19/09/2019 14:42 GMT+7

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 3: Một đời 'tứ tuyệt cầm'

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - 12h trưa, tiếng đục đẽo lách cách vẫn vang trong ngôi đình Châu Thới (xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre). Ông Chín Quý đầu bạc trắng ngồi xòa trên nền đất, cặm cụi gọt giũa tấm gỗ hương cho ra dáng cây đàn guitar.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 3: Một đời tứ tuyệt cầm - Ảnh 1.

Nghệ nhân Thanh Quý với cây tứ tuyệt cầm do ông chế tác - Ảnh: SƠN LÂM

Người dân quanh đình quá thân quen với tiếng cưa, búa của ông lão 70 tuổi. Sự xuất hiện của ông khiến cho ngôi đình rộn vui suốt ngày. Một người có thể chơi được hơn 10 loại nhạc cụ, luôn mang theo bên mình lỉnh kỉnh những loại đàn tự chế chẳng giống ai, đi tới đâu gây náo nhiệt tới đó.

Từ "ngũ âm huyền", "tứ tuyệt cầm"...

Ông Chín Quý tên đầy đủ là Lê Thanh Quý. Chúng tôi biết ông khi đi xem Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ lần thứ 25 tại Long An dịp đầu năm. Ông Chín Quý trình diễn cùng ban đờn ca tài tử Hậu Giang bằng một giá đàn gắn năm dây đàn bầu song song nhau. Và những người mộ điệu, những tài tử đờn ca đều trầm trồ săm soi cây đàn bầu có một không hai này.

"Tui gọi nó là ngũ âm huyền. Mà tui tự làm đó. Tui còn chế nhiều nhạc cụ độc lắm, bữa nào về nhà tui cho coi cây tứ tuyệt cầm của tui nữa" - ông già Nam Bộ cười rổn rảng khi nghe chúng tôi hỏi.

Nhà ông Chín Quý ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang. Lời hẹn xuống nhà ông xem cây tứ tuyệt cầm thay đổi khi ông được một nhà hảo tâm mời về đình Châu Thới này để truyền dạy nhạc cho những người trong ban lễ tế của đình. Từ Hậu Giang lên Bến Tre dạy nhạc, ông già 70 tuổi chỉ đem theo một cây guitar phím lõm, một cây đàn cò, một cây đàn bầu. Không đem theo cây tứ tuyệt cầm nhưng ông mang lỉnh kỉnh những búa, đục, kim hàn điện...

"Đây, cây tứ tuyệt cầm đây. Mới làm tại đình Châu Thới này luôn, khỏi mất công về Ngã Bảy lấy" - ông lão 70 lại cười hết cỡ, không cần giấu giếm vẻ tự hào khi được "khoe" cho người khác cây đàn tự tay đục đẽo, gắn mạch điện tử, lên dây trong thời gian rỗi ở đình.

Cây tứ tuyệt cầm là một nhạc cụ hỗn hợp, gồm guitar phím lõm có gắn thêm thanh đàn sến, phần thùng guitar đính thêm cây đàn cò dài khoảng gang tay rưỡi móc kèm sẵn thanh kéo, phía dưới gắn thêm một cây "tam huyền di" được ông Chín Quý cải tạo từ hạ uy di (còn gọi hạ uy cầm hay guitar Hawaii).

Và bao giờ cũng vậy, giải thích xong cây đàn là ông Chín Quý lại kéo cái thùng loa ra, cắm dây điện nối với đàn rồi lên dây. Thêm một phách gõ dưới chân, ông già 70 tuổi chìm trong bản Phụng Hoàng với thân hình lắc tư, đôi tay thoăn thoắt chuyển từ dây guitar phím lõm sang dây đàn sến, đến các dây tam huyền di, kéo đàn cò...

Xong, ông Chín Quý lại cầm cây ngũ âm huyền cũng vừa được ông làm khi về đình dạy nhạc. Tay phải thoăn thoắt phím trên năm dây, tay trái rung từ đầu bầu này sang đầu bầu khác theo tiếng phách nhịp nhàng. Khi người nghe vẫn còn mãi da diết với giai điệu Dạ cổ hoài lang phát ra từ năm dây đàn bầu, ông Chín Quý lại lôi ra một cây đàn sến được giắt sẵn sau lưng áo.

"Như hiệp khách vậy thấy không, ngao du tới đâu là rút bảo đao ra diễn đến đó" - ông già tếu táo. Cây đàn sến thông thường dài khoảng một thước, đàn của ông Chín Quý chỉ chừng nửa thước, đặt tên "sến mini". Rồi không đợi ai yêu cầu, ông già lại cất cao giọng hát ngọt ngào với ngón đàn cò tịch tang trầm bổng khiến những người có mặt trong đình lại phiêu diêu.

Chỉ bốn tháng ở đình Châu Thới, ông già đã làm cả chục cây đàn. Cây nào cũng chuẩn âm, mướt đẹp. Mới cách đây ba ngày, có người từ Đồng Nai biết ông đang dạy nhạc ở đây còn gửi đến ba thanh lõi hương quý hiếm nhờ làm đàn giúp.

Hiện ở đình Châu Thới có chín học viên theo học đàn thầy Chín Quý, nhưng chẳng ai phụ được ông thầy mình làm đàn. "Trời sinh cho thầy đôi tay khéo léo, ông tự đục đẽo, tự nghiên cứu gắn vi mạch điện cho đàn... Toàn việc khó, tụi tui có muốn giúp cũng không có khả năng" - ông Châu Thanh Tùng, người xã Châu Hòa, Bến Tre, không giấu được giọng ngưỡng mộ khi nói về vị thầy đang dạy đàn cò cho mình.

Ngoài dạy đàn cò, ông Chín Quý còn đang dạy đàn sến, guitar phím lõm và các bài điệu lễ nhạc cho học trò. "Tui mê món tam huyền uy của thầy lắm, mà để học thành thạo chắc cũng mất chục năm. Còn món tứ tuyệt cầm thì tui xin chịu" - ông Tùng chắc lưỡi.

Ông Tùng nói chẳng sai, để chơi được tứ tuyệt cầm của ông Chín Quý, ngoài việc thông thạo guitar phím lõm, đàn sến, đàn cò và hạ uy di, còn phải thật khéo léo để nhanh chóng chuyển được từ loại này sang loại khác một cách mượt mà. Khi sáng tạo loại đàn này từ 10 năm trước, ông Chín Quý chỉ mất chừng hơn một tháng để ôm đàn lên sân khấu biểu diễn.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 3: Một đời tứ tuyệt cầm - Ảnh 2.

Nhiều thợ làm đàn giỏi cũng phục tài chế tác nhạc cụ của ông Quý - Ảnh: SƠN LÂM

Đến nghệ nhân độc đáo

Sinh ra trong gia đình có cha đam mê và thông thạo đàn bầu ở Hòa Ninh, Khánh Hòa, ông Chín Quý được cha mình phát hiện năng khiếu âm nhạc từ rất sớm và rước luôn thầy về nhà dạy đàn cò cho ông. Được người thầy giỏi về nhã nhạc cung đình rèn dạy, 17 tuổi, ông Chín Quý đã xách đờn chu du theo các ban nhạc cải lương. Vừa biểu diễn vừa học, ngoài đàn cò và đàn bầu, qua tuổi thanh niên thì ông Chín Quý đã rành rẽ thêm từ đàn sến, kìm, violon đến guitar, guitar phím lõm, đàn tranh, organ...

Biết chơi nhiều nhạc cụ, ông Chín Quý nghĩ đến việc kết hợp các loại để tiện mang theo biểu diễn. Ông còn mày mò học thêm điện tử để phục vụ đam mê chế tác đàn. Nhưng phải đến khi về định cư tại Ngã Bảy, Hậu Giang vào năm 1994, ông Quý mới có thời gian nghiên cứu, bắt đầu tạo ra những nhạc cụ theo trí tưởng tượng bản thân.

Mới nhìn những loại nhạc cụ của ông Chín Quý, hẳn không ít người sẽ cho "tếu táo, không chuyên". Một giá đờn gắn vài loại nhạc cụ cứ trông như "đồ chơi" miệt vườn. Nhưng tận mắt thấy ông già biểu diễn với những ngón đàn điêu luyện bay bổng thì mới hay "đồ chơi" này xứng đáng góp phần hoàn hảo vào ban nhạc đờn ca tài tử biểu diễn chuyên nghiệp.

"Cây ngũ âm huyền, đàn bầu năm dây, tui sáng tạo bằng cách kết hợp năm quãng nhạc đàn bầu hợp nhất để tưởng nhớ người cha đã luôn ủng hộ mình theo nghiệp nghệ thuật. Giờ đây nó vẫn theo tui biểu diễn trong các ban đờn ca tài tử một cách chuyên nghiệp chứ không chỉ là thứ giải trí trên bàn rượu" - ông Chín Quý lại cười. Tiếng cười sảng khoái, ẩn chứa sâu thẳm đam mê...

Những nhạc cụ độc đáo của ông Chín Quý càng trở nên nghệ thuật hơn nữa khi ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào tháng 3 vừa qua vì "đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc". Trong số những nghệ nhân mới được phong tặng, có lẽ ông Quý là nghệ nhân độc đáo, góp phần giữ gìn văn hóa âm nhạc Nam Bộ bằng việc chế tác nhiều nhạc cụ và các ngón đờn không giống ai.

Ngoài vợ là nghệ sĩ cải lương Trang Kim Tuyến (một trong những giọng ca tiếng tăm từ Chợ Lớn về đến Ngã Bảy), con gái Lê Thị Thanh Tâm và con rể Phạm Hoàng Phúc, con trai Lê Thanh Nhân của ông Chín Quý cũng là những nghệ sĩ nổi danh trong làng đờn ca tài tử Hậu Giang.

Người gìn giữ Người gìn giữ 'thiên cổ đệ nhất trà' ở Hà thành

TTO - Lặng lẽ mà cháy bỏng đam mê, họ là những người đang âm thầm gìn giữ ngọn lửa nghề truyền thống trân quý cho đời sau...

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên