Anh Nguyễn Văn Quyết, bí thư đoàn Than Quảng Ninh, thẳng thắn nêu thực trạng hiện nay thanh thiếu niên nước ta khá am hiểu văn hoá, lịch sử phương Bắc nhưng lại ít quan tâm đến văn hoá, lịch sử nước nhà - Ảnh: V.V.TUÂN
Mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu vẫn còn một bộ phận thanh niên bộc lộ hạn chế về nhận thức, về hiệu quả trong thực hiện giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, có biểu hiện sai lệch chuẩn mực giá trị về phẩm chất, đạo đức, lối sống.
Anh Nguyễn Văn Quyết, bí thư đoàn Than Quảng Ninh, thẳng thắn nêu thực trạng hiện nay thanh thiếu niên nước ta khá am hiểu văn hoá, lịch sử phương Bắc nhưng lại không quan tâm đến văn hoá, lịch sử nước nhà.
"Trên các trang mạng tràn lan các phim ảnh Âu - Mỹ, Trung Quốc, mà có rất ít những phim về văn hoá truyền thống Việt Nam. Nếu chỉ dừng lại ở giáo dục lịch sử, văn hoá trong nhà trường thì hiệu quả rất khiêm tốn.
Cách đây nhiều năm, chúng ta có những bộ phim lịch sử được công chúng yêu thích như Em bé Hà nội, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Còn bây giờ rất buồn vì điều kiện tốt hơn nhưng lại không có được những bộ phim tốt như vậy.
Muốn giáo dục lịch sử thì không có cách gì tốt hơn là gắn với nghệ thuật, đặc biệt bằng hình thức điện ảnh.
Bộ VH-TT&DL và Trung ương Đoàn cần có chiến lược giáo dục văn hoá, lịch sử thông qua phim ảnh, mạng xã hội", anh Nguyễn Văn Quyết phát biểu.
Nguyễn Minh Hoàng Anh, đại biểu Ninh Thuận, lại rất lo ngại trẻ em và giới trẻ nước ta ngày càng kém vận động vì lạm dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Đại biểu Thị Ngọc Linh, đoàn TP.HCM, thì băn khoăn về văn hoá ứng xử của các bạn trẻ hiện nay.
"Phải chăng người trẻ đang có xu hướng hưởng ứng sự công kích. Trong một buổi họp, nếu nói những điều bình thường thì mọi người sẽ nghe cho qua, nhưng nếu đặt vấn đề ngược lại thì sẽ được hoan hô.
Trên mạng xã hội sẽ thấy nhiều biểu tượng (icon) buồn nhiều hơn vui. Những trạng thái (status) buồn thì được thích (like) và chia sẻ (share) nhiều hơn những dòng vui. Giới trẻ thiếu ý thức hay cố tình đi ngược lại với những gì đang được dạy trong suốt quá trình giáo dục?", Linh đặt câu hỏi trăn trở.
Chu Hồng Minh, đại biểu Hà Nội, nêu tình trạng các gia đình trẻ hiện nay có xu hướng coi trọng vật chất, xem nhẹ tinh thần, các mối quan hệ trong gia đình, xao nhãng việc chăm sóc con cái, bạo lực gia đình, ly hôn... đều đáng báo động.
Bà Hoàng Thị Hoa, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tán đồng Bộ VH-TT&DL cần xây dựng gấp một đề án về điện ảnh VN để có nhiều bộ phim hay, đáp ứng cho thế hệ trẻ và công chúng, để thanh thiếu niên VN phải nhớ và thuộc lịch sử nước nhà hơn lịch sử các nước.
"Một ngày với 24 giờ của thế hệ trẻ, nếu chỉ dành để xem trên mạng xã hội thì sẽ không có định hướng và kiến thức. Người trẻ nên sử dụng 24 giờ trong một ngày thế nào để đừng quá sa đà vào mạng xã hội. Thay vì vậy, hãy đọc sách nhiều, thường xuyên đến bảo tàng, thư viện... Hãy sử dụng thật hiểu quả thời gian của các bạn", bà Hoa nhắn nhủ với thanh niên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận