21/10/2021 18:08 GMT+7

Lo ngại đề xuất bỏ xử phạt hành chính hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định việc loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Lo ngại đề xuất bỏ xử phạt hành chính hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt đọc tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 21-10, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt đọc tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ sau 16 năm thi hành. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 92 điều và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi luật với các lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên còn một số vấn đề ủy ban đề nghị tiếp tục thảo luận.

Trong đó, về vấn đề xử phạt hành chính, Luật sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội đều bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Hiện cơ quan soạn thảo đề nghị 2 phương án, trong đó phương án 1 sửa đổi như sau: không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. 

Chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng.  

Phương án 2 giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Với 2 phương án này, ông Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật nhận định "phương án 1 chưa hợp lý" bởi 4 lý do. 

Trong đó, hành vi xâm phạm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một hay một số tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng, toàn xã hội và ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước. 

"Do đó, thu hẹp phạm vi các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này bị xử lý bằng biện pháp hành chính với lý do đây là quan hệ dân sự như nêu trong tờ trình là chưa thuyết phục cả về cơ sở lý luận và thực tiễn" - ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, nếu loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. 

Đồng thời, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống tòa án hiện đang quá tải, cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.

Cục Sở hữu trí tuệ: Chỉ bảo hộ giống lúa ST25, không thể bảo hộ gạo ST25 Cục Sở hữu trí tuệ: Chỉ bảo hộ giống lúa ST25, không thể bảo hộ gạo ST25

TTO - Nhãn hiệu gạo ST25 sẽ không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền ở Mỹ hay các quốc gia khác cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào, vì thế không có chuyện "mất" thương hiệu này.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên