12/03/2018 12:56 GMT+7

Lòng bao dung của thầy đã thuần hóa 'con ngựa bất kham' trong tôi

CAO TUẤN KIỆT (Giao Thủy, Nam Định)
CAO TUẤN KIỆT (Giao Thủy, Nam Định)

TTO - Bạn đọc Cao Tuấn Kiệt gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo câu chuyện của cuộc đời mình với chia sẻ: một lời nhắn nhủ đúng lúc có thể giúp người ta vỡ vạc ra nhiều điều, có thể vực dậy một đứa trẻ tưởng không dạy được.

Lòng bao dung của thầy đã thuần hóa con ngựa bất kham trong tôi - Ảnh 1.

Tôi đã khóc khi đọc bài "Cho học sinh bóp cổ cô giáo con đường sống, được không?, tôi xin phép được chia sẻ câu chuyện của đời mình…

Tôi từng là một học sinh không chỉ yếu kém về học lực mà còn yếu kém cả về hạnh kiểm. Ngay từ hồi cấp một, thầy cô giáo đã luôn cho rằng không thể dạy được tôi. 

"Nếu như giáo viên không phải là những "nhà sư phạm" thực sự, thì học sinh khó nên người. Tôi nói như vậy, bởi ngày xưa, nếu thầy Hải buông tay tôi, không truyền cảm hứng cho tôi, không cho tôi biết mình còn có thể "dạy dỗ được" thì có lẽ, tôi sẽ khó tìm được lối ra."

Cao Tuấn Kiệt

Ba mẹ tôi lo lắm, mỗi lần đi gặp giáo viên về là không khí trong nhà lại căng thẳng. Mà thực sự ngày đó tôi cũng chẳng thích đi học, vì với tôi, những kiến thức toán, văn rất cao siêu, không hợp với một "con ngựa bất kham" như mình. 

Câu cửa miệng của ba hàng ngày thường là: "Nếu cứ thế này thì đời mày coi như xong. Ba mẹ cũng hết cách".

Mẹ nhăn nhó: "Nhà mình ai cũng học được, sao thằng này nó lại đổ đốn ra thế nhỉ?". Tôi cười, mặt lấc cấc ra vẻ bất cần. Ba tôi chép miệng: "Đấy, thái độ mày còn thế này, ba cũng đầu hàng mất thôi".

Sau vài lần bị đuổi học, tôi càng nản, càng chán trường lớp, thầy cô. Rồi ba mẹ chạy đôn chạy đáo nhờ người quen tìm trường, lớp mới cho tôi. Nghe thấy giáo viên trường nào nổi tiếng nghiêm khắc, ba mẹ "chấm" ngay.

Nhớ năm đó, sau khi tôi bị đuổi học (lớp 8), dì tôi (vốn là một trưởng phòng giáo dục dạy nghề của tỉnh) xin cho tôi vào một trường cấp hai X mà như dì nói: "Trường có thầy Hải nổi tiếng với việc giáo dục học sinh cá biệt". Nhưng tôi không tin! Tôi không tin ai có thể "thuần hóa" được mình, có thể thay đổi được đứa cứng đầu như mình.

Mẹ tôi khi đó cứ sụt sùi: "Thôi thì trăm sự nhờ dì nói khó với nhà trường nhận cháu chứ để nó lông bông, thất học cũng khổ". Dì quay sang tôi dặn dò: "Đây là cơ hội cuối cùng của cháu nhé. Nếu vào học lớp thầy Hải mà còn phá phách để bị đuổi thì dì mặc kệ". Tôi im lặng. Đó là lần đầu tiên tôi biết im lặng khi nghe lời người lớn nói.

… Tôi vào lớp thầy Hải, hôm đầu tiên, thầy đến bên tôi nói nhỏ: "Em có nhiều điểm hao hao giống thầy trước đây, tin không? Nếu không tin cuối buổi học ở lại nói chuyện với thầy". Tò mò, tôi cũng ở lại thật. Hóa ra là dì tôi đã kể hết với thầy về thằng cháu nghịch ngợm, khó bảo này rồi.

Cuối buổi ấy, thầy kể rằng, trước thầy cũng là một học sinh cá biệt, nghịch ngợm và không nghe lời thầy cô giáo. Sau hai lần bị đuổi học, thầy mới thấy mình sẽ bị bỏ rơi nếu vẫn tiếp tục ương ngạnh như vậy…

Câu chuyện của thầy rất dài và khi đó, đọng lại trong tôi chính là việc: Thầy đang đứng trước tôi bằng da bằng thịt - là một thầy giáo. Nghĩa là trải qua bao nhiêu thăng trầm, cuối cùng thầy cũng đã trưởng thành và bây giờ được đứng trên bục giảng để dạy tôi.

Tối đó, tôi về nhà, nằm ườn ra giường. Lần đầu tiên trong đời mình, tôi chợt nghĩ về tương lai. Tôi sao có thể trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… khi mà thích chơi hơn học? Những suy nghĩ ấy cứ ẩn hiện trong đầu nhưng thú thực, với một đứa trẻ ham chơi như mình, tôi vẫn chưa biết mình nên làm gì và bắt đầu từ đâu. Tôi thở dài một cái: "Thôi kệ, đến đâu thì đến".

Những hôm sau đến lớp, nghe mấy bạn nói: "Thầy Hải nổi tiếng khó tính nhất trường mình đấy, cậu mà cứ vớ vẩn là ở lại lớp như chơi". Một bạn khác ghé tai thì thào: "Nhưng đôi lúc tớ thấy thầy rất hiền mà".

Ở trên lớp những ngày đầu tiên, tôi cũng không biết nên làm gì. Bởi tôi không quen với việc lắng nghe thầy cô giảng bài, càng không quen với việc làm bài tập, phát biểu bài hay trả bài… Tôi co cụm mình lại, lại nảy sinh ý nghĩ chọc đứa bên cạnh cho vui.

Thầy nhìn tôi lặng lẽ nhưng không phạt tôi như những thầy cô khác. Tự nhiên, thấy thầy hiền hiền, tôi hơi xấu hổ, tự nghĩ: "Sao thầy không cho tôi ra hành lang đứng nhỉ?". 

Trước đây, chỉ cần tôi chọc bạn thôi là sẽ bị véo tai, hoặc bị đứng ở hành lang cho hết tiết học mới được vào lớp. Có lẽ đã quá quen với những hình phạt ấy nên giờ tôi thấy "nhồn nhột" vì không bị phạt.

Một hôm khác, trong tiết Vật Lý, tôi lại dùng phấn ném vào đầu mấy đứa ngồi bàn trên. Cô giáo dừng lại và nhờ bạn lớp trưởng chạy đi gọi thầy chủ nhiệm. Thầy Hải bước vào, sau khi nghe cô giáo kể, câu đầu tiên, thầy nói: "Chắc cô hiểu nhầm trò ấy rồi. Tôi biết lý do tại sao trò ấy ném phấn mà". 

Cả lớp ồ lên, ngay cả bản thân tôi cũng bất ngờ. Khi ấy, tôi thấy thầy thật "quái dị" nhưng trong lòng thầm cảm ơn thầy. Nhờ thầy, hôm ấy tôi không bị phạt gì cả mà lại thêm buổi nói chuyện thứ hai giữa "hai người đàn ông".

Lại là câu chuyện của đời thầy. Thầy bảo, khi còn nhỏ thầy đã làm khổ cha mẹ nhiều. Mẹ thầy vì lo cho tương lai của con nên đổ bệnh. Nhiều khi nhà hết tiền mua thuốc, nằm nghe mẹ rên rỉ vì đau, thầy thấy có lỗi. 

Thầy bảo, khi đó chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền cho mẹ chữa bệnh. Nhưng lấy đâu ra tiền khi chỉ là thằng quấy phá lớp, thất học? Rồi sau đó, thầy tự tỉnh ngộ từ những cơn đau của mẹ để rồi giờ đây, thầy đang truyền cảm hứng cho đứa học trò hư như tôi.

Rất hiếm khi tôi ngồi lắng nghe một cách chăm chú và nhẫn nại như thế. Liếc nhìn chiếc đồng hồ casio đã cũ trên tay, thầy bảo: "Thôi trò về đi, cũng muộn rồi". Lưỡng lự vài giây, thầy đập nhẹ tay vào vai tôi: "Tôi biết em còn chịu lắng nghe nghĩa là em còn có ý thức, có thể dạy được". 

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được một người khen, mà người khen lại là thầy giáo, dù lời khen chưa thật rõ ràng và bản thân tôi chưa đủ lớn để hiểu hết lời khen ấy.

Không biết có phải vì những lời nhắn nhủ của thầy hay không mà sau đó tôi bắt đầu lao vào học như điên. Mẹ tôi còn không tin vào sự thay đổi ấy bởi như lời mẹ nói: "Con không tiếp tục bị đuổi học đã là may lắm rồi". 

Năm đó, tôi được danh hiệu tuyên dương ở lớp (nghĩa là sau danh hiệu tiên tiến một bậc). Ba mẹ tôi mừng rơn, còn mổ gà ăn mừng. Tiếp năm sau đó, tôi được giấy khen, nhìn dòng chữ "Đạt danh hiệu học sinh tiên tiến", tự trong lòng tôi trào lên một cảm xúc khó tả. Cái này là của tôi sao?

Cứ như vậy, tôi đỗ một trường cấp ba rồi sau đó đỗ đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Ít khi gặp lại thầy Hải nhưng dường như hôm nay, trải qua bao nhiêu năm rồi, tự nhiên tôi nhớ đến thầy. Thầy giờ đây cũng già rồi, nghe mấy đứa bạn cùng lớp cấp hai nói thầy bị bệnh cao huyết áp.

Đến nay, tôi cũng gần 40 tuổi rồi, cũng từng trải qua những vất vả, khó khăn; cũng từng gặp thất bại trong công việc, để rồi hôm nay tôi đã có một thứ, tạm gọi là thành đạt. Tôi nhận ra, tuổi trẻ dễ mắc sai lầm, ôm cái tôi quá lớn. 

Một lời khen, một lời nhắn nhủ đúng lúc có thể giúp người ta vỡ vạc ra nhiều điều, có thể vực dậy một đứa tưởng không thể dạy như tôi.

Tôi mang ơn thầy, không chỉ vì thầy giúp tôi đứng dậy mà còn vì thầy đã cho tôi một thứ lớn hơn nhiều, đó là niềm tin. Nhờ thầy, tôi có niềm tin vào bản thân mình. Nhờ thầy, tôi tin xã hội còn rất nhiều nhà sư phạm nhiệt huyết, có tâm với nghề. 

Nhờ thầy, hôm nay tôi thấy trưởng thành hơn và cũng nhẹ lòng hơn khi được chia sẻ những dòng tâm sự tự đáy lòng này. Gần 40 tuổi, tôi cảm thấy vẫn còn như một đứa trẻ khi đứng trước thầy!

Giờ đây, mỗi khi về quê, nghe những lời khen của hàng xóm láng giềng, nhìn nụ cười mãn nguyện của ba mẹ, tôi lại cười: "Tất cả nhờ bàn tay của thầy Hải đấy ạ". Có một bác hàng xóm còn đùa: "Nó thế mà khá, trước quậy tung trời vậy mà nay cũng là sếp nọ sếp kia rồi. Mừng cho nhà anh chị quá"…

Bài viết thể hiện quan điểm góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

CAO TUẤN KIỆT (Giao Thủy, Nam Định)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên