02/12/2013 08:01 GMT+7

"Lỗ tò vò" và trụ sở lâu đài

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG
KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG

TT - Không rõ vì sao phần lớn các cơ quan từ Nam ra Bắc, từ tỉnh đến huyện, xã, trụ sở to đùng nhưng nhiều nơi chỗ tiếp dân lại chật hẹp, phải chen chúc, chịu nóng nực... Nhiều nơi cán bộ làm việc sau vách kính, máy lạnh rù rì (chẳng khác như ngân hàng đã làm vì họ đề phòng bất trắc, cướp giật), chỉ chừa một lỗ nhỏ cho người dân nhét đơn từ, hồ sơ vào... Từ việc lấy hồ sơ cho đến nhận, trả hồ sơ, cán bộ ngồi bên trong, người dân đứng bên ngoài, cúi xuống lắng nghe lời “đầy tớ” qua “lỗ tò vò”.

Với cung cách như vậy, không hiểu “đầy tớ” sẽ tiếp dân là những người đi xe lăn, chống nạng, người khiếm thị, khuyết tật... như thế nào.

Phần lớn nơi tiếp dân được ép một bên cổng hoặc che chắn một góc cơ quan, trụ sở. Cán bộ đi một lối vào phòng vách kính, người dân đến liên hệ đi ngả khác, cấu trúc không gian đã được ngăn cách ngay từ trong suy nghĩ đến thiết kế, hiện thực và hành xử.

Một công việc đơn giản là quan hệ dân sự, người có quyền sử dụng đất, có tài sản là ngôi nhà trên đất đó muốn xây dựng, cải tạo hay chuyển nhượng, họ phải đi từ phường lên quận, có trường hợp phải trình với sở tài nguyên - môi trường, sở xây dựng, sở quy hoạch - kiến trúc, rồi họ phải đến chi cục thuế để làm không biết bao nhiêu giấy tờ, thủ tục. Từ nhà nhỏ đến nhà lớn, từ sửa hàng rào đến trổ cánh cổng đều phải chạy qua chạy lại những cơ quan đó. Và đương nhiên người dân phải đứng cúi xuống “lỗ tò vò“ nghe cán bộ thụ lý nói sai chỗ này, thiếu chỗ nọ... Một công việc dân sự được Quốc hội bảo hộ năm quyền cực kỳ quan trọng nhưng tất cả vẫn phải xin và xin.

Từ tư duy ban phát, sinh ra tư duy quan cách và tạo ra những trụ sở bề thế. Nền hành chính quá phức tạp sinh ra các công trình hành chính to lớn bề thế để đủ chỗ cho cán bộ hành chính làm việc. Giấy tờ, mộc dấu cho đến văn thư đi đến, hồ sơ photo ngày mỗi nhiều, mỗi cơ quan cần vài bộ phân phát cho các phòng ban lưu trữ, đòi hỏi nhà kho phải rộng, không gian phải lớn? Rồi phải có phòng thư giãn cho cán bộ, có “sân quần”, phòng bida, bóng bàn, có nhà ăn, cà phê để cán bộ tiếp khách, ăn trưa, ăn sáng. Bởi thế, không ngạc nhiên tại sao cơ quan nào cũng cần to rộng, hoành tráng cho xứng với địa phương mình, công việc của mình!

Một nền hành chính nặng xin cho, sản sinh ra tư duy ban phát, thủ tục nhiêu khê, giấy tờ, mộc dấu, photo bản chính, sao y. Với hàng trăm thông tư, nghị định của bộ, sở ban ngành dẫn đến bộ máy phình ra với hội họp triền miên, với đủ loại hình cần thống nhất tập thể, mặc cho Chính phủ nỗ lực với đề án cải cách hành chính, tinh gọn biên chế hàng chục năm qua.

Với “lỗ tò vò”, từ hàng chục năm nay, người dân đã chấp nhận và phục tùng nó. Thật sự, người dân không cần những trụ sở như lâu đài, cung điện bởi họ biết rằng những thứ đó không dành cho họ và dù có to đẹp cỡ nào họ vẫn phải đứng bên “lỗ tò vò” để nghe cán bộ phán xét hồ sơ, công việc, giấy tờ của họ...

Mong sao tương lai không xa, những “lỗ tò vò” sẽ biến mất. Thay vào đó là những đại sảnh tiếp dân rộng thoáng, “ông chủ” được ngồi trên ghế rộng rãi, và các “đầy tớ” đứng xung quanh giải thích thủ tục, đơn từ và từ đó các lâu đài, dinh thự, cao ốc kia chuyển công năng là bệnh viện, trường học, văn hóa, thể dục thể thao để phục vụ dân, là những người chủ thật sự của những công trình đó.

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên