02/02/2025 19:05 GMT+7

Lợi nhuận doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cao nhất sau đại dịch nhưng vẫn 'ngán' thủ tục hành chính

Sau 5 năm, số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có lãi tăng đã vượt qua mức 60%, gần như trở lại mức trước đại dịch COVID-19. Tuy vậy, tình trạng kẹt xe, thủ tục rườm rà có thể làm giảm sức hút của Việt Nam.

Lợi nhuận doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cao nhất sau đại dịch, nhưng vẫn 'ngán' thủ tục hành chính - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong một buổi kết nối giao thương tại TP.HCM - Ảnh: N.BÌNH

Trước đây, ngành bán dẫn chỉ đầu tư ở Singapore, Malaysia, nhưng giờ đây Việt Nam cũng là điểm lựa chọn mới của các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong ngành đang ngắm nghía Việt Nam, nhưng vấn đề của Việt Nam có tận dụng dược cơ hội dịch chuyển này hay không?

Khuynh hướng nhập nguyên liệu từ Nhật Bản về Việt Nam 

Chia sẻ về tình hình đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2025, ông Nobuyuki Matsumoto - trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP.HCM - thông tin kết quả "Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024" cho thấy lần đầu tiên sau 5 năm, tỉ lệ doanh nghiệp Nhật kỳ vọng "có lãi" tại thị trường Việt Nam đạt hơn 64%.

Số doanh nghiệp có mong muốn mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới chiếm tỉ lệ cao, đứng đầu trong khu vực châu Á. Hơn 50% doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ cải thiện, trong khi chỉ 9,2% cho rằng tình hình sẽ xấu đi. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan về việc tiếp tục đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2025.

Tuy vậy, theo ông Nobuyuki Matsumoto, năm 2024 vừa qua việc đồng yen bị suy yếu dẫn đến các doanh nghiệp Nhật Bản có khuynh hướng nhập nguyên liệu từ Nhật Bản về Việt Nam để tiết kiệm chi phí. Xu hướng này làm tỉ lệ nội địa hóa của hàng Nhật sản xuất tại Việt Nam bị sụt giảm so với năm 2023.

Điểm tiếp theo đó là lần đầu tiên trong khảo sát đã đưa ra câu hỏi cho doanh nghiệp "trong năm năm vừa qua có sự dịch chuyển sản xuất từ Nhật Bản hay là từ các quốc gia khác sang Việt Nam hay không?".

Kết quả: số lượng doanh nghiệp Nhật Bản trả lời là họ có dịch chuyển gia tăng rất rõ rệt, trong đó, từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam có 90 dự án và từ Nhật Bản dịch chuyển có 106 dự án. Đây là những con số rất cao, vượt xa quốc gia đứng thứ hai là Thái Lan.

Yếu tố khác cũng đáng chú ý là chỉ số "tình hình kinh tế, chính trị xã hội tại Việt Nam ổn định" đã bị thấp điểm hơn so với khảo sát trong hạng mục này của năm 2023. 

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính phức tạp khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian cho các thủ tục hành chính cũng như khung pháp luật chưa được hoàn thiện.

Các yếu tố này khiến tính vận dụng của luật vào thực tế thiếu minh bạch, có thể hiểu khác nhau tùy theo người đứng ra giải quyết. Đây là rủi ro và là một trong những yếu tố mà chúng ta cần phải lưu ý để có thể cải thiện kịp thời.

Thủ tục hành chính đang phức tạp, vẫn mất nhiều thời gian

Ông Nobuyuki Matsumoto cũng đã trả lời những câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về điểm mạnh cũng như vướng mắc cần nhanh chóng khắc phục để Việt Nam càng thu hút hơn với các doanh nghiệp Nhật Bản.

* Mỹ vừa bước vào nhiệm kỳ tổng thống mới, chúng ta nhìn thấy những chính sách thương mại tạo ra biến động ngay trong năm mới. Các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn nhận lợi thế nào của Việt Nam trong cuộc chạy đua mới?

Lợi nhuận doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cao nhất sau đại dịch nhưng vẫn 'ngán' thủ tục hành chính - Ảnh 2.

Ông Nobuyuki Matsumoto - trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP.HCM - Ảnh: N.BÌNH

- Tôi nghĩ nếu so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN thì Việt Nam có ưu điểm đó là nguồn nhân lực. 

So với mặt bằng chung của các quốc gia như là Malaysia hay Indonesia, nguồn nhân lực của Việt Nam rất tốt. 

Đặc biệt, nguồn nhân lực có thể nói được hay viết được tiếng Nhật rất nhiều. Đây là điểm thu hút đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tuy nhiên, như tôi cũng có nêu, điểm cần phải lưu ý là thủ tục hành chính đang phức tạp, mất nhiều thời gian. 

Nếu chúng ta không có biện pháp thì hạn chế này có thể làm triệt tiêu yếu tố tích cực nguồn nhân lực kể trên.

Hiện Việt Nam đang kêu gọi chống lãng phí và tinh gọn bộ máy, tôi nhìn thấy TP.HCM cũng đang tích cực bắt tay vào làm những công việc này. Hy vọng Việt Nam sẽ nhanh chóng giải quyết được những vướng mắc, để làm sao thủ tục hành chính trở nên hiệu quả hơn. 

Đó sẽ là một điểm mạnh để giúp cho các doanh nghiệp Nhật Bản mạnh dạn chọn đầu tư vào Việt Nam.

* Ông đánh giá về hợp tác xúc tiến giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước như thế nào?

- Trước đây, việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước chủ yếu chiều từ Nhật Bản sang Việt Nam. Bây giờ, chúng ta cũng thấy có những khoản đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản rất thành công.

Chúng tôi có một số hoạt động về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản, lấy ví dụ như hướng dẫn và giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm được những văn phòng miễn phí trong một khoảng thời gian nhất định khi họ mới đầu tư... 

Hoặc những doanh nghiệp đã làm ăn tại Nhật Bản muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán Nhật Bản cần phải làm những thủ tục như thế nào...

Tuyến metro số 1 vừa được đi vào hoạt động đã khẳng định xây dựng hệ thống giao thông đô thị hiệu quả là một điều rất cần thiết và quan trọng.

Nạn kẹt xe, tắc đường hiện nay rất nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Nếu giao thông đô thị thông suốt hơn, chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian, tránh lãng phí.

Chúng ta đều hy vọng những tuyến metro mới trong thời gian tới được xây dựng nhanh chóng.

Ông Nobuyuki Matsumoto - trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP.HCM

Lợi nhuận doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cao nhất sau đại dịch, nhưng vẫn 'ngán' thủ tục hành chính - Ảnh 3.Lao động trẻ Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản

Độ tuổi bình quân của người lao động trẻ là yếu tố giúp Việt Nam thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Sự giao hòa giữa kỹ thuật Nhật Bản cùng nguồn lực ưu tú Việt Nam sẽ tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên