long An phải giong ghe xuống tận dưới xứ Kiên Giang lấy bếp lò Hòn Đất chở lên bán ở Sài Gòn.

Nhiều bận đắt hàng quá, tui nằm ghe chờ đến ba bốn bữa mà vẫn không gom đủ lò để chở đi" - ông Nguyễn Văn Ba, ở Long An, tâm sự.

Ông Ba kể gia đình đã hai đời đi ghe thương hồ buôn bán sản phẩm xứ Hòn Đất, nên rất rành rẽ cuộc thịnh suy làng nghề này.

Cái khó của những lò đất truyền thống là đang bị sản phẩm hiện đại như bếp gas, bếp điện, bếp từ lấn lướt. Nhưng nhìn thật kỹ thì những thứ từ đất sét dân dã này vẫn đang có người ưng xài. Ngay ở thành phố lớn giờ nhiều quán xá lại thích dùng bếp than nấu lẩu, nướng này nọ.

"Nhiều người lo rằng cái lò đất sẽ trở thành quá khứ, nhưng tui dám chắc nó sẽ không bao giờ tàn lụi" - ông Ba tâm sự.

Q.M.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên