Phóng to |
Taxi dầu khí, đây là lĩnh vực tay trái mà Tập đoàn Dầu khí VN sẽ phải thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tiến nói:
- Bên cạnh bốn lĩnh vực kinh doanh: bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán; nếu không phải là ngành kinh doanh chính được giao các tập đoàn, tổng công ty phải tính toán để thoái vốn. Theo chỉ đạo của Chính phủ trong quý 3-2012, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành trình Chính phủ đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của mình. Trong đề án tái cơ cấu, các tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng phương án thoái vốn. Còn thoái như thế nào, lúc nào cho đảm bảo hiệu quả nhất trong một giai đoạn các tập đoàn và tổng công ty cũng phải xây dựng đề xuất.
* Đầu tư ngoài ngành được hiểu như thế nào vì thậm chí có cả những tập đoàn chủ chốt cũng đang băn khoăn tiêu chí này?
- Trong điều lệ mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt của các tập đoàn và tổng công ty đã nêu rõ ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề kinh doanh phụ trợ. Như vậy, lĩnh vực kinh doanh ngoài những ngành nghề kinh doanh chính, kinh doanh phụ trợ cho kinh doanh chính là những lĩnh vực không khuyến khích đầu tư, cần xem xét sắp xếp lại và thoái vốn đầu tư. Ví dụ sản xuất cơ khí là chính thì các tổ hợp hỗ trợ cho sản xuất cơ khí được xem là phụ trợ, còn đầu tư sản xuất gia công thép xây dựng (thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng) hay đầu tư vào bất động sản sẽ là những ngành nghề buộc phải thoái vốn.
Phóng toẢnh: VIỆT DŨNG
"Tôi được biết có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chờ tập đoàn, tổng công ty công bố lĩnh vực, lộ trình thoái vốn để họ có thể tham gia đầu tư thông qua. Vì vậy, nếu làm sớm tranh thủ được nguồn vốn đầu tư này sẽ rất hiệu quả"
* Ông có thể nói rõ hơn về đề án thoái vốn do Bộ Tài chính soạn thảo?- Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về đề án thoái vốn, đồng thời đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn các phương án thoái vốn. Đây sẽ là khuôn khổ pháp lý để các tập đoàn và tổng công ty lựa chọn và xây dựng lộ trình thoái vốn hợp lý, hiệu quả. Còn khi bán phải bảo toàn vốn, không được thất thoát vốn như thực tế hiện nay thì nhiều doanh nghiệp cũng rất lo và khó thực hiện.
Có nhiều cách thoái vốn khác nhau. Ví dụ như chuyển giao vốn cho tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu, mua bán nợ... Như vừa rồi Chính phủ chuyển Tổng công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom) vào Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cũng là một cách thoái vốn. Chọn giải pháp sáp nhập, hợp nhất với nhau cũng là một cách sắp xếp lại danh mục đầu tư cho hợp lý. Phải nói thêm là cần phân tích từng trường hợp cụ thể, nếu trước kia bỏ ra 10 đồng mà nay bán chỉ thu được có 8 đồng thì chắc chắn là lỗ, khó được các cơ quan, xã hội chấp nhận.
* Nếu đầu tư ngoài ngành mà đang có lãi thì có nên thoái vốn?
- Theo chỉ đạo của Chính phủ, các tập đoàn và tổng công ty buộc phải thoái vốn. Còn nếu để 3-5 năm nữa mà rủi ro thì sao? Đây là vấn đề mà các tập đoàn và tổng công ty cần cân nhắc kỹ. Hiện mới chỉ tính đến bốn lĩnh vực là chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và ngân hàng, còn những lĩnh vực khác như giao cho anh làm xây dựng mà anh có kinh doanh thêm taxi thì chưa tính đến... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các tập đoàn và tổng công ty phải chủ động rà soát kê khai, báo cáo đầy đủ và rõ đâu là khoản đầu tư ngoài ngành cần phải thoái.
* Cá nhân ông có tin tưởng quá trình thoái vốn sẽ triển khai thành công?
- Với tình hình hiện nay, việc tái cơ cấu doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo cho sự phát triển, trong đó việc thoái vốn các ngành tay trái chính là một nội dung quan trọng của tái cơ cấu, do đó vấn đề thoái vốn là một yêu cầu bắt buộc, không thể không thực hiện. Các tập đoàn, tổng công ty đều ngấm quả đắng đầu tư ngoài ngành rồi. Đây là mặt trái của thị trường. Biến động của ngành không phải là kinh doanh chính thì làm sao có thể nắm chắc được, ví như một anh ngành than hay ngành điện thì sao giỏi được như anh chuyên về ngân hàng, tài chính.
Thực tế luật không cấm nhưng các ngành nghề kinh doanh chính chưa làm tốt mà lại đi đầu tư vào những lĩnh vực tay trái không có chuyên môn, kinh nghiệm sẽ rất rủi ro, do vậy doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước (vốn của dân) càng không được phép. Chính phủ kiên quyết yêu cầu tập đoàn, tổng công ty không thể chần chừ mà phải tìm cách thoái vốn để đảm bảo hiệu quả nhất.
* Hiện đã có doanh nghiệp nhà nước nào trình Chính phủ đề án tái cấu trúc? Và có đề án nào trình lên Chính phủ mà bị trả lại không?
- Đến nay, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang tham gia ý kiến vào dự thảo đề án của bảy tập đoàn, tổng công ty. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng nhận được đề nghị góp ý của trên 40 tập đoàn, tổng công ty ở các mức độ khác nhau.
Một số dự thảo đề án khi trình, cơ quan quản lý phải yêu cầu bổ sung danh mục thoái vốn, tiến độ thoái vốn. Trong trường hợp như vậy, đề án là không đạt yêu cầu, phải hoàn thiện. Không chỉ nội dung thoái vốn như thế nào, tỉ lệ nắm giữ tại các doanh nghiệp sẽ là bao nhiêu mà ngay cả danh mục nợ xấu, phương án giảm tỉ lệ nợ xấu cũng phải được báo cáo đầy đủ với Chính phủ trong đề án tái cơ cấu.
* Hiện nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước là bao nhiêu, thưa ông? - Trong đề án tái cơ cấu, các tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo đâu là các khoản nợ xấu, thật sự đã mất, không có khả năng thu hồi. Con số thì đang chờ các tập đoàn, tổng công ty rà soát, báo cáo vì hiện tại cơ chế giám sát hiện hành chưa bắt buộc và chế tài yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo danh mục nợ trong đầu tư kinh doanh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận