27/06/2019 08:33 GMT+7

'Lò' thuốc phóng xạ hỏng: Bệnh nhân đi lại 4.000 cây số chụp PET/CT

THÙY DƯƠNG - HOÀNG LỘC
THÙY DƯƠNG - HOÀNG LỘC

TTO - Kỹ thuật chụp PET/CT đang bị gián đoạn cả tháng nay bởi 'lò' sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM bị hư hỏng.

Lò thuốc phóng xạ hỏng: Bệnh nhân đi lại 4.000 cây số chụp PET/CT - Ảnh 1.

Hệ thống máy chụp PET/CT của bệnh viện Chợ Rẫy bị hỏng - Ảnh: DUYÊN PHAN

PET/CT là một kỹ thuật hiện đại mở ra hi vọng cho hàng ngàn người có thể phát hiện, điều trị ung thư giai đoạn sớm. 

Thế nhưng kỹ thuật này đang bị gián đoạn cả tháng nay bởi "lò" sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM bị hư hỏng.

Theo tìm hiểu, tại TP.HCM hiện nay chỉ có ba nơi đang sở hữu hệ thống máy chụp PET/CT hiện đại gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Quân y 175. 

Để có thể chụp được PET/CT, đòi hỏi trước tiên người bệnh phải được tiêm thuốc phóng xạ, mục đích ghi hình chi tiết nơi tổn thương. Tuy nhiên, do tất cả đều phụ thuộc vào nguồn thuốc từ "lò" sản xuất nên hệ thống máy chụp PET/CT của ba bệnh viện đều "tê liệt". 

Kéo theo đó là rất nhiều người bệnh phải khăn gói lặn lội ra tận Đà Nẵng hoặc Hà Nội để chụp với chi phí đi lại đắt đỏ.

Máy PET/CT có nhiều chức năng hiện đại nhưng việc thiếu thuốc phóng xạ buộc chúng tôi chỉ có thể chụp các CT thông thường, trong khi ở nước ta tỉ lệ ung thư khá cao và nhu cầu chụp PET/CT của người bệnh rất lớn.

TS.BS PHAN VĂN BÁU

Di chuyển 4.000km chụp PET/CT

Vừa trở về sau chuyến đưa người nhà ra tận Hà Nội chụp PET/CT, ông N.M.A. (ngụ Q.7) cho biết ông khá mệt mỏi. 

Thế nhưng sự mệt mỏi của ông chẳng thấm tháp gì so với người cha năm nay bước sang tuổi 62 bị ung thư thực quản, buộc phải di chuyển gần 4.000km từ TP.HCM ra Hà Nội (cả đi và về) chỉ để chụp PET/CT.

Theo ông A., cha ông bị ung thư thực quản đã di căn, các bác sĩ chuyển qua Bệnh viện Ung bướu TP điều trị. 

Tại Bệnh viện Ung bướu, kết quả các xét nghiệm và sinh thiết cho thấy cha ông có rất nhiều hạch, được chỉ định chụp PET/CT nhằm xác định ung thư di căn đến khu vực nào, từ đó có phương án điều trị phù hợp. 

Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị cho biết hiện nay các bệnh viện ở TP.HCM có thể chụp PET/CT đều không chụp được do thiếu thuốc phóng xạ và chỉ còn cách giới thiệu bệnh nhân ra Hà Nội để chụp.

"Tôi quyết định nghỉ việc một tuần để đưa ba ra Hà Nội chụp PET/CT gấp. Chúng tôi phải bay ra trước một ngày. 

Ngày đầu xét nghiệm chức năng gan thận, hôm sau mới được chụp PET/CT và phải đợi hai ngày sau mới có kết quả. 

Chi phí chụp PET/CT hết 26,7 triệu đồng, cộng thêm tiền xét nghiệm, vé máy bay, ăn uống, khách sạn nghỉ ngơi… chuyến đi tốn kém gần 50 triệu đồng" - ông A. nhẩm tính.

Và gia đình ông không phải là ngoại lệ. Ông A. kể rằng chuyến "Bắc tiến" để chụp PET/CT vừa rồi ông còn gặp một số trường hợp khác, trong đó có bệnh nhân phải đi xe lăn di chuyển một quãng đường xa chụp PET/CT rất cực khổ. 

"Các tỉnh phía Nam mang tiếng hiện đại thế mà không thể chụp PET/CT thì rất tội cho bệnh nhân. Người bệnh có điều kiện mới có tiền đi xa để chụp, còn người không có điều kiện thì đành nằm chờ. 

Tôi mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng tìm cách khắc phục sự cố này để người bệnh không phải vất vả đi xa" - ông A. nói.

Lò thuốc phóng xạ hỏng: Bệnh nhân đi lại 4.000 cây số chụp PET/CT - Ảnh 3.

Kỹ sư Nguyễn Tấn Châu - trưởng đơn vị an toàn bức xạ Bệnh viện Chợ Rẫy - hướng dẫn thao tác chụp PET/CT - Ảnh: DUYÊN PHAN

Một số trường hợp không được BHYT chi trả

Bác sĩ Hồ Văn Trung - trưởng khoa xạ 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết kết quả chụp PET/CT của ba ông A. ở Hà Nội cho thấy bệnh nhân đã bị di căn xương chậu, xương sườn. 

Với kết quả này, vai trò của xạ trị không còn nữa, các bác sĩ quyết định chỉ điều trị hóa trị cho bệnh nhân. 

Ở trường hợp này, nếu bệnh nhân không được chụp PET/CT, chỉ dựa vào hình ảnh chụp CT thì sẽ vừa phải hóa trị, xạ trị. 

Điều này sẽ gây độc tính cho bệnh nhân, tốn tiền điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.

Theo bác sĩ Trung, với những bệnh nhân không có điều kiện đi xa để chụp PET/CT, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp CT - phương tiện chụp hình ảnh hiện có. 

Từ đó căn cứ trên hình ảnh CT để xạ trị cho bệnh nhân, sau đó có thể phát hiện tiếp di căn ở chỗ này hoặc chỗ khác. 

"Nếu nhìn nhận lại thì việc xạ trị trên là không đúng. Bệnh nhân đã bị di căn nhiều nơi nhưng lại chỉ được xạ ở mỗi cái bướu. Nhưng vì phương tiện chẩn đoán hình ảnh chỉ được nhiêu đó nên các bác sĩ cũng chỉ làm được nhiêu đó mà thôi" - bác sĩ Trung chia sẻ.

Bác sĩ Trung kể rằng trong khoa có những bệnh nhân được chỉ định chụp PET/CT nhưng không có điều kiện đi xa để chụp, chưa kể khi đi xa họ không quen biết đường sá và chi phí chụp không được BHYT chi trả.

Lò thuốc phóng xạ hỏng: Bệnh nhân đi lại 4.000 cây số chụp PET/CT - Ảnh 4.

Bệnh nhân được chụp PET/CT tại Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: N.KHÁNH

Ngưng hoạt động hàng loạt

Theo tìm hiểu, tại TP.HCM, Trung tâm ung bướu Chợ Rẫy là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng PET-CT scan trong chẩn đoán, định giai đoạn, điều trị, theo dõi sau điều trị bệnh ung thư... 

Thế nhưng hiện nay cả hệ thống chụp PET/CT lẫn "lò" sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG (gọi tắt thuốc phóng xạ) đều trong tình trạng hư hỏng.

Ngày 24-6, chúng tôi liên hệ vào số điện thoại của trung tâm với mục đích đăng ký chụp PET/CT cho người nhà. 

Một nhân viên nói rằng hệ thống máy chụp đang vào giai đoạn "đại trùng tu" và "hiện máy đang trong quá trình bảo trì rất lớn, qua tháng 7-2019 chắc chưa xong. Nếu gấp, người bệnh có thể ra Đà Nẵng hoặc Hà Nội chụp".

Trước thực trạng này, ngày 25-6 chúng tôi được TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh - trưởng khoa y học hạt nhân Bệnh viện Chợ Rẫy - dẫn đi một vòng tại khu vực đặt máy chụp PET/CT và "lò" sản xuất thuốc phóng xạ xem thực tế. 

Khác hẳn với khung cảnh đông đúc bệnh nhân như thường lệ, từ ngày hệ thống bị hỏng khu vực này trở nên khá vắng vẻ. 

Máy chụp PET/CT hiện đại nay đang nằm "trùm mền", một số bộ phận của máy được tháo rời để phục vụ việc kiểm tra, sửa chữa… 

Bước đầu nguyên nhân được xác định do hỏng đầu dò tín hiệu thiết bị ghi hình PET.

Theo bác sĩ Cảnh, trước đây trung bình một tháng đơn vị có khoảng 100-150 bệnh nhân đến đăng ký chụp PET/CT. 

"Khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo bệnh viện, các bác sĩ thường xuyên gửi bệnh, một số bệnh nhân có nhu cầu có thể đến liên hệ các đơn vị khác ở Đà Nẵng hoặc Hà Nội. 

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng này, người bệnh có thể sử dụng nhiều phương pháp chẩn đoán như chụp CT, MRI, siêu âm, xạ hình xương… 

Tuy nhiên, nếu được chụp PET/CT đương nhiên có thêm nhiều lợi điểm rất tốt cho bệnh nhân" - bác sĩ Cảnh nói.

Tương tự, chúng tôi gọi điện vào số điện thoại của Trung tâm ung bướu Bệnh viện Quân y 175 thì được nhân viên đơn vị này xác nhận hệ thống chụp PET/CT ngưng hoạt động khoảng 1 tháng nay.

Giải quyết ra sao?

Ngoài hai bệnh viện nêu trên, từ khoảng hai năm nay Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đang triển khai ứng dụng chụp PET/CT phục vụ người bệnh. 

Theo đó, lịch chụp một tuần 3 ngày và bệnh nhân phải hẹn trước 24 giờ để chuẩn bị thuốc. Mức giá chụp tại đây được đưa ra là 27.000.000 đồng/người/lần chụp.

Ngày 21-6, bác sĩ Kha (một trong ba bác sĩ phụ trách quy trình chụp PET/CT của bệnh viện) khẳng định hiện nay bệnh viện quyết định ngừng hẳn chụp PET/CT. 

Lý do không có nguồn thuốc phóng xạ. "Chụp cái này khó lắm vì nguồn phóng xạ không có. Có nhiều người gọi đặt lịch nhưng chúng tôi rất tiếc, đành phải từ chối".

Ông Phan Văn Báu - giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - xác nhận đơn vị đầu tư hệ thống máy chụp PET/CT nhưng thiếu thuốc phóng xạ nên không thể chụp được. 

Việc này gây rất nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị ung thư cho người bệnh. 

Theo TS Báu, hiện tại TP.HCM có khoảng 100 bệnh viện công và tư, trong khi chỉ có Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị trực thuộc ngành y tế TP có hệ thống máy PET/CT.

"Tôi thấy nhu cầu cho cả hệ thống ngành y tế TP là rất lớn. Do đó rất cần thiết phải đầu tư một lò sản xuất thuốc phóng xạ mới, độc lập để đáp ứng nhu cầu. 

Tôi rất mong muốn Sở Y tế TP, UBND TP sớm nghiên cứu đầu tư nhằm chủ động trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là ung thư trong tương lai" - TS Báu kiến nghị.

Lò thuốc phóng xạ hỏng: Bệnh nhân đi lại 4.000 cây số chụp PET/CT - Ảnh 5.

Kỹ sư Nguyễn Tấn Châu (trái) và TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh trao đổi về sự cố hư hỏng lò sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG. Vì lò này gặp sự cố nên các hệ thống máy chụp PET/CT ở các bệnh viện tại TP.HCM đều ngừng hoạt động - Ảnh: DUYÊN PHAN

PET/CT khác gì so với CT và MRI

Theo các chuyên gia y tế, so với chụp CT hay MRI, PET/CT là một phương pháp cung cấp đồng thời hình ảnh cấu trúc giải phẫu rõ nét của CT và hình ảnh tổn thương sớm ở mức độ tế bào, mức độ phân tử của PET.

Do vậy PET/CT có độ nhạy, đặc hiệu, chính xác cao, có khả năng phát hiện tổn thương hoặc bệnh lý ở giai đoạn rất sớm.

Đặc biệt, đây được đánh giá là kỹ thuật chẩn đoán ung thư mới có thể tìm kiếm các vị trí ung thư di căn, phát hiện tổn thương nguyên phát của ung thư, thậm chí phát hiện ung thư ngay khi cơ thể chưa hình thành tổn thương về mặt cấu trúc - điều mà chụp CT, MRI... đều không thể phát hiện ra.

Việc áp dụng kỹ thuật hiện đại như chụp PET/CT là một giải pháp vô cùng quan trọng nhằm chẩn đoán, phát hiện và điều trị ung thư sớm.

Và việc có hơn 50% số bệnh nhân ung thư được chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa nhằm chẩn đoán và điều trị khiến nhu cầu sử dụng dược chất phóng xạ rất cao.

Hiện nay, cả nước có đến 9 đơn vị ứng dụng hệ thống này gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân y T.Ư 108, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Vinmec Times City...

Ước tính trị giá của máy chụp PET/CT vào tầm 100 tỉ đồng.

Lò sản xuất thuốc phóng xạ FDG hỏng gì?

Kỹ sư Nguyễn Tấn Châu - trưởng đơn vị an toàn bức xạ Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết máy gia tốc Cyclotron (sản xuất thuốc phóng xạ) có chức năng chính là gia tốc hạt proton bắn phá vào đồng vị bền.

Sau phản ứng hạt nhân thu được đồng vị phóng xạ 18F-FDG. Từ đây tổng hợp thành thuốc phóng xạ 18F-FDG dùng tiêm cho bệnh nhân trước khi ghi hình chụp PET/CT.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống bia tạo ra đồng vị 18F-FDG bị lỗi kỹ thuật và buộc phải chờ phản hồi từ nhà sản xuất ở Mỹ. Không thể sản xuất ra thuốc phóng xạ do đó việc chụp PET/CT là không thể.

Khó khăn ở khâu sản xuất đồng vị phóng xạ

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-6, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn cho hay: "Vấn đề ở TP.HCM, theo tôi được biết, ngoài hỏng thiết bị còn trục trặc ở khâu sản xuất đồng vị phóng xạ sử dụng để chụp.

Dược chất phóng xạ này chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn do bán rã nhanh, không thể vận chuyển đi xa, vì thế khi đầu tư máy PET còn phải tính cả nguồn phóng xạ an toàn".

Theo thống kê chung thì VN đang rất thiếu máy PET/CT, thông thường thế giới cứ 1-2 triệu dân đầu tư 1 máy, như vậy VN cần ít nhất 45 máy PET/CT mới đủ sử dụng để chụp chiếu chẩn đoán cho bệnh nhân ung thư, trong khi VN mới có khoảng 1/4 số máy.

LAN ANH

Thiết bị mới: PET  - CT Thiết bị mới: PET - CT

TT - PET-CT (Positron Emisson Tomography - Citi) là một loại máy có thể cùng lúc thực hiện được việc chẩn đoán những hình ảnh chức năng (sinh hóa, chuyển hóa…) của các chất trong cơ thể và hình ảnh cấu trúc giải phẫu của các bệnh lý.

THÙY DƯƠNG - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên