21/06/2022 11:12 GMT+7

Lợi thế của tôi là trẻ, có nhiều thời gian

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TTO - Vừa được bầu làm bí thư Đoàn Trường đại học Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM nhiệm kỳ 2022 - 2024, Phạm Văn Lực hiện là bí thư trẻ nhất Đoàn các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM.

Lợi thế của tôi là trẻ, có nhiều thời gian - Ảnh 1.

Phạm Văn Lực trong ngày được bầu làm bí thư Đoàn Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM - Ảnh: Q.NG.

Sinh năm 2000, Phạm Văn Lực học vượt và vừa tốt nghiệp đại học loại giỏi sau 3,5 năm. Cuộc trò chuyện với anh chàng thủ lĩnh thanh niên thế hệ gen Z này bắt đầu từ hai chữ: áp lực! Anh chia sẻ:

- Bất ngờ thì không, nhưng hôm rồi, khi anh Ngô Minh Hải - phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM - nói tại Đại hội Đoàn trường nhiệm kỳ 2022 - 2024 rằng tôi là bí thư Đoàn trường đại học trẻ nhất TP.HCM và cũng có thể là trẻ nhất nước hiện nay, thiệt lòng tôi thấy có chút áp lực. Tuy nhiên, tôi cũng có một khoảng thời gian chuẩn bị cho nhiệm vụ mới này nên đã sẵn sàng cho đường chạy phía trước.

Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vừa là lợi thế vừa là yêu cầu mà thế hệ cán bộ Đoàn chúng tôi hôm nay cần làm và phải làm tốt.

PHẠM VĂN LỰC

Ở thế chủ động

* Lùi lại một chút, bạn chọn Đoàn hay tổ chức đã tìm ra bạn?

- Có thể nói là cả hai. Tôi chủ động tìm và chọn Đoàn vì đó như một nơi để mình gắn bó, đồng hành và thắp lên ý tưởng. Thời học phổ thông tại Đồng Tháp, tôi hoạt động Đoàn suốt 3 năm và thật sự biết ơn những ngày tháng ấy vì đã giúp mình học được nhiều, tôi luyện để có được như hôm nay.

Cũng từ Đoàn, tôi tìm thấy được bản thân nhiều hơn. Nên có thể nói Đoàn đã giúp mình khám phá những điều bản thân từng nghĩ chưa thể làm được, để mình được lớn và trưởng thành, được sai và được làm tốt hơn.

* Bạn đã chuẩn bị gì cho vai trò thủ lĩnh thanh niên một trường đại học?

- Hành trang gần 4 năm đại học gắn bó cùng công tác Đoàn, va chạm qua từng hoạt động đã giúp bản thân có nhiều bài học lớn. Tôi có một "Tinh thần Ngoại thương" để hiểu, gắn bó với nơi này. Và cũng vì tôi còn trẻ nên còn phải học hỏi nhiều, không ngại học để có kinh nghiệm, học cách làm hay từ cấp trên và các đơn vị bạn.

Nếu gọi là chuẩn bị, tôi chọn lắng nghe. Nghe từ các thầy cô, anh chị đi trước, Đoàn cấp trên để học và hiểu thêm khi đặt ở vai trò còn khá mới mẻ này. Nhưng không chỉ là nghe, tôi chọn làm và va chạm vì sẽ không gì tốt hơn được làm, được chạm trong hoạt động.

Quãng đường đại học đã cho tôi cơ hội va chạm, được sống với phong trào, sống những ngày tuổi trẻ khi bắt tay vào làm, được cùng anh em biến các dự định thành hoạt động, chương trình thực tế. Với tôi, đó là cơ hội để được thử sức qua những vai trò khác nhau, và bây giờ là bí thư Đoàn trường, tôi biết rằng mình càng phải trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa.

Hoạt động tạo giá trị

* Dưới góc nhìn của một bí thư thế hệ sinh từ năm 2000, đâu là cái khó với Đoàn hiện nay, theo bạn?

- Ở vị trí một trường học, tôi cho rằng khó nhất là Đoàn tạo ra giá trị gì cho sinh viên. Câu hỏi hoạt động Đoàn mang lại lợi ích gì cho sinh viên, làm sao dung hòa giữa kỹ năng và chuyên môn của các bạn, nhất là với một trường thiên về khối ngành kinh tế như tụi mình, luôn được đặt ra.

Thực tế nhiều bạn trường mình đã đi làm từ năm thứ 2. Do đó, giúp sinh viên có thêm kỹ năng gì, trau dồi chuyên môn ra sao qua các hoạt động của Đoàn chính là trả lời câu hỏi Đoàn giúp tạo ra giá trị gì cho các bạn. Với cá nhân mình, tôi xem đó là nhiệm vụ khi khởi đầu nhiệm kỳ mới.

* Bí thư phác thảo con đường cụ thể hóa nhiệm vụ này ra sao?

- Trước hết là câu chuyện con người. Chúng tôi có đặc thù là Đoàn trường quản lý trực tiếp các chi đoàn, không có Đoàn khoa, nên song song với đội ngũ ban chấp hành Đoàn trường, ban chấp hành chi đoàn cũng là mối quan tâm của tôi. Không chỉ là những bạn thật sự vững chắc trong công tác mà Đoàn trường cần rất sát để mọi thông tin phải đến một cách nhanh nhất tới từng chi đoàn.

Tôi cũng chọn gắn kết và tập hợp bởi lẽ "một con én sẽ không làm nên mùa xuân". Gắn kết để hiểu hơn anh em ban chấp hành, hiểu các chi đoàn, hiểu đoàn viên sinh viên. Hiểu để tụi mình có thể làm cùng nhau và biến những ý tưởng, dự định thành những điều cụ thể nhất.

Sang năm sẽ là kỷ niệm 30 năm thành lập cơ sở II Trường ĐH Ngoại thương tại TP.HCM nên hoạt động Đoàn trường không ngoài khung chung này. Tôi muốn ngoài câu chuyện nói cho các bạn biết về truyền thống của trường, thông qua từng tấm gương trưởng thành từ cơ sở II các thời kỳ và những cựu cán bộ Đoàn trưởng thành từ môi trường này, cũng là cách hữu ích để chia sẻ thông tin về Đoàn đến nhiều sinh viên hơn.

Áp lực cũng là động lực

* Các bạn gen Z đang nhìn về Đoàn thế nào và tâm thế của một bí thư gen Z chắc cũng sẽ khác?

- Không phải tất cả nhưng đúng là có cái nhìn hơi tiêu cực của nhiều bạn gen Z về đoàn thể như tình trạng "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận xét. Ở góc độ cá nhân, tôi cũng bức bối với tình trạng này, và tôi nghĩ mình có phần trách nhiệm trước suy nghĩ ấy, ít nhất với nơi mình công tác.

Tôi nghĩ lợi thế của tôi là trẻ, khỏe và có nhiều thời gian để đồng hành với Đoàn. Nên áp lực tôi nói ở trên cũng là động lực để tôi phấn đấu. Vì là một gen Z, tôi tin suy nghĩ, góc nhìn của mình cũng gần với thế hệ đoàn viên hiện nay. Tôi sẽ xoáy vào điều đó khi thiết kế hoạt động. Và tôi tin mình sẽ không đơn độc khi có các thầy cô, các anh chị đi trước và các bạn đoàn viên luôn đồng hành với tôi.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết thăm, tặng quà đội hình tiếp sức mùa thi tại Đồng Nai Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết thăm, tặng quà đội hình tiếp sức mùa thi tại Đồng Nai

TTO - Ngày 18-6, anh Nguyễn Minh Triết - bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam - đã đến thăm các đội hình “Tiếp sức mùa thi” kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 đang diễn ra tại Đồng Nai.

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên