20/04/2019 10:25 GMT+7

Lo 'khuyết' nhân lực đi biển: 'Teo tóp' dạy nghề khai thác

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Trên thực tế, lao động nghề biển đòi hỏi sức khỏe và nhiều kỹ năng hơn lao động phổ thông trên bờ. Tuy nhiên lâu nay việc đi biển cứ phó mặc người đi trước chỉ người đi sau, hệ thống đào tạo lại 'khuyết' đi các ngành đào tạo về nghề biển.

Lo khuyết nhân lực đi biển: Teo tóp dạy nghề khai thác - Ảnh 1.

Dù 16 tuổi nhưng em Trần Hữu Tài (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi- bìa phải) đã được cha “huy động” ra khơi trên tàu QNg 98761 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trong các Chiến lược biển Việt Nam đều định hướng nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển. 

Tuy nhiên là một quốc gia hướng biển nhưng việc đầu tư vào nhân lực ngành biển, khai thác thủy sản dường như còn sa sút so với thời điểm chưa có thuyền to, máy lớn trước đây.

Nhiều năm "trắng" sinh viên

Miền Trung từng có Trường ĐH Thủy sản (tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là nơi duy nhất trên cả nước đào tạo chuyên nghiệp tất cả lĩnh vực nghề nuôi trồng, đánh bắt, kỹ thuật khai thác thủy hải sản (có lịch sử từ trước năm 1980). 

Tới năm 2006, trường đổi tên thành ĐH Nha Trang, các chuyên ngành đào tạo thủy hải sản tại trường "teo tóp" dần ở mức quy mô khoa.

Gần 10 năm qua, do không tuyển sinh được, từ chỗ là đơn vị đứng đầu về đào tạo khoa học kỹ thuật thủy sản trên cả nước, khoa này bị xóa bỏ phải chuyển sang hình thái hoạt động trở thành Viện KH&CN khai thác thủy sản, trực thuộc nhà trường.

Tiến sĩ Trần Đức Phú, viện trưởng Viện KH&CN khai thác thủy sản (ĐH Nha Trang), cho biết từ năm 2009 đến nay mỗi năm trường dành 30-40 chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành khai thác thủy sản. 

Tuy nhiên 10 năm qua cũng chỉ đào tạo được... 62 học viên. Thậm chí nhiều năm liên tiếp... "trắng" học viên, nhà trường không thể tổ chức đào tạo.

Theo tiến sĩ Phú, nếu nói chưa được chú trọng là không đúng hoàn toàn vì Nhà nước đã có nhiều chủ trương để hỗ trợ về kinh phí đào tạo cho ngư dân. 

Tuy nhiên nghề này có những đặc thù riêng, nhân lực được đào tạo bài bản có trình độ trung cấp trở lên thì không ai mặn mà đi biển cả mà họ sẽ làm việc khác trên bờ cho khỏe hơn, thu nhập cao hơn đi biển nhiều mà không vất vả như nghề đi biển.

"Để nâng chất lượng nhân lực ngành biển, cần có những chế tài, nhất là các chứng chỉ hành nghề bắt buộc phải có thì mới cho tàu ra biển, mới cấp phép cho tàu hoạt động. 

Tuy nhiên thực trạng hiện nay chưa địa phương nào làm được điều này, do đó ngư dân không có động lực tham gia học để nâng cao tay nghề" - TS Phú nhận định.

Tay ngang khó "bay cao"

Với hơn 20 năm làm trong ngành thủy sản, ông Phùng Đình Toàn, phó trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi), cho rằng Nhà nước đã bỏ rất nhiều tiền để thực hiện chính sách 67 nhưng thành công mới mang về được một nửa. 

Theo ông Toàn, chính sách này đã tạo điều kiện cho đội tàu cá tại miền Trung hiện đại hóa, nâng công suất đảm bảo an toàn khi đánh bắt xa bờ.

Tuy nhiên việc đóng mới tàu (đặc biệt là tàu sắt) mới chỉ làm tốt được việc hiện đại vỏ tàu, còn bản chất về phương thức khai thác, trang thiết bị ngư lưới cụ thì không có sự thay đổi đáng kể. 

Sản lượng không tăng trong khi chi phí bỏ ra tăng khiến nhiều ngư dân nản lòng với tàu vỏ sắt. 

Nhất là đối với một số trường hợp doanh nghiệp đóng tàu chưa có kinh nghiệm, đóng tàu chưa phù hợp với thói quen vận hành của ngư dân khiến dân ra khơi chuyến nào là lỗ chuyến ấy nên phải bỏ của chạy lấy người.

Ông Toàn nhìn nhận cán cân đầu tư đang có một sự chênh lệch lớn giữa phương tiện và nhân lực. 

Theo ông Toàn, ngành thủy sản muốn phát triển thì phải có đầu tư tương xứng với vấn đề nhân lực. Ngành thủy sản muốn "bay cao, bay xa" thì phải dựa vào đôi cánh phương tiện và nhân lực.

Ông phân tích: "Tàu bè có thể hiện đại hóa ngay được, nhưng đào tạo con người phải là việc làm lâu dài, nghiêm túc. Tôi đang muốn nói đến đây là vấn đề gốc của ngành ngư nghiệp vì phải có những người yêu biển, hiểu biển và sống được với nghề biển thì ngư nghiệp mới mạnh".

Ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho rằng chất lượng nhân lực nghề biển hiện nay so với "thời ông bà anh" dường như... không có gì thay đổi. Lao động đi biển vẫn đa số là cha truyền con nối.

"Chúng ta hoàn toàn "trống" những tay ngư dân hiểu về đại dương, hệ sinh thái biển. Lao động cũng không chuyên về một ngành nghề nào cả mà là lao động tay ngang. 

Thành ra họ cứ kiếm sống qua ngày, tàu nào, nơi nào... có thu nhập cao là họ sẽ đi ngay và sẵn sàng bỏ tàu mà mình đang đi để theo tàu khác có thu nhập cao hơn. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế lặp lại" - ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, thời trước đây khi vẫn còn những doanh nghiệp quốc doanh nghề biển, có rất nhiều người được đào tạo bài bản tham gia đánh bắt trên biển. 

Tuy nhiên hiện nay ngành đánh bắt thủy hải sản trong nước về đúng nghĩa "nghề cá nhân dân", thành bại đều ở tay người ngư dân mà ra. 

"Cứ tình trạng cả nước không có một doanh nghiệp nào đầu tư bài bản vào lĩnh vực khai thác xa bờ để trở thành quy mô đánh bắt "công nghiệp", ngành thủy sản không có con tàu nào để nghiên cứu hệ sinh thái Biển Đông, còn chất lượng nhân lực cứ phó mặc "thả trôi", do đó ngành thủy sản không chóng thì muộn cũng sẽ tụt hậu xa so với xung quanh" - ông Lĩnh cảnh báo.

Năm 2030 kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP

Theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.

Trong đó phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo.

Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước.

Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo...

Nhân lực ngành điện tử Nhân lực ngành điện tử 'lên ngôi' ở Việt Nam

TTO - Đó là một trong những điểm nhấn của khảo sát về nhân sự cấp trung và cấp cao của tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group trong quý 4 năm 2018.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên