Anh Lê Thanh Nhật hướng dẫn người dân làm dịch vụ công trực tuyến tại UBND Q.4, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Để có được con số trên, nhiều quận huyện, phường xã, sở ngành đã phải căng mình hỗ trợ, "cầm tay" hướng dẫn những ngày đầu.
Chắt chiu từng người dùng
Sáng 14-3, anh Đỗ Anh Tú đến UBND Q.4 làm thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh. Anh Tú được chỉ đến chiếc bàn nhỏ ở góc phòng, nơi có một cán bộ trẻ mặc áo Đoàn đang ngồi bên máy tính: Bàn hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Người cán bộ trẻ là anh Lê Thanh Nhật (cán bộ phòng tài nguyên - môi trường) xoay màn hình máy tính lại, chỉ cho anh Tú cách vào trang dịch vụ công TP.HCM (dichvucong.hochiminhcity.gov.vn). Thủ tục khá đơn giản: nhập thông tin, chụp hình một vài loại tờ khai rồi tải lên, tất cả chỉ mất chừng 5 phút.
"Cái này tiện nhỉ, làm bằng điện thoại cũng được. Trước nay tôi mới nghe nói thôi chứ chưa thấy, cũng chưa làm bao giờ" - anh Tú cười nói.
Làm xong việc, anh Tú còn nhờ cán bộ hướng dẫn thêm cách làm thủ tục đăng ký kinh doanh và một vài loại thủ tục khác để lần sau có thể tự làm ở nhà.
Anh Lê Thanh Nhật cho biết Đoàn cơ quan chính quyền Q.4 gồm khoảng 50 người, chia nhau trực mỗi người một buổi ở đây để hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Gặp những người trẻ, thích tìm hiểu như trường hợp anh Tú nói trên, chỉ cần nói qua một lượt là họ nắm được ngay và lần sau có thể tự làm ở nhà, không cần đến ủy ban nữa. Còn với những cô bác lớn tuổi, hướng dẫn vài lần chưa chắc họ tự làm được.
"Nhưng ít nhất họ cũng có thể về nói với những người trong nhà, người xung quanh là có cách làm như vậy. Được thêm người dân nào biết đến và sử dụng hình thức trực tuyến cũng là quý rồi" - anh Nhật nói.
Với tinh thần ấy, mỗi ngày chỉ chừng mười mấy người tới nhờ hướng dẫn nhưng duy trì liên tục từ tháng 4-2017 tới nay, anh Nhật tin rằng công sức của anh em đã góp một phần tích cực trong con số hơn 50% hồ sơ được thực hiện qua hình thức trực tuyến trong tổng số hồ sơ của Q.4.
Cũng là một địa phương tích cực trong tuyên truyền, đến nay Q.Bình Tân đã đạt tỉ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 là 51,38%, mức độ 4 đạt tới 98,88%.
"Có được kết quả này, bên cạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ còn có công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân nữa" - ông Lê Văn Thinh, chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết. Cụ thể, Q.Bình Tân phát đến từng hộ gia đình tờ thông tin tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến.
Tại UBND quận, 10 phường và 130 khu phố đều có các tổ tư vấn, hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến.
Người dân phải dùng được dịch vụ tại nhà
Chị Huỳnh Thanh Tuyền - cán bộ hộ tịch UBND P.11, Q.Gò Vấp - cho biết dịch vụ công trực tuyến giúp giảm tải rất nhiều cho cán bộ vì chỉ cần xuất hồ sơ ra nên rất nhanh. Ở UBND P.11 có trang bị một máy tính và một máy scan, để khi người dân tới làm thủ tục hộ tịch thì cán bộ hướng dẫn làm theo hình thức trực tuyến.
Tới nay, tỉ lệ hồ sơ hộ tịch trực tuyến so với tổng số hồ sơ hộ tịch của P.11 đã đạt 36% - con số rất cao so với nhiều phường xã khác. Tuy nhiên, chị Tuyền cũng cho biết thực tế trong số này chỉ có 30% được làm tại nhà, còn 70% là lên phường rồi cán bộ hướng dẫn nhập hồ sơ vào máy. Có những người già khả năng sử dụng máy móc công nghệ kém, nên dù được hướng dẫn cũng không thể tự làm được sau đó.
Bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP, cho rằng mục tiêu chính của dịch vụ công trực tuyến là thêm một tiện ích để người dân lựa chọn khi cần làm thủ tục hành chính, không cần tới trực tiếp cơ quan hành chính vẫn có thể làm được. Vì vậy, ban đầu việc hướng dẫn là rất cần thiết, nhưng sau hướng dẫn người dân phải sử dụng được dịch vụ tại nhà, không cần đến cơ quan hành chính nữa.
Theo bà Trinh, dịch vụ công trực tuyến là một hình thức thực hiện dịch vụ công, còn nền tảng của nó vẫn là các thủ tục. Và chỉ có thể đưa vào trực tuyến những thủ tục đã đầy đủ, công khai minh bạch. Do vậy, bà Trinh cho rằng các quận huyện, sở ngành cần lựa chọn những loại thủ tục nào đã rõ ràng đầy đủ và người dân sử dụng nhiều để làm trước.
Như ở Bình Tân, quận đã chọn triển khai dịch vụ công trực tuyến ở lĩnh vực y tế và lao động trước để phù hợp với thực tế địa phương và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, hai lĩnh vực này có tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cao nhất trong số các thủ tục đang áp dụng.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: Điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản. Thanh toán lệ phí và nhận kết quả tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Thanh toán lệ phí trực tuyến. Nhận kết quả trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
"Bình Thạnh trực tuyến": 2 năm, hơn 13.000 tin báo
Theo UBND Q.Bình Thạnh, từ khi ra mắt đến nay, ứng dụng "Bình Thạnh trực tuyến" đã có hơn 14.300 lượt người dân tải ứng dụng với hơn 13.300 tin báo. Trong số này, có 95% tin đúng sự thật, có hành vi vi phạm. Lượng tin báo nhiều nhất thuộc về lĩnh vực trật tự lòng lề đường với hơn 10.000 tin báo, vi phạm môi trường có hơn 2.500 tin báo, vi phạm xây dựng có 800 tin. 100% tin báo đều được xử lý, trong đó xử lý vi phạm hơn 12.000 trường hợp với số tiền phạt trên 7 tỉ đồng.
Nhận xét về kết quả này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có quận huyện một năm chỉ tiếp nhận được chừng 2.000 ý kiến, còn ở Bình Thạnh người dân rất quan tâm, tích cực gửi tin báo. Bí thư Thành ủy cũng đánh giá cao việc Q.Bình Thạnh xử lý tin báo của người dân trong vòng hai giờ, trong khi quận huyện khác có nơi mất 3-5 giờ để xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận