06/12/2024 11:25 GMT+7

Lời nhắc nhở về sự ổn định

Sau tám năm kể từ sự kiện luận tội cựu tổng thống Park Geun Hye, người dân Hàn Quốc lại bắt đầu biểu tình thắp nến phản đối Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk Yeol liên quan sắc lệnh thiết quân luật của ông bị thất bại.

Lời nhắc nhở về sự ổn định - Ảnh 1.

Người dân Hàn Quốc tập trung trước tòa nhà Quốc hội để phản đối thiết quân luật vào rạng sáng 4-12 - Ảnh: REUTERS

Hàng ngàn người tập trung tại các địa điểm như quảng trường Gwanghwamun, phía trước trụ sở Quốc hội và phía trước Văn phòng tổng thống tại Yongsan để bày tỏ quan điểm của mình.

Chị Bae Ye Seo, người từng tham gia các cuộc biểu tình trước đây, chia sẻ: "Tôi cứ nghĩ lần cuối mình xuống đường là khi kêu gọi bà Park Geun Hye từ chức. Nhưng giờ đây tôi lại phải làm điều tương tự, bởi nếu không ngăn chặn bây giờ, tương lai sẽ còn nhiều khó khăn hơn".

Sự bất mãn không chỉ đến từ các quyết định cụ thể mà còn từ cảm giác rằng nền pháp trị đang bị xói mòn.

Kim Seong Shik, sinh viên đại học, nhận định: "Từ khi chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol nắm quyền, nền pháp trị gần như sụp đổ. Việc ban hành lệnh thiết quân luật lần này càng chứng tỏ điều đó".

Tuy nhiên, không phải tất cả người dân Hàn Quốc đều ủng hộ các cuộc biểu tình kéo dài. Anh Lee Sang Woo, chủ cửa hàng nhỏ ở Seoul, chia sẻ rằng anh tôn trọng quyền biểu tình nhưng lại lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế: "Nếu tình trạng này tiếp diễn, những người dân bình thường như chúng tôi sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất".

Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng không nằm ngoài vòng xoáy của sự kiện này. Tuấn Anh, một du học sinh Việt Nam, cho biết việc đình công và biểu tình đã làm gián đoạn nhiều tuyến tàu điện ngầm, khiến bạn phải cân nhắc lại lịch trình đi lại hằng ngày.

Trong khi đó chị Thu Hường, nhân viên văn phòng, cho hay chị đã nhận được khuyến cáo từ Đại sứ quán Việt Nam về việc tránh tụ tập tại những khu vực đông người để đảm bảo an toàn.

"Trong mấy ngày tới có lẽ tôi sẽ hạn chế ra ngoài sau giờ làm việc, chờ đến khi tình hình ổn định hơn", chị nói.

Dù bức tranh hiện tại bao phủ bởi sự bất ổn, nhiều người dân Hàn Quốc vẫn bày tỏ hy vọng vào một giải pháp ôn hòa.

Giáo sư Jung Min Ho từ một trường đại học tại Seoul nhận định: "Lịch sử đã chứng minh rằng những quyết định cực đoan như lệnh thiết quân luật thường để lại hậu quả lâu dài. Chính phủ cần lắng nghe tiếng nói của người dân và nhanh chóng đưa ra giải pháp để hàn gắn sự chia rẽ hiện tại".

Còn sinh viên Jeong Woo Young, một người tham gia biểu tình, bày tỏ: "Tôi tin vào tự do và dân chủ nhưng tôi cũng hiểu rằng xã hội cần sự ổn định để phát triển. Tôi hy vọng các bên có thể ngồi lại và tìm ra giải pháp chung".

Sự kiện lần này tại Hàn Quốc là một lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm của chính phủ trong việc lắng nghe và tôn trọng nguyện vọng của người dân, đồng thời đặt ra bài toán về việc cân bằng giữa tự do và ổn định.

Điều mà tất cả mọi người - từ người dân Hàn Quốc đến cộng đồng quốc tế - đều mong muốn là một giải pháp hòa bình, giúp đưa xã hội vận hành trong quỹ đạo bình thường để bảo đảm đời sống của người dân và xã hội ổn định, phát triển.

Lời nhắc nhở về sự ổn định - Ảnh 1.Lãnh đạo đảng cầm quyền Hàn Quốc đòi đình chỉ ngay lập tức Tổng thống Yoon Suk Yeol

Ông Han Dong Hoon, lãnh đạo Đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền ở Hàn Quốc, tuyên bố Tổng thống Yoon Suk Yeol phải bị đình chỉ ngay lập tức dù trước đó ông phản đối luận tội ông Yoon.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên