02/05/2020 14:20 GMT+7

Lời động viên từ cộng đồng

PHẠM NGỌC TƠ
PHẠM NGỌC TƠ

TTO - Cuộc trò chuyện của PV Tuổi Trẻ với bác sĩ Đồng Phú Khiêm, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương 2, trên Tuổi Trẻ ngày 1-5 đã gửi đến cộng đồng một thông điệp đầy ý nghĩa trong những ngày bình thường mới.

Lời động viên từ cộng đồng - Ảnh 1.

Đông đúc người dân lưu thông qua phà Cát Lái trong ngày lễ không đảm bảo được khoảng cách an toàn phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: ĐỨC PHÚ

1. "Chúng tôi đang làm nhiệm vụ của mình trong điều kiện được yêu thương, chăm sóc" - đó là cách nghĩ của một bác sĩ ở tuyến đầu cuộc chiến phòng chống COVID-19 tại Việt Nam khi nhận được những chia sẻ, động viên từ cộng đồng giữa những giờ phút y bác sĩ căng mình giành lại sự sống cho những bệnh nhân nặng nhất. 

"Chúng tôi hiểu người dân đang kỳ vọng ở bác sĩ tuyến đầu, nếu có ca bệnh tử vong thì tâm lý sẽ xấu đi nhiều lắm. Vì thế ai cũng cố làm hơn 100% sức mình" - đọc dòng tâm tình của bác sĩ Khiêm mới thấu hiểu hơn giá trị của con số 0 ca tử vong vì bệnh dịch tại Việt Nam. 

Họ đã tìm cách xử lý an toàn nhất cho bệnh nhân, cũng là hướng đến bình yên và tạo dựng niềm tin to lớn cho xã hội.

Nhưng nói như bác sĩ Khiêm, cuộc chiến chưa kết thúc. Tạm nghỉ ngơi, về với gia đình sau hàng tháng "quẩn quanh bên bệnh nhân" nhưng vẫn ưu tư, còn anh em trong bệnh viện chung vai chăm lo cho bệnh nhân nặng.

Đồng nghiệp của bác sĩ Khiêm dù chủ động phòng bệnh nhưng vẫn lây bệnh. Thời điểm khó khăn nhất ấy đã qua đi. Qua câu chuyện kể của bác sĩ Khiêm, khi đó những y bác sĩ tuyến đầu nhận được những lời động viên từ cộng đồng, lúc đó mới thấy tình cảm của dân mình, càng khó khăn càng đoàn kết, yêu thương và can đảm.

Nhưng tâm tình ấy đã gửi đến cộng đồng một thông điệp đầy ý nghĩa khi cả nước bước vào giai đoạn 3 trong trạng thái bình thường mới. Cộng đồng tiếp thêm can đảm cho nhau, cùng làm nên thành quả. Giờ là lúc tiếp tục cố gắng, khi nguy cơ lây nhiễm vẫn còn đó và dịch bệnh trên thế giới chưa biết khi nào mới lui.

2. Tính đến ngày 1-5, đã hai tuần cả nước không có ca nhiễm mới từ cộng đồng. Những ngày lễ lớn, người xe nườm nượp trên quốc lộ, nhiều khu du lịch, nhiều bãi biển. 

Vui đó nhưng không thể chủ quan, lơ là phòng dịch! Thêm một ca bệnh tái nhiễm, một block chung cư ở TP.HCM đang tạm cách ly chờ kết quả xét nghiệm. 

Rồi những hình ảnh bao người chen chúc nhau ở bến xe, bến phà, không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang… Bao cuộc tụ tập đông người như chưa hề có cách ly. Rồi đã xảy ra đua xe, tai nạn và tệ nạn đang manh nha đây đó sau những ngày cách ly.

Số ca tái nhiễm chưa chắc đã dừng lại. Số ngày có thể tái nhiễm sau khi khỏi bệnh vẫn còn là ẩn số và chưa thể biết chắc những ca này có thể lây cho cộng đồng hay không. Vắcxin ngừa bệnh vẫn chưa có. Nỗi lo COVID còn đó. Tiếp sau đó là lo âu về miếng cơm manh áo, công ăn việc làm và cả những thiệt hại kinh tế trước mắt và lâu dài…

Cả nước đã nỗ lực đẩy lui mầm bệnh. Nhưng sự chủ quan có thể đẩy mầm bệnh lây lan. Mới chỉ nghe nới lỏng xã hội thì y như rằng bao người quên chuyện bệnh dịch. 

Khi nói về chuyện học sinh đi học, bao nhiêu người phản hồi nào là "học sinh đi học chưa an toàn, trẻ em chưa có ý thức..." nhưng nay lại thấy người lớn đưa con nhỏ chen vào đám đông ngoài đường, kẹt xe, con trẻ mệt nhoài. Ai đang quên phòng dịch?

Sáng nay đọc tin tức về bãi tắm ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), cơ quan chức năng vẫn quyết đóng cửa bãi biển phòng dịch, nhiều người không chấp hành và còn cự cãi khi được nhắc nhở. Không có quy định nào hiệu quả bằng sự tự giác chấp hành. Không có lực lượng nào xử phạt cho xuể các kiểu hành vi thiếu ý thức.

Thành công đến từ sự chung tay của cả cộng đồng. Một cộng đồng cùng tiếp sức nhau vượt qua hai giai đoạn dịch bệnh. Nhưng một số trong cộng đồng ấy làm điều ngược lại sẽ tiêu tốn thêm biết bao công sức, tiền của và cả cơ hội mưu sinh, làm ăn sẽ tiếp tục khó khăn kéo dài.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm đã nói về sự động viên, chia sẻ của cộng đồng đã tiếp thêm can đảm cho những người ở tuyến đầu. Giờ đây, chung sức chung lòng có chi quý hơn là chấp hành quy định phòng dịch để cùng lo chuyện học hành, làm ăn, buôn bán… trong hoàn cảnh mới. 

Cuộc chiến chống dịch bệnh của những y bác sĩ chưa kết thúc, người dân chưa thể chủ quan khâu phòng dịch. Đó là cách cộng đồng động viên nhau bật dậy, vượt khó.

Chúng tôi xin cúi đầu cảm ơn các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Chúng tôi xin cúi đầu cảm ơn các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch

TTO - Ngay sau khi Tuổi Trẻ ra số báo đặc biệt "Ấn tượng Việt Nam" và Tuổi Trẻ Online đăng bài "Ấn tượng Việt Nam - Những khuôn mặt của tuyến đầu chống dịch" nhân 30-4, nhiều bạn đọc đã gửi thư góp ý hoan nghênh cho rằng đó là cách tri ân ý nghĩa.


PHẠM NGỌC TƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên