Chó 'biết hát' New Guinea ở sở thú San Diego - Nguồn: Twitter
Chỉ có khoảng 200 con chó biết hát sống trong các trung tâm bảo tồn hoặc sở thú ở Mỹ. Chúng là hậu duệ của loài chó hoang bắt được năm 1970, đã bị lai tạp nghiêm trọng do thiếu gene mới.
Giống chó này biến mất trong môi trường sống tự nhiên trong vòng nửa thế kỷ, theo đài CNN.
Cho đến năm 2016, một đoàn thám hiểm đã tìm thấy và nghiên cứu 15 con chó hoang ở vùng cao nguyên hẻo lánh ở phía tây đảo New Guinea thuộc Indonesia - còn gọi là Papua. Một đoàn thám hiểm mới đã quay trở lại vào năm 2018 nhằm xác nhận những con chó hoang này có phải là chó biết hát thuần chủng hay không.
Nghiên cứu sau đó được công bố trên tạp chí PNAS cho thấy 15 con chó hoang nói trên có 70% yếu tố di truyền trùng với chó biết hát nuôi nhốt.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những con chó vùng cao là quần thể chó biết hát New Guinea hoang dã và nguyên bản, có sự khác biệt về thể chất so với chó New Guinea nuôi nhốt.
Nhà nghiên cứu Elaine Ostrander từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết những con chó hoang dường như có liên quan đến quần thể chó hoang bảo tồn được đưa đến Mỹ từ nhiều năm trước.
Chó biết hát New Guinea hoang dã, được tìm thấy vào năm 2016 gần một mỏ vàng ở Papua, Indonesia - Ảnh: Tổ chức Chó hoang Cao nguyên New Guinea
Những con chó bảo tồn hiện nay là giống siêu lai. Ban đầu có 8 con chó gửi đến Mỹ rồi lai với nhau trong nhiều thế hệ. Vì vậy chúng mất đi sự đa dạng về di truyền.
New Guinea là hòn đảo lớn thứ hai trên thế giới. Nửa phía đông là Papua New Guinea, nửa phía tây là một phần của Indonesia - được gọi là Papua.
Nghiên cứu cho biết loài chó biết hát New Guinea được biết đến lần đầu tiên sau khi một mẫu vật liên quan tới giống chó này được tìm thấy ở độ cao khoảng 2.100 mét ở Papua New Guinea vào năm 1897.
Bất chấp nhiều giai thoại và những bức ảnh chưa được kiểm chứng trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia lo ngại loài chó hoang cao nguyên New Guinea đã bị tuyệt chủng do mất môi trường sống và lai tạp với chó hoang trong làng.
Tuy nhiên, loài chó hoang New Guinea được phát hiện trở lại vào năm 2016 gần mỏ vàng Grasberg ở Papua. Những biện pháp bảo vệ hệ sinh thái xung quanh mỏ đã vô tình tạo ra một khu bảo tồn cho những con chó hoang có thể sinh sôi.
Các nhà nghiên cứu lo ngại giống chó biết hát New Guinea sẽ tuyệt chủng trong tự nhiên vì mất môi trường sống - Ảnh: Tổ chức Chó hoang Cao nguyên New Guinea
Theo sở thú San Diego, các khớp và cột sống của chó biết hát cực kỳ linh hoạt, giúp nó có thể leo trèo và nhảy như mèo. Sở thú nói ảnh siêu âm cho thấy tiếng hú độc đáo của loài chó này giống với tiếng của cá voi lưng gù.
"Chó biết hát New Guinea rất hiếm, chúng có giọng hát hài hòa tuyệt đẹp mà không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu trong tự nhiên. Vì vậy để loài này mất đi không tốt chút nào. Chúng tôi không muốn vậy", nhà nghiên cứu Ostrander cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận