Kỹ sư Nguyễn Tấn Châu - trưởng đơn vị an toàn bức xạ (Bệnh viện Chợ Rẫy) - kiểm tra hệ thống máy chụp PET/CT bị hỏng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngày 28-6, liên quan đến việc lò thuốc phóng xạ hỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết qua tuần sau (tức đầu tháng 7-2019), lò sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG sẽ hoạt động trở lại và có thể cung cấp thuốc cho các bệnh viện thực hiện kỹ thuật chụp PET/CT.
"Tuy nhiên, với sự nỗ lực của bệnh viện trong việc khắc phục sự cố, có thể trong ngày hôm nay hệ thống này sẽ hoạt động. Còn khi hoạt động có trục trặc gì thêm hay không cần phải có thời gian kiểm tra, theo dõi", đại diện bệnh viện nói.
Trước đó, theo Bệnh viện Chợ Rẫy, phía đơn vị sửa chữa báo cáo rằng hệ thống sản xuất thuốc phóng xạ được xác định có lỗi liên quan đến nguồn cho các bo mạch thu nhận tín hiệu.
Việc đặt hàng thay thế bộ dây nguồn cao thế được thực hiện. Tuy nhiên sau khi thay xuất hiện thêm lỗi không nhận điện áp ở một bo mạch và tiếp tục cần thay thế từ hãng sản xuất.
Đơn vị sửa chữa lưu ý do thiết bị đã sử dụng nhiều năm, việc phát sinh hư hỏng là không thể tránh khỏi. Do vậy các lỗi mới có thể phát sinh sau khi lỗi hiện có được khắc phục.
Kỹ sư Nguyễn Tấn Châu (bìa trái) và TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh đang trao đổi về sự cố hư hỏng lò sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG. Từ ngày lò gặp sự cố các hệ thống máy chụp PET/CT ở các bệnh viện tại TP.HCM đều ngừng hoạt động - Ảnh: DUYÊN PHAN
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, hiện tại TP.HCM chỉ có 3 nơi đang sở hữu hệ thống máy chụp PET/CT hiện đại gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Quân y 175.
PET/CT là một kỹ thuật hiện đại mở ra hi vọng cho hàng ngàn người có thể phát hiện, điều trị ung thư ở giai đoạn sớm. Để có thể được chụp được PET/CT đòi hỏi người bệnh phải được tiêm thuốc phóng xạ, mục đích ghi hình chi tiết nơi tổn thương.
Tuy nhiên, do tất cả đều phụ thuộc vào nguồn thuốc từ "lò" sản xuất này nên hệ thống máy chụp PET/CT của 3 bệnh viện đều "tê liệt", kéo theo đó là rất nhiều người bệnh phải khăn gói lặn lội ra tận Đà Nẵng hoặc Hà Nội để chụp với chi phí đi lại khá đắt đỏ.
Có bệnh nhân được chỉ định xạ trị không đúng
Bác sĩ Hồ Văn Trung - trưởng khoa Xạ 4 (Bệnh viện Ung Bướu) - cho biết đối với một bệnh nhân bị ung thư thực quản di căn xương chậu, xương sườn thì vai trò của xạ trị không còn mà chỉ điều trị hóa trị cho bệnh nhân.
Ở trường hợp này nếu bệnh nhân không được chụp PET/CT, chỉ dựa vào hình ảnh chụp CT đồng nghĩa cùng lúc phải vừa hóa trị, xạ trị. Điều này gây độc tính, tốn tiền điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
Theo bác sĩ Trung, với những bệnh nhân không có điều kiện đi xa để chụp PET/CT, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp CT - phương tiện chụp hình ảnh hiện có. Từ đó căn cứ trên hình ảnh CT để xạ trị cho bệnh nhân, sau đó có thể phát hiện tiếp di căn ở chỗ này hoặc chỗ khác.
"Nếu nhìn nhận lại thì việc xạ trị trên là không đúng. Bệnh nhân đã bị di căn nhiều nơi nhưng lại chỉ được xạ ở mỗi cái bướu. Nhưng vì phương tiện chẩn đoán hình ảnh chỉ được nhiêu đó nên các bác sĩ cũng chỉ làm được nhiêu đó mà thôi", bác sĩ Trung chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận